Nhiều nước trong Phong trào Không liên kết kêu gọi giải quyết vấn đề biển Đông theo luật pháp quốc tế

(SGGP).- Ngày 29-5, tin từ Bộ Ngoại giao cho biết, Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 17 Phong trào Không liên kết đã diễn ra tại thủ đô Algiers của Algeria với sự tham dự của các đoàn đại biểu 120 nước thành viên cùng nhiều đại diện quan sát viên, các tổ chức khu vực và quốc tế đã kết thúc sau 2 ngày làm việc. Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc dẫn đầu tham dự hội nghị.

Với chủ đề “Tăng cường đoàn kết vì hòa bình và thịnh vượng”, hội nghị đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng được các thành viên và cộng đồng quốc tế quan tâm hiện nay, trong đó có việc giải quyết các tranh chấp, xung đột vũ trang; các thách thức kinh tế, xã hội nhằm thúc đẩy hòa bình và phát triển bền vững.

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đã thông báo cụ thể về việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam với việc hạ đặt giàn khoan trái phép sâu hơn 80 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cùng sự hiện diện của hơn 130 tàu, có cả tàu quân sự và máy bay. Đây là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như Tuyên bố Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã tham gia ký kết. Hành động này của Trung Quốc đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, nơi diễn ra hai phần ba hoạt động vận tải thương mại hàng hải toàn cầu.

Thứ trưởng khẳng định Việt Nam kiên trì lập trường nhất quán giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị tốt đẹp với các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc. Việt Nam đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại nhằm giải quyết vấn đề này và khôi phục hòa bình, ổn định ở khu vực. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu bảo vệ khỏi vùng biển của Việt Nam, đồng thời kêu gọi các thành viên Phong trào Không liên kết thể hiện tình đoàn kết và đóng góp vào hòa bình và an ninh ở Đông Nam Á, qua đó phát huy hơn vai trò và trách nhiệm của Phong trào Không liên kết trước các thách thức đối với mỗi thành viên và việc duy trì hòa bình trên thế giới nói chung.

Chia sẻ quan tâm của ASEAN và Việt Nam đối với tình hình biển Đông, nhiều thành viên ở các châu lục khác nhau như Ấn Độ, Đông Timo, Nepal, Nigeria, Zambia, Jamaica, Nicaragua… nhấn mạnh việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của phong trào và quan hệ quốc tế nói chung, trong đó có nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hiệp quốc, cùng tồn tại hòa bình, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; giải quyết hòa bình các tranh chấp, không đe dọa và sử dụng vũ lực. Các thành viên đã nhất trí thông qua văn kiện của hội nghị với nhiều điểm bổ sung, cập nhật liên quan tình hình biển Đông do ASEAN đề xuất.

Ngày 29-5, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với bà Catherine Ashton, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về chính sách Đối ngoại và An ninh.

Hai bên đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có tình hình hiện nay ở biển Đông. Đại diện cấp cao của EU bày tỏ đặc biệt lo ngại về những hành động của Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới môi trường an ninh trong khu vực. Bà Ashton đề nghị các bên liên quan cùng tìm kiếm giải pháp hòa bình và hợp tác, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982; tiếp tục bảo đảm an ninh và tự do hàng hải. EU kêu gọi các bên tiến hành các biện pháp giảm căng thẳng và không có những hoạt động đơn phương ảnh hưởng xấu tới hòa bình và ổn định ở khu vực.

THÀNH NAM


Thêm tài liệu khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

(SGGP).- Ngày 29-5, ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (tại TP Đà Lạt), cho biết, trung tâm đã phát hiện 17 tấm mộc bản triều Nguyễn (với 19 mặt khắc) khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trong đó đáng chú ý là các mộc bản sách “Đại Nam thực lục tiền biên”, “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”… khẳng định quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi và các đời vua chúa sai quân lính, phu thợ đến đây lập miếu thờ và tìm lượm sản vật về nộp.

NAM VIÊN

Trung Quốc vu khống tàu chấp pháp Việt Nam

(SGGP).- Trong ngày 29-5, tàu Trung Quốc tổ chức thành từng nhóm từ 7 đến 9 tàu ngăn cản tàu kiểm ngư của Việt Nam và sử dụng 3 đến 4 tàu vây ép, sẵn sàng đâm va, dùng vòi phun nước đe dọa tấn công các tàu chấp pháp của Việt Nam tiếp cận giàn khoan Hải Dương-981 để tuyên truyền ở khoảng cách từ 7 - 8 hải lý; đẩy phạm vi hoạt động của các tàu chấp pháp của Việt Nam ra cách khu vực giàn khoan neo đậu từ 10 - 12 hải lý. Lực lượng kiểm ngư phát hiện trên vị trí súng phun nước của tàu hải cảnh số hiệu 31101 của Trung Quốc có lắp thêm đường ống và vòi màu đen. Trong quá trình tiếp cận giàn khoan, tàu kiểm ngư số hiệu 630 của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc phun nước gây hư hỏng một số thiết bị trên tàu.

Phía Trung Quốc đã dùng tàu cá bám sát tàu kiểm ngư của Việt Nam để thả lưới và các vật dụng gây cản trở hoạt động thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của các tàu chấp pháp của Việt Nam. Để tạo chứng cứ vu cáo cho lực lượng kiểm ngư Việt Nam, phía Trung Quốc còn cho tàu cá đi sát tàu kiểm ngư của Việt Nam tạo ra những cú đâm, va nhằm chụp ảnh, quay phim để vu khống tàu kiểm ngư của Việt Nam tấn công tàu cá Trung Quốc.

VĂN PHÚC

- Sáng kiến giải quyết vấn đề biển Đông

- Trung Quốc phải chấm dứt ngay các hành động vô nhân đạo

Tin cùng chuyên mục