Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Giải quyết tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Giải quyết tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế

Ngày 27-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và có bài phát biểu tại phiên họp thứ nhất hội nghị G7 mở rộng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh những chủ đề ưu tiên trong chương trình nghị sự của hội nghị; nhấn mạnh đây thực sự là những vấn đề quan trọng và cấp bách đối với hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững của khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và cả thế giới nói chung; đồng thời cho biết phát triển bền vững trên cơ sở hội nhập khu vực và quốc tế hiệu quả là định hướng chiến lược phát triển của Việt Nam, trong đó cơ sở hạ tầng là một trong ba đột phá của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Pháp Francois Hollande tại hội nghị G7 mở rộng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ Việt Nam mong các nước G7 và các tổ chức đa phương tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam và các nước lưu vực sông Mê Công tăng cường hợp tác quản lý và bảo vệ nguồn nước, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và chống hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là ở ĐBSCL.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, các hành động đơn phương, trái pháp luật quốc tế và thỏa thuận khu vực như bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn, làm thay đổi nguyên trạng và tăng cường quân sự hóa đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực. Tình hình đó đòi hỏi các quốc gia liên quan cần kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), tuân thủ Tuyên bố ứng xử ở biển Đông (DOC), tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Cùng với các nước ASEAN, Việt Nam hoan nghênh các nước G7 đã có tiếng nói mạnh mẽ, ủng hộ các nỗ lực bảo đảm an ninh, tự do hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, thỏa thuận khu vực và mong muốn các nước G7 và cộng đồng quốc tế tiếp tục đóng góp có trách nhiệm vào củng cố môi trường hòa bình và ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Nhân dự hội nghị G7 mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp với Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Canada Justin Trudeau,  Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Thủ tướng Italia Matteo Renzi, Chủ tịch  Ngân hàng Ngân hàng thế giới Jim Yong Kim, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean - Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. 


G7 hợp tác đảm bảo an ninh hàng hải trên biển Đông

Ngày 27-5, kết thúc 2 ngày hội nghị thượng đỉnh tại Nhật Bản, lãnh đạo các nước G7 đã ra tuyên bố chung về hàng loạt các vấn đề trọng tâm, trong đó có vấn đề căng thẳng hàng hải ở biển Đông cũng như biển Hoa Đông.

Cần tôn trọng quyền tự do hàng hải

Tuyên bố của G7 kết thúc hội nghị thượng đỉnh ở Nhật Bản nêu rõ: “Chúng tôi quan ngại về tình hình ở các vùng biển Hoa Đông và biển Đông”, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng cốt yếu của việc xử lý và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Tuy nhiên, bản tuyên bố không nêu đích danh một quốc gia cụ thể nào.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo G7 cũng tái khẳng định, cần tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không. Những tuyên bố chủ quyền cần được đưa ra trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nước nên kiềm chế những hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng, trong khi tránh sử dụng vũ lực hoặc hành động cưỡng bức nhằm thúc đẩy các tuyến bố chủ quyền của mình.

Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sẽ hợp tác để đảm bảo an ninh hàng hải, đặc biệt ở vùng biển Đông. Tuyên bố của G7 nhấn mạnh ý nghĩa của việc giải quyết một cách hòa bình tranh chấp trên biển Đông. Tuyên bố này là sự tiếp nối quan điểm của các ngoại trưởng G7 đã được đưa ra từ tháng 4 vừa qua.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng ở biển Đông có xu hướng leo thang sau hàng loạt các hoạt động cải tạo đất và triển khai vũ khí trái phép của Trung Quốc ở khu vực này. Tờ Trung Quốc nhật báo ngày 27-5 dẫn lời một quan chức Trung Quốc cho biết nước này có ý định biến trái phép một số đảo ở vùng biển Đông có tranh chấp thành các khu nghỉ dưỡng kiểu Maldives để phục vụ cho các lễ cưới, thông qua các hoạt động phát triển mới ở những khu vực không cần tới sự hiện diện quân sự.

Phối hợp các chính sách tiền tệ, tài chính

Cùng ngày, Thủ tướng Shinzo Abe cũng khẳng định, các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí thúc đẩy phối hợp các chính sách tiền tệ, tài chính và cơ cấu. Ông Abe cam kết, Nhật Bản sẽ huy động mọi chính sách có thể để thúc đẩy mạnh mẽ chính sách Abenomics - một chính sách kinh tế kết hợp giữa nới lỏng tiền tệ quy mô lớn và chi tiêu tiền tệ linh hoạt. Các nhà lãnh đạo G7 cũng đã bày tỏ lo ngại về vấn đề nguồn cung dư thừa của Trung Quốc và một số chính sách của Bắc Kinh nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất trong nước có nguy cơ làm rối loạn thị trường.

Liên quan đến việc Triều Tiên thử hạt nhân và tiến hành các vụ phóng, tên lửa đạn đạo, các nhà lãnh đạo G7 đã lên án và yêu cầu Bình Nhưỡng không tiến hành thêm những hành động khiêu khích hoặc gây bất ổn, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế thực thi đầy đủ các lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc đối với Triều Tiên. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo G7 cũng mạnh mẽ hối thúc Bình Nhưỡng giải tỏa những quan ngại của cộng đồng quốc tế, trong đó có vấn đề bắt cóc công dân Nhật Bản. Về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, các nhà lãnh đạo G7 tái khẳng định duy trì chính sách trừng phạt chống Nga.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục