Họp báo quốc tế về biển Đông: Bác bỏ lập luận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa

° Việt Nam không sử dụng người nhái tại khu vực hiện trường

° Việt Nam không sử dụng người nhái tại khu vực hiện trường

Chiều 16-6, tại cuộc họp báo quốc tế về tình hình biển Đông, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam và các cơ quan liên quan đã lên tiếng bác bỏ lập luận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa; đồng thời bác bỏ những cáo buộc vô căn cứ, bóp méo sự thật trên thực địa mà phía Trung Quốc đưa ra ngày 13-6.

Yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và lịch sử

Nêu quan điểm của Việt Nam về yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam bác bỏ lập luận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là “Tây Sa” vì các yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và lịch sử.

Theo ông Trần Duy Hải, Trung Quốc đưa ra một số tư liệu lịch sử, nhưng các tư liệu này không có nguồn gốc rõ ràng, không chính xác và được diễn giải một cách tùy tiện. Các tư liệu này đều là của cá nhân, không phải là tài liệu chính thức của nhà nước phong kiến Trung Quốc. Trong các tư liệu đó, quần đảo Hoàng Sa được nêu tên và mô tả một cách thiếu nhất quán.

Trong khi đó, Việt Nam đã cung cấp công khai bằng chứng xác thực cho thấy nhà nước phong kiến Việt Nam “đã thiết lập chủ quyền đối với quần đảo này từ khi quần đảo là lãnh thổ vô chủ”. Ít nhất từ thế kỷ 17, các triều đại nhà Nguyễn đã tổ chức các hoạt động khai thác sản vật trên các quần đảo, tổ chức đo đạc hải trình và bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền của quốc gia khác qua lại tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Các hoạt động này đều đã được ghi nhận trong các văn bản chính thức do các triều đình phong kiến Việt Nam ban hành là các châu bản hiện đang được lưu giữ tại Việt Nam.

Sau khi Pháp ký hiệp định bảo hộ năm 1874 và 1884 với triều đình phong kiến Việt Nam, Pháp đã thay mặt Việt Nam tiếp tục thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa và tuyên bố phản đối các hành động xâm phạm của Trung Quốc. Năm 1909, Đô đốc Quảng Đông Lý Chuẩn tiến hành hành động thám hiểm và thăm dò Hoàng Sa là hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Pháp đã thay mặt Việt Nam phản đối các hành động xâm phạm của Trung Quốc và nêu rõ chủ quyền của Hoàng Sa đã được nhà nước An Nam xác lập từ năm 1816.

Việt Nam chưa bao giờ công nhận chủ quyền Trung Quốc với Hoàng Sa

Ông Trần Duy Hải khẳng định Việt Nam chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc đã cố tình xuyên tạc lịch sử và diễn giải sai lịch sử khi viện dẫn Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 và một số tài liệu, ấn phẩm được xuất bản ở Việt Nam trước năm 1975 như là bằng chứng về việc Việt Nam công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa. “Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự xuyên tạc này” - ông Trần Duy Hải nhấn mạnh.

Theo ông Trần Duy Hải, Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không hề đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là tài liệu thông báo về việc các cơ quan của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc và bức thư không đề cập gì đến vấn đề chủ quyền. Trong bối cảnh lịch sử năm 1958, hành động của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ là nhằm ủng hộ việc Trung Quốc mở rộng vành đai an ninh trên biển từ 3 đến 12 hải lý. Nhưng đến nay, Trung Quốc đã cố tình diễn giải sai ý nghĩa và bối cảnh lịch sử của bức thư để phục vụ cho yêu sách lãnh thổ sai trái của mình.

Năm 1958, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình lúc đó là Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiểu rất rõ bối cảnh lịch sử liên quan đến các tài liệu mà Trung Quốc đã trích dẫn. Do vậy, đến tháng 9-1975, với cương vị là Phó Chủ tịch Đảng, Phó Thủ tướng, trong trao đổi với lãnh đạo Việt Nam, Tổng Bí thư Lê Duẩn, ông Đặng Tiểu Bình đã thừa nhận “giữa hai nước có ý kiến khác nhau về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sau này hai nước sẽ bàn bạc giải quyết”.

Trung Quốc bóp méo sự thật

Trong hơn 1 tháng qua, Việt Nam đã tiến hành hơn 30 lần tiếp xúc với các cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc nhưng Trung Quốc vẫn từ chối đàm phán thực chất. Ông Trần Duy Hải cho biết: “Trung Quốc không những không đáp lại thiện chí của Việt Nam mà còn đưa ra các lời cáo buộc vô căn cứ, bóp méo sự thật, vu cáo Việt Nam đâm các tàu của Chính phủ Trung Quốc hơn 1.500 lần. Trung Quốc hoàn toàn không đưa ra bằng chứng thực sự nào về các cáo buộc thiếu căn cứ này”.

Trao đổi thêm về những thông tin sai lệch mà phía Trung Quốc đưa ra, ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, cho biết: Thực tế vừa qua chỉ có các tàu Trung Quốc mới chủ động đâm va và phun nước vào các tàu Việt Nam làm cho nhiều tàu Việt Nam bị hư hỏng. Từ ngày 3-5 đến nay tổng cộng có 15 kiểm ngư viên và 2 ngư dân Việt Nam bị thương. “Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng và hình ảnh về những tàu Trung Quốc tiến hành đâm và tàu Việt Nam bị đâm. Các tàu Việt Nam không thể sử dụng mạn và boong tàu để đâm vào mũi tàu Trung Quốc được” - ông Thu nói.

Về việc Trung Quốc vu khống Việt Nam cử nhiều người nhái, thả nhiều lưới đánh cá và chướng ngại vật tại khu vực hiện trường gây ảnh hưởng tới người và tàu của Trung Quốc, ông Ngô Ngọc Thu khẳng định cho tới nay Việt Nam không hề sử dụng người nhái tại khu vực hiện trường.

“Trung Quốc nói không đưa tàu chiến và máy bay quân sự đến hiện trường, trên thực tế chúng tôi và cả phóng viên các hãng thông tấn báo chí trong và ngoài nước đã ghi lại được đầy đủ các số liệu, số hiệu tàu và máy bay tại thực địa là bằng chứng không thể chối cãi”, ông Ngô Ngọc Thu khẳng định.

Trả lời câu hỏi về việc ông Dương Khiết Trì dự kiến đến Việt Nam tuần này dự cuộc họp Ủy ban liên chính phủ Việt Nam - Trung Quốc, ông Lê Hải Bình, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: “Theo chúng tôi biết, Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì sẽ thăm Việt Nam. Đây là cuộc gặp của hai chủ tịch ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc. Trong các chủ đề thảo luận tại cuộc gặp, tôi tin vấn đề Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chắc chắn sẽ được bàn đến...”.

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục