Dự Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam chia sẻ mối lo ngại chung về nguy cơ khủng bố hạt nhân

Sáng 13-4 (giờ Việt Nam), lãnh đạo các quốc gia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Mỹ bắt đầu thảo luận chủ đề “Mối đe dọa khủng bố hạt nhân”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng nguyên thủ và Thủ tướng các nước Hoa Kỳ, Pháp, Nhật, Đức, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan; Tổng Thư ký LHQ… đã tham dự phiên thảo luận này.
Dự Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam chia sẻ mối lo ngại chung về nguy cơ khủng bố hạt nhân

Sáng 13-4 (giờ Việt Nam), lãnh đạo các quốc gia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Mỹ bắt đầu thảo luận chủ đề “Mối đe dọa khủng bố hạt nhân”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng nguyên thủ và Thủ tướng các nước Hoa Kỳ, Pháp, Nhật, Đức, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan; Tổng Thư ký LHQ… đã tham dự phiên thảo luận này.

Cho rằng mối đe dọa khủng bố hạt nhân đang cận kề, đe dọa tất cả các nước, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nhấn mạnh an ninh hạt nhân là vấn đề các nước cần phải cùng chia sẻ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Thượng đỉnh hạt nhân ở Washington.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Thượng đỉnh hạt nhân ở Washington.

Tham luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ mối lo ngại chung của cộng đồng quốc tế về nguy cơ khủng bố hạt nhân, do đó cần có các biện pháp ứng phó hiệu quả để bảo đảm an ninh hạt nhân. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam lên án những hành động khủng bố dưới mọi hình thức, ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực chống khủng bố của cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng  luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Luật pháp Việt Nam có nhiều quy định về bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, nghiêm cấm các hành động buôn bán bất hợp pháp các vật liệu để sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân. Đồng thời, Việt Nam coi trọng việc gia nhập các điều ước quốc tế, tích cực tham gia các hoạt động song phương và đa phương về chống khủng bố.

Để nâng cao hiệu quả của hợp tác quốc tế chống khủng bố, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cần quan tâm hơn nữa việc hỗ trợ các nước có yêu cầu trong triển khai các biện pháp chống khủng bố, bảo đảm an ninh hạt nhân.

Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân với sự tham dự của 50 đoàn, trong đó có 3 tổ chức quốc tế gồm Liên Hiệp quốc, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Liên minh châu Âu (EU), và lãnh đạo cấp cao của 47 nước.

Cũng tại hội nghị, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych cho biết Ukraine đã quyết định tiêu hủy hoàn toàn khối lượng uranium làm giàu ở cấp độ cao của nước này trước năm 2012. Để thực hiện mục tiêu trên, trong năm nay, Kiev dự định dỡ bỏ một phần quan trọng các kho uranium làm giàu. Canada tuyên bố sẽ chuyển lượng uranium làm giàu tại phòng thí nghiệm quốc gia ở sông Chalk sang Mỹ vào năm 2018 nhằm đảm bảo an toàn hạt nhân.

Theo BBC, ước tính có khoảng 1.600 tấn uranium đã làm giàu trên toàn thế giới. Tuy nhiên đa số nằm tại các quốc gia có vũ khí hạt nhân, đặc biệt là Nga. Ngoài ra còn khoảng 500 tấn loại nguyên liệu khác là plutonium. Tổng cộng, lượng phóng xạ trên đủ để chế tạo 120.000 vũ khí nguyên tử.

Trước đó, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joseph Biden đã có cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam và các nhà lãnh đạo một số nước tham dự hội nghị. Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam mong muốn có điều kiện để tranh thủ năng lượng hạt nhân cho phát triển đất nước và ủng hộ mạnh mẽ việc giải trừ hạt nhân, không phổ biến vũ khí hạt nhân nhằm tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

* Chiều 12-4, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh về an ninh hạt nhân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama, Thủ tướng New Zealand John Key, Thủ tướng Marốc Abbas El Fassi và Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Herman Van Rompuy.

Tiếp xúc với Thủ tướng các quốc gia trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước những tiến triển tốt đẹp trong quan hệ giữa các nước với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực và nhất trí các bên cần cùng nhau phấn đấu để đưa quan hệ đối tác chiến lược phát triển sâu rộng hơn nữa, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân các nước.

Gặp Chủ tịch EU Herman Van Rompuy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam và EU hiện nay đang đứng trước yêu cầu phải đưa quan hệ hai bên đi vào chiều sâu và cần phấn đấu để xây dựng quan hệ thành một hình mẫu về hợp tác giữa một trung tâm phát triển và một nước đang phát triển. Việt Nam hoan nghênh EU vừa qua có báo cáo tích cực về quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và đề nghị EU sớm công nhận Việt Nam đáp ứng đầy đủ các tiêu chí còn lại, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi thương mại hai chiều phát triển.

H.Quốc (Theo website chính phủ, AFP, BBC)

Tin cùng chuyên mục