Viettel khẳng định trình độ nghiên cứu, phát triển công nghệ cao

Sở hữu trí tuệ là điều bất cứ một công ty nào, tổ chức nào cũng muốn khi phát triển công nghệ riêng của mình. Ngay từ đầu, Viettel hiểu và xác định rất rõ, một tổ chức mà muốn đứng được ở trên thị trường công nghệ cao thì bắt buộc phải có sở hữu trí tuệ.
Đây chính là động lực để Viettel sớm nghiên cứu, làm chủ và đăng ký sở hữu trí tuệ những công nghệ mới, riêng của mình. Là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội Viettel, Tổng Công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (VHT) hoạt động ở 3 lĩnh vực chính: công nghệ quân sự; công nghệ viễn thông; và thiết bị dân dụng. Đây là đơn vị chủ lực của Viettel trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển.
Tính đến thời điểm hiện tại VHT đã đăng ký tổng cộng 276 đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, trong đó năm 2020 hoàn thành nghiên cứu 48 công nghệ lõi ứng dụng vào sản phẩm, đăng ký và được chấp nhận đơn 66 sáng chế. VHT đã được Cơ quan Quản lý sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO) cấp mới 4 bằng sáng chế quốc tế. VHT còn được cấp bằng 19 sáng chế trong nước, 5 giải pháp hữu ích và 7 sở hữu độc quyền kiểu dáng. Cùng với đó, VHT có 25 bài báo được đăng và trình bày tại các tạp chí và hội nghị khoa học uy tín trong nước và quốc tế.
Theo Phó Tổng Giám đốc VHT Nguyễn Cương Hoàng, việc bảo hộ các tài sản trí tuệ bằng việc đăng ký các sáng chế cấp quốc gia, quốc tế là cơ sở quan trọng để VHT làm chủ sở hữu công nghệ lõi, sẵn sàng hội nhập thế giới, có đầy đủ năng lực cạnh tranh với các tập đoàn quốc tế, khẳng định vị trí dẫn đầu của Viettel trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển các sản phẩm “Make in Vietnam”.

4 bằng sáng chế của VHT được bảo hộ độc quyền tại Mỹ:

1. “Phương thức phân chia dữ liệu ngẫu nhiên trong các hệ thống phân tán đa vi xử lý” - Trung tâm Nghiên cứu OCS.

2. “Phương pháp phát hiện mục tiêu mặt nước trong môi trường nhiễu, ứng dụng trong đài radar cảnh giới bờ” - Trung tâm Radar.

3. “Sáng chế về cơ cấu trợ lực cho robot song song bằng hệ lò xo với trợ lực hằng số” - Trung tâm Mô hình mô phỏng.

4. “Phương pháp hiệu chỉnh và điều khiển công suất tuyến thu thích ứng theo môi trường truyền dẫn trong hệ thống trạm thu phát gốc vô tuyến” – Trung tâm Nghiên cứu thiết bị vô tuyến băng rộng.

Ông Nguyễn Cương Hoàng cho biết, để đạt được những thành công trong giai đoạn vừa qua, VHT luôn theo sát quan điểm trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển trong chữ “VTOPIC”.
Cụ thể: V - Virtual, dùng các công cụ mô phỏng để hỗ trợ cho quá trình nghiên cứu; T - Technology, VHT xác định đi theo lĩnh vực nghiên cứu phát triển từ công nghệ cốt lõi, công nghệ mới nhất (latest technology); O - Open, VHT xác định tinh thần cởi mở trong nội bộ và bên ngoài, sẵn sàng hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ trên cơ sở mình làm chủ; P - People, VHT nắm giữ những kỹ sư tài năng, trong đội ngũ có hơn 30% là tiến sĩ, thạc sĩ từ nước ngoài về, có những chuyên gia quốc tế hàng đầu từ Mỹ, Singapore, Đài Loan…; C - Challenge, việc đặt mục tiêu cao, thách thức là tôn chỉ để phát triển; I - Infrastructure, VHT có hệ thống lab hiện đại nhất ở Việt Nam và có thể nói không thua kém bất kỳ quốc gia nào ở Đông Nam Á.
Viettel khẳng định trình độ nghiên cứu, phát triển công nghệ cao ảnh 1 Nhóm nghiên cứu Sáng chế trạm thu phát gốc vô tuyến của Trung tâm Vô tuyến băng rộng thuộc VHT 
Trả lời câu hỏi vì sao VHT có thể đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu, phát triển công nghệ cao, nhất là việc đăng ký thành công 4 bằng sáng chế độc quyền ở Mỹ, ông Nguyễn Cương Hoàng cho biết, vấn đề quan trọng nhất là năng lực và công nghệ của mình đến đâu; nội lực là điều quyết định.
Tất cả những kết quả đã có là quá trình tích lũy 10 năm của VHT. Hiện giờ VHT đã có những sản phẩm đạt đẳng cấp thế giới ở trong nhiều lĩnh vực như quân sự, máy thông tin, thiết bị radar,.. hoàn toàn có thể cạnh tranh với các tập đoàn hàng đầu thế giới. “Mình đã cạnh tranh được về mặt công nghệ thì chắc chắn trong đấy có rất nhiều công nghệ lõi, các thuật toán mà mình hoàn toàn có thể mang ra đăng ký sở hữu trí tuệ được. Mình nhắm đến các thị trường nào, sẽ bắt đầu đăng ký bảo hộ ở thị trường đấy. Cột mốc đầu tiên cần chinh phục là Mỹ, nếu đã được ở Mỹ rồi thì ở các thị trường khác sẽ đơn giản hơn nhiều vì ở Mỹ là thị trường khó nhất”, ông Nguyễn Cương Hoàng cho biết.
Viettel khẳng định trình độ nghiên cứu, phát triển công nghệ cao ảnh 2 Hệ thống cabin mô phỏng lái xe VOTO do VHT nghiên cứu phát triển
Trên thế giới hiện nay, Mỹ được coi là một trong những nước có nhiều sáng chế nhất. Các bằng độc quyền sáng chế được cấp bởi USPTO sẽ phải qua rất nhiều quy trình kiểm duyệt, đánh giá ngặt nghèo nhất thế giới. Vì vậy, để được cơ quan này cấp phép bằng sáng chế là quá trình vô cùng khó khăn.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm thẩm định, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cho biết: Trong 5 năm gần đây, số lượng đơn đăng ký bằng sáng chế của Viettel tăng trưởng liên tục. Việc Viettel có 4 bằng sáng chế được Mỹ cấp bằng sáng chế có ý nghĩa rất lớn trong việc khẳng định năng lực công nghệ và định hướng phát triển mở rộng thị trường của doanh nghiệp Việt.
Ông Nguyễn Vũ Hà, Tổng giám đốc VHT khẳng định: “Bằng sáng chế do Mỹ bảo hộ là sự ghi nhận những phát minh, nghiên cứu khoa học, qua đó, khẳng định con người Việt Nam có thể sánh vai với các tập đoàn công nghệ lớn như Huawei, LG, Nokia… Quyền sở hữu trí tuệ đang khẳng định vai trò không thể thiếu trong quá trình hình thành một nền kinh tế toàn diện và phát triển bền vững. Chứng chỉ về quyền sở hữu trí tuệ là vật chứng bảo đảm cho thành công của mỗi doanh nghiệp tiến vào đấu trường thế giới”.
Viettel khẳng định trình độ nghiên cứu, phát triển công nghệ cao ảnh 3 Hình ảnh thực địa sáng chế “Phương pháp phát hiện mục tiêu mặt nước trong môi trường nhiễu, ứng dụng trong đài radar cảnh giới bờ” của Trung tâm Radar thuộc VHT

3 định hướng nghiên cứu sản phẩm công nghệ cao của VHT:

Thứ nhất là các sản phẩm quốc phòng công nghệ cao.

Thứ hai là các sản phẩm phục vụ mạng lưới viễn thông (ví dụ các thiết bị thu phát và mạng lõi của thiết bị 4G, hiện tại chúng tôi đang làm thiết bị 5G).

Thứ ba là sản phẩm thiết bị  phục vụ dân sinh trong lộ trình chuyển đổi số của tập đoàn Viettel như là các thiết bị về chip cho (5G, IoT, Camera AI), các thiết bị dân sự về an ninh, an toàn, y tế và giáo dục.

VHT đang liên tục tìm tòi các công nghệ cả dân sự và quân sự và sẽ tiếp tục cho ra thêm các dòng sản phẩm công nghệ mới.

Tin cùng chuyên mục