Vĩnh biệt tay máy của Trường Sơn huyền thoại

Vĩnh biệt tay máy của Trường Sơn huyền thoại

Tôi biết ông khi còn làm báo tỉnh lẻ. Khi ấy Phó Tổng biên tập Báo Đồng Khởi Bến Tre vời ông cùng nghệ sĩ Trần Tuấn (TTXVN) về xứ dừa để sáng tác ảnh báo xuân. Mái đầu ông lúc đó tuy bạc trắng nhưng cung cách đi đứng cùng phong thái đĩnh đạc của một người từng làm báo trong chiến trường khiến cho lớp trẻ chúng tôi xem ông như một thần tượng. Bởi thế khi nghe sếp phân công “đưa chú Minh Trường đi tác nghiệp”, tôi cùng phóng viên Thành Mãi hăm hở lên đường.

Chỉ với chiếc máy Canon chụp phim cũ kỹ nhưng đến đâu, nhà báo Minh Trường cũng yêu cầu dừng lại để tác nghiệp. Dưới góc nhìn của ông, một tàu lá dừa cong cong, nghiêng nghiêng cũng trở thành tiền cảnh cho một bức ảnh, một rặng dừa xa xa trở thành hậu cảnh để ông bấm máy. Vừa chụp hình, ông vừa hướng dẫn cho chúng tôi cách thức chọn góc bấm, cách lên phim sao cho đỡ hao phim và chọn góc độ lấy sáng.

Lúc ấy, Thành Mãi dù được đào tạo từ Phân viện Báo chí tuyên truyền (Hà Nội) nhưng vẫn hý hoáy ghi chép. Về sau này biết Thành Mãi đã trở thành phóng viên ảnh chính của báo Đồng Khởi tôi vừa thầm mừng cho bạn, vừa thầm cảm ơn nhà báo Minh Trường đã giúp chúng tôi có được những kiến thức chỉ có trong thực tế.

Tác nghiệp với ông (hay đúng hơn là đi theo học hỏi) chừng 3 năm liên tục, tay nghề tôi cứng hẳn ra. Mà cũng rất lạ là xuyên suốt 3 năm ấy, năm nào ông cũng dành trọn 1 tháng để về Bến Tre chụp ảnh cho báo Xuân Đồng Khởi với mức nhuận ảnh thấp tè. Tuy lúc ấy đã trên dưới 70 nhưng ông không ngại trèo lên thân cây, hay bò sát mặt đường đất bùn nhem nhuốc chỉ để bấm được những bức ảnh như ý. Trên đường tác nghiệp, ông toàn ăn cơm bụi, nhậu rượu đế và nói chuyện hài hước.

Dần dà khi đã thân tình, hai chú cháu bắt đầu có những dự định xa hơn. Còn nhớ vào năm 2006, tôi lại có dịp cùng ông đi dọc đường Trường Sơn. Số là vào năm 2005, tôi đã di chuyển trên tuyến đường này bằng xe máy một lần trong mùa mưa bão, suốt từ Chơn Thành đến Cam Lộ. Thế nên khi có ý định trở lại con đường kỷ niệm, ông kêu tôi… chở. Hai chú cháu lên đường chỉ với một xe Dream, ít tiền và mấy bộ áo ấm.

Tác phẩm Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước của nghệ sĩ Lê Minh Trường.

Tác phẩm Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước của nghệ sĩ Lê Minh Trường.

Đi với ông đến đâu chúng tôi cũng được chính quyền và nhân dân các dân tộc sống dọc Trường Sơn niềm nở đón tiếp bởi cái tên Lê Minh Trường và bức ảnh “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã trở thành một biểu tượng. Hạnh phúc nhất là những đêm nằm trong lán giữa rừng sương giá, cùng đốt lửa với cánh TNXP làm đường, vừa uống rượu vừa hát. Cánh lính trẻ biên phòng cùng các công nhân thi công, duy tu đường Trường Sơn rất mến mộ Lê Minh Trường và thích nghe ông kể chuyện chụp ảnh trên Trường Sơn.

Rồi khi chuyển về công tác ở Báo SGGP, tôi lại được phân công viết về ông nhân kỷ niệm 50 năm hình thành đường Trường Sơn. Tôi tìm gặp ông trong con hẻm nhỏ ở quận 1, uống trà một ngày để nghe ông kể về hồi ức đã làm nên lịch sử: đó là khi ông bấm máy bức ảnh “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Cũng chính từ bức ảnh ấy mà triệu triệu trái tim thanh niên miền Bắc có thêm niềm tin, ý chí, nghị lực, hăng hái lên đường vào Nam chiến đấu giải phóng đất nước. Ông kể: “Năm 1966, đang công tác ở TTXVN, tôi ngược đường số 7 lên đồn biên phòng Cha Lo nằm dưới chân đèo Mụ Giạ (Quảng Bình). Tình cờ đồng chí đồn trưởng biên phòng cho biết trong vài ngày nữa sẽ có bộ đội hành quân vào Nam và đi ngang. Thế là tôi bám theo biên phòng để dò đường. Khi trèo qua một ngọn đồi cao, tôi thấy một con đường mới mở len giữa hai vách núi hiểm trở dựng đứng. Ý tưởng cho bức ảnh vụt sáng lên: Một đoàn quân đang leo dốc. Sáng hôm sau khi trời còn mù sương, tôi leo mất 2 giờ để leo lên đến con đường mòn độc đạo ấy rồi ngồi canh đến… 11 giờ trưa. Đang nản chí thì chiến sĩ biên phòng đi cùng reo: “Kìa, bộ đội đến rồi”. Tôi phóng tầm mắt bao quát cảnh núi rừng hùng vĩ, nắng chiếu rực rỡ vào đoàn quân leo dốc. Nắng xuyên qua những đám mây nên từng tia nắng đậm, nhạt tạo thành vệt chiếu xiên xuống trông như tấm màn vàng ruộm mật ong trên cái nền màu sẫm của vách núi. Tôi bấm 4 kiểu liên tục bằng cuộn phim mà cơ quan đã loại bỏ. Mãi đến năm 1969, tức là 3 năm sau, tôi mới trình làng bức ảnh. Đồng chí Tố Hữu gật gù xem rồi khe khẽ ngâm lại câu thơ của ông: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Nhân đó tôi xin phép đồng chí Tố Hữu lấy câu thơ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đặt tên cho bức ảnh của mình!”.

Vĩnh biệt ông nhưng các tác phẩm bất hủ về Trường Sơn mà ông sáng tác, vĩnh viễn nằm trong tâm hồn của những người yêu mến và một thời gắn bó với Trường Sơn bi hùng! 

MINH ANH

Tin cùng chuyên mục