Xúc tiến thành lập FTAAP

Ngày 8-11, trong phiên bế mạc Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế của 21 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), các Bộ trưởng nhất trí nỗ lực thành lập  Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).
Xúc tiến thành lập FTAAP

Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC

Ngày 8-11, trong phiên bế mạc Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế của 21 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), các Bộ trưởng nhất trí nỗ lực thành lập  Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).

Phiên họp Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC.

Đối trọng với TPP

Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng đồng ý thành lập FTAAP sớm nhất có thể, đồng thời, khởi động một chiến lược chung về việc thành lập FTAAP. Theo các nhà phân tích, FTAAP do Trung Quốc khởi xướng được xem như như đối trọng thực sự của TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương) do Mỹ đứng đầu. Nếu được thành lập, FTAAP sẽ là một trong những khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới với sự góp mặt của Mỹ, Trung Quốc và Nhật cùng các nền kinh tế quan trọng khác như Australia, Hàn Quốc, New Zealand, Canada và Nga. FTAAP nắm giữ 57% GDP thế giới và 46% giá trị thương mại toàn cầu - lớn hơn so với TPP (40% GDP và 26% giá trị thương mại toàn cầu).

Cũng tại hội nghị, nhiều thành viên cho rằng ngày càng có nhiều thách thức đặt ra đối với phát triển và liên kết, do tăng trưởng kinh tế chậm lại, hội nghị nhất trí tăng cường sự đóng góp của APEC vào việc thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương, liên kết kinh tế và kết nối khu vực, cải cách kinh tế và tăng trưởng. APEC cần phát huy vai trò đi đầu thúc đẩy việc thực hiện các quyết định đạt được tại Bali (Indonesia), Chương trình hoạt động sau Bali, Hiệp định về công nghệ thông tin (ITA), chống chủ nghĩa bảo hộ dưới mọi hình thức...

Trong phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nhấn mạnh hợp tác và liên kết tiếp tục là xu thế chủ đạo, song tình hình quốc tế và khu vực diễn biến ngày càng phức tạp, cục diện quốc tế hiện nay vẫn đang trong giai đoạn định hình. Phó Thủ tướng đề nghị các nước thành viên APEC cần tiếp tục nỗ lực tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, đề cao trách nhiệm đối với các mối quan tâm và lợi ích chung, bảo đảm nguyên tắc cùng có lợi, quan tâm thỏa đáng nhu cầu phát triển, tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác, liên kết và phát triển của khu vực. Đồng thời, APEC cần tiếp tục đẩy mạnh tư duy mở về hợp tác và liên kết khu vực, đồng thời phát huy vai trò trong xây dựng một cấu trúc khu vực bền vững, minh bạch, đáp ứng mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và thịnh vượng cũng như lợi ích chính đáng của các nền kinh tế thành viên.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển

Theo Tân Hoa xã, ngày 9-11, Hội nghị thượng đỉnh Tổng giám đốc doanh nghiệp APEC sẽ khai mạc tại Bắc Kinh. Đây là một sự kiện thường niên được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1996, bên cạnh Hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo APEC, trở thành một diễn đàn quan trọng để các nhà lãnh đạo, các doanh nhân, nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu chia sẻ những kinh nghiệm phát triển, kiến nghị và đưa ra những giải pháp nhằm tăng cường hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp trong khu vực và giữa APEC với toàn thế giới.

Tới dự hội nghị có hàng trăm lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chương trình của hội nghị gồm nhiều phiên thảo luận về các vấn đề hợp tác kinh tế, đầu tư, xây dựng môi trường kinh doanh, các khó khăn, thách thức đối với các nền kinh tế đang phát triển… Khách mời phát biểu là lãnh đạo các nền kinh tế, các chuyên gia, doanh nhân hàng đầu từ các nền kinh tế thành viên APEC.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục