Vĩnh biệt giọng ca vàng thanh nhạc

Sau cơn trọng bệnh, ngày 28-6, NSND Quý Dương - giọng ca hàng đầu của dòng nhạc thính phòng Việt Nam đã ra đi ở tuổi 75. Những người yêu nhạc Việt đau buồn giã biệt NSND Quý Dương, một giọng ca quyến rũ, một phong cách hào hoa.
Vĩnh biệt giọng ca vàng thanh nhạc

Sau cơn trọng bệnh, ngày 28-6, NSND Quý Dương - giọng ca hàng đầu của dòng nhạc thính phòng Việt Nam đã ra đi ở tuổi 75. Những người yêu nhạc Việt đau buồn giã biệt NSND Quý Dương, một giọng ca quyến rũ, một phong cách hào hoa.

Trong giới âm nhạc, ai cũng khâm phục ông, vì ngoài giọng hát opera đẹp vào hàng hiếm thấy thì dù phải chống chọi với bệnh thận suốt 20 năm nay, chưa một ngày nào NSND Quý Dương bộc lộ sự buồn bã hay chán nản. Nhìn ông ngồi bên cây đàn piano, nghe âm vang tròn đầy trong giọng hát sang trọng của ông, không ai có thể hình dung được rằng, vừa mới đây ông còn phải nằm lọc máu ở bệnh viện vì căn bệnh nan y.

Nghệ sĩ nhân dân Quý Dương.

Nghệ sĩ nhân dân Quý Dương.

Đến với ông, người học không chỉ được tiếp cận với kỹ thuật thanh nhạc, được hiểu biết và trân trọng những giá trị âm nhạc đích thực mà còn được cảm nhận từ ông một niềm đam mê sự nghiệp, một tình yêu cuộc sống, nghị lực phi thường. Các chương trình biểu diễn của đồng nghiệp, học trò, ông vẫn tới trong bộ vest trang nhã, mái đầu chải gọn ghẽ, vẫn chăm chú ngồi thưởng thức và thăng hoa với những bản tình ca đã gắn bó cùng ông trong suốt cuộc đời.

Nhiều năm trước khi mất, ông không còn biểu diễn trên sân khấu được nữa, nhưng hễ cứ đỡ mệt là ông lại hát. Hát cho chính mình nghe và hát để vơi bớt những cơn đau. Có lẽ chính phong cách tài tử của người nghệ sĩ ấy như một liều thuốc giảm đau, giúp ông quên đi những vất vả đều đặn của hàng tuần 3 lần đi lọc máu, quên những cơn choáng váng mỗi khi rời bệnh viện.

Nghệ sĩ Quý Dương bắt đầu hát từ khi mới 17 tuổi trong ban nhạc Tuổi xanh, khi ấy cũng là lúc Hà Nội còn chìm trong lửa đạn của cuộc kháng chiến chống Pháp. Tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam năm 1959, ông bắt đầu đem giọng hát trầm ấm, sang trọng của mình đến với nghệ thuật opera.

Lứa nghệ sĩ của ông với những tên tuổi như NSND Trần Hiếu, Trần Chất, NSƯT Ngọc Dậu... là những người đặt nền móng cho dòng nghệ thuật thính phòng còn non trẻ của Việt Nam để Nhà hát Lớn Hà Nội có những đêm opera lộng lẫy ngay trong thời thắt lưng buộc bụng đánh Mỹ.

Trong ký ức, người Hà Nội vẫn không thể quên những vở opera vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước như “Épghênhi Ônhêghin” của nhạc sĩ vĩ đại người Nga Traicôpxki (dựa theo tác phẩm thơ của Puskin) do các đạo diễn Liên Xô (cũ) dàn dựng hay “Núi rừng hãy lên tiếng” của Triều Tiên do chính các chuyên gia Triều Tiên đạo diễn. Tiếp đó là nhiều vở nước ngoài khác như “Madam Butterfly”, “Ruồi Trâu”, “La vie Parisiene”…

Năm 1979 - 1983, ông được cử đi học thanh nhạc ở Bulgaria, được trang bị phương pháp Bel Canto – phương pháp thanh nhạc cổ điển của thế giới. Quý Dương đã tìm được cách kết hợp phương pháp này với cách xử lý của nghệ thuật hát dân gian Việt Nam, đem lại một phong cách thể hiện vừa bác học, vừa gần gũi với công chúng trong nước.

Không chỉ là giọng ca quen thuộc trên đài phát thanh lúc bấy giờ với hàng ngàn bài hát đã được ông thể hiện, trong những năm đánh Mỹ ác liệt nhất, NSND Quý Dương đi dọc đất nước, men theo dãy Trường Sơn để hát tình ca.

Những ca khúc nổi tiếng như “Tình ca”, “Đàn chim Việt”, “Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng”, “Cùng anh tiến quân trên đường dài”... đã theo tiếng hát của ông đến tận các chiến sĩ, anh lính lái xe hay chị dân công hỏa tuyến. Ông từng nói: “Tôi lấy ý chí kiên cường của những con người gan dạ ấy để sống đến ngày hôm nay”, nhưng căn bệnh nghiệt ngã cuối cùng vẫn không cho ông tiếp tục cuộc chiến đấu.

Vĩnh biệt NSND Quý Dương, một nghệ sĩ lớn, một phong cách hào hoa của dòng nhạc thính phòng Việt Nam. Ông đã ra đi nhưng người nghe nhạc Việt Nam sẽ mãi không quên về một giọng ca sang trọng và trái tim nhiệt thành. 

MAI AN

Tin cùng chuyên mục