Vào năm 1986, khi ông Mười Thơ (Nguyễn Thành Thơ) đang giữ nhiệm vụ Phó ban thường trực Ban trù bị Đại hội Hội Liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam, một hôm, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đề nghị đồng chí Mười Thơ báo cáo tình hình nông dân cả nước nói chung, trong đó có nông dân ĐBSCL.
Sau khi nghe đồng chí Mười Thơ trình bày, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói: “Anh thương dân, thương nước thì phải đi cởi trói nông dân!”. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nêu ra bốn vấn đề đang đặt ra cần được giải đáp, tháo gỡ trong tình hình nông dân - nông nghiệp và nông thôn lúc bấy giờ. Trong đó, mô hình tập đoàn sản xuất và hợp tác xã nông nghiệp (TĐSX - HTXNN) cùng ruộng đất của nông dân đưa vào trong các tổ chức kinh tế hợp tác này đang gây nhiều bức xúc trong xã hội ở nông thôn, đặc biệt là nông thôn vùng ĐBSCL.
Ông Mười Thơ kể lại các sự kiện về công tác binh vận lúc ông làm Trưởng ban binh vận Trung ương Cục miền Nam (năm 1969).
Trở về miền Nam, ông Mười Thơ đi ngay xuống tỉnh Vĩnh Long gặp Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đang có mặt ở đấy. Cuộc trao đổi giữa hai người còn có ông Sáu Ức, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long chứng kiến.
Được đồng chí Võ Văn Kiệt ủng hộ quan điểm “Cởi trói nông dân”, ông Mười Thơ lần lượt đến các tỉnh ĐBSCL, ở đâu ông cũng nhận được tiếng nói đồng tình, tán thành việc “Cởi trói nông dân” để phát triển sản xuất. Đặc biệt, tỉnh An Giang phát biểu hăng nhất. An Giang hứa chủ động trả lại đất cho nông dân khi vô TĐSX - HTXNN.
Tại một hội nghị Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng, ông Mười Thơ tham gia chủ trì bàn thảo nhiều vấn đề bức thiết về nông nghiệp - nông dân - nông thôn mà Hội Nông dân quan tâm. Ngoài thảo luận ở hội trường, còn chia tổ thảo luận. Vấn đề nông dân xin lấy lại đất để ra khỏi TĐSX - HTXNN được các đại biểu khu vực Nam bộ thảo luận sôi nổi nhất.
Ông Mười Thơ nhớ lại: “Khi đưa vấn đề này ra hội trường biểu quyết, toàn thể Ban Chấp hành tán thành nông dân muốn lấy lại đất khi vô TĐSX - HTXNN trước đây để chủ động sản xuất, cần phải chấp thuận ủng hộ nông dân”.
Một lần, hàng trăm nông dân tỉnh Vĩnh Long kéo lên TPHCM đến các cơ quan chức năng của Trung ương đóng tại TP và các cơ quan truyền thông đại chúng gửi đơn kiến nghị xin lại đất đưa vô TĐSX - HTXNN trước đây, đồng thời tố cáo một bộ phận Ban quản lý TĐSX lạm dụng công quỹ tập thể, tham nhũng đất đai. Tình hình lúc bấy giờ khá căng thẳng. Tỉnh ủy Vĩnh Long đưa xe lên động viên đón bà con trở về địa phương cùng giải quyết nhưng họ yêu cầu chính quyền trả lời cụ thể thì mới về. Trước tình hình ấy, ông Mười Thơ ra tận địa điểm bà con đang chờ đợi, trình bày, giải thích cặn kẽ nội dung để nông dân hiểu chủ trương của nhà nước đối với vấn đề ruộng đất. Nghe xong, hàng trăm nông dân tỉnh này vui vẻ lên xe của tỉnh đưa về địa phương, giải quyết ổn thỏa.
Có lần ông Mười Thơ tâm sự: “Theo tôi hiểu, chuyện vô - ra TĐSX - HTXNN là tự giác, tự nguyện của nông dân, không được mệnh lệnh cưỡng bức làm khó dễ nông dân lúc vô cũng như khi họ muốn ra”. Quanh câu chuyện ông Mười Thơ đi “Cởi trói nông dân” không ít người băn khoăn hỏi và được ông trả lời: “Cởi trói để nông dân làm chủ miếng đất của mình, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế đất nước, tạo động lực để nông dân sản xuất hàng hóa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tham gia xuất khẩu. Nếu nông dân không được làm chủ ruộng đất cộng với chủ trương đổi mới, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước thì làm sao thời gian vừa qua có năm nước ta xuất khẩu tới 7 triệu tấn lương thực và hàng tỷ USD hàng thủy sản, trong đó chủ lực là nông dân ĐBSCL sản xuất ra”.
Nói về bản lĩnh và cái tâm vì nông dân của ông Mười Thơ, ông Trịnh Văn Lâu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long (cũ) từng phát biểu: “Nhiều người muốn làm như Mười Thơ nhưng không ai làm được. Mười Thơ lại làm được”.
KHUYNH DIỆP
(Nguyên Thư ký riêng đồng chí Nguyễn Thành Thơ)