Việt Nam có thế mạnh về pháp lý, đạo lý

Liên hiệp Các Tổ chức hữu nghị Việt Nam vừa tổ chức buổi chia sẻ thông tin và đối thoại về biển Đông cùng các tổ chức phi chính phủ cả trong và ngoài nước. Đại diện của hơn 300 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đã tham gia, quan tâm đến tình hình căng thẳng trên biển Đông hiện nay.

        Hành động mang tính ức hiếp

Ông Nguyễn Vũ Tùng, Viện Biển Đông chia sẻ, đường đứt khúc 9 đoạn (đường lưỡi bò) được Trung Quốc tuyên bố năm 2009. Từ đó đến nay, họ coi đó là một căn cứ pháp lý để ngụy biện cho những yêu sách của họ, với tham vọng muốn 80% biển Đông là chủ quyền của Trung Quốc. Hàng loạt những hành vi đã được Trung Quốc thực hiện suốt những năm qua. Tình hình biển Đông hiện nay có nhiều biến chuyển hết sức phức tạp, được mô tả từ chỗ quan ngại đến mức đặc biệt nguy hiểm, có nhiều dấu hiệu leo thang. Theo ông Tùng, hành động của Trung Quốc hiện cho thấy những dấu hiệu mang tính “ức hiếp” nước láng giềng nhỏ hơn. Tất cả các hành vi của Trung Quốc gây ra từ năm 2009 đến nay đều thực chất là nhằm thực hiện tham vọng đường lưỡi bò của mình.

Cũng với mong muốn làm rõ những phát ngôn từ phía Trung Quốc trong việc đặt giàn khoan Hải Dương-981, TS Nguyễn Thị Lan Anh, Học viện Ngoại giao Việt Nam, đã trình bày 6 luận điểm dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế để chỉ ra việc đặt giàn khoan Hải Dương-981 là hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế.

        Trung Quốc lừa dối cả thế giới

Thiếu tướng, PGS-TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an - người đã có 32 năm nghiên cứu về Trung Quốc phân tích: Chỉ trong một thời gian ngắn, xét về mặt hành vi học, Trung Quốc có 3 hành vi. Thứ nhất là hành vi kéo giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Thứ hai là dùng vũ lực khi cho tàu, máy bay tấn công và uy hiếp các tàu Việt Nam đang làm nhiệm vụ hợp pháp trong vùng lãnh thổ của Việt Nam. Thứ ba là lừa dối cả thế giới khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tàu Việt Nam đã bao vây, gây sự với tàu Trung Quốc, nhưng tất cả những hình ảnh được Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố trong thời gian vừa qua lại chứng minh một điều ngược lại. Đó là Trung Quốc đang tấn công các tàu của Việt Nam ngay trên vùng biển của Việt Nam.

“Hành vi của Trung Quốc vừa vi phạm pháp luật, vừa vi phạm đạo lý. Trung Quốc đã lừa dối cả thế giới. Trung Quốc mạnh thật nhưng họ không có pháp lý, đạo lý. Họ sẽ bị dư luận thế giới lên án” - Thiếu tướng Lê Văn Cương một lần nữa khẳng định. Ông nói, Việt Nam không bao giờ kích động chủ nghĩa dân tộc để chống Trung Quốc. Việt Nam cũng không liên kết với nước nào để chống Trung Quốc. Việt Nam luôn coi 1,3 tỷ người Trung Quốc là bạn của Việt Nam. Nhưng Việt Nam cũng kiên quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.

        Việt Nam không sử dụng biện pháp quân sự trước

Hầu hết các chuyên gia đến từ các tổ chức phi chính phủ cả trong và ngoài nước đều tỏ ra quan ngại với những diễn biến ngày càng phức tạp và căng thẳng đang diễn ra trên biển Đông. Nhiều tổ chức phi chính phủ bày tỏ quan điểm đồng thuận và ủng hộ Việt Nam trong tiến trình bảo vệ chủ quyền lãnh thổ vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế đang bị Trung Quốc xâm phạm trái phép. Đại diện Hội Amis France - Việt Nam (một tổ chức nhân đạo, xã hội, chủ yếu tập hợp những công dân Pháp gốc Việt yêu nước, trợ giúp nhân đạo) cho biết, dù hội chủ yếu chỉ làm việc nhân đạo, nhưng với việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam, ngày 13-5, hội đã có văn bản đề nghị Trung Quốc lập tức rút giàn khoan, dừng ngay các hành vi khiêu khích; kêu gọi các tổ chức quốc tế ủng hộ Việt Nam.

Một số đại diện tổ chức quốc tế đặt câu hỏi: Nếu Trung Quốc không rút giàn khoan về thì Việt Nam sẽ tiếp tục biện pháp đấu tranh nào? Ông Nguyễn Vũ Tùng trả lời, Việt Nam đang làm những biện pháp về chính trị, đấu tranh ngoại giao với Trung Quốc để họ rút giàn khoan. Việt Nam cũng đã đẩy mạnh công tác truyền thông để đưa thông tin rộng rãi đến cộng đồng thế giới; làm rõ phản ứng của cộng đồng thế giới, nhân dân 2 nước, từ đó có thể tác động đến ý thức nhà cầm quyền Trung Quốc. Khi mọi sự kiềm chế đã vượt quá giới hạn thì phải sử dụng biện pháp mạnh hơn. Nhưng chắc chắn, Việt Nam sẽ không bao giờ là nước sử dụng biện pháp quân sự trước, vì chúng tôi yêu chuộng hòa bình” - ông Tùng khẳng định.

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục