Vinh danh trên bảng vàng khoa học

Trong năm 2022, nhiều nhà giáo Việt Nam được vinh danh ở các giải thưởng quốc tế cũng như giải thưởng khoa học uy tín nhất của quốc gia. Đó là những phần thưởng xứng đáng ghi nhận nỗ lực bền bỉ, miệt mài cho các nghiên cứu ứng dụng thực tế, phục vụ cộng đồng của những người thầy - nhà khoa học. 

Tạo đột phá trong điều trị ung thư  

Công trình “Thiết kế và chế tạo vật liệu nano xốp mới ứng dụng trong điều trị ung thư, chuyển hóa năng lượng và xử lý môi trường” của PGS-TS Đoàn Lê Hoàng Tân (SN 1988), Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu cấu trúc nano và phân tử - INOMAR (Đại học Quốc gia TPHCM) cùng các cộng sự đã vinh dự đoạt giải 3 Giải thưởng sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2022. 

Vinh danh trên bảng vàng khoa học ảnh 1
Theo PGS-TS Đoàn Lê Hoàng Tân, hướng đi của nhóm là tập trung nghiên cứu chế tạo hạt nano xốp mới phân hủy sinh học, làm vật mang và dẫn truyền chất kháng ung thư đến khối u một cách chính xác, có kiểm soát, hạn chế hoàn toàn tác dụng phụ và tăng hiệu quả dược chất. Ngoài ra, công trình cũng hướng tới nghiên cứu chuyển hóa năng lượng xanh cho các quy trình sản xuất hóa chất, đo đạc và xử lý môi trường, không khí… 

Sau gần 10 năm nghiên cứu lĩnh vực vật liệu mới, PGS-TS Đoàn Lê Hoàng Tân đã có hơn 40 bài báo và công trình nghiên cứu khoa học. 

Vật liệu tiên tiến từ phế phẩm nông nghiệp

Với công trình “Chế tạo vật liệu tiên tiến Aerogel từ chất thải nông nghiệp để xử lý nước”, PGS-TS Lê Thị Kim Phụng (SN 1975), Giám đốc Trung tâm Công nghệ lọc hóa dầu, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) cùng các cộng sự đã nhận giải thưởng Sáng tạo châu Á của Quỹ Toàn cầu Hitachi năm 2022 với hạng mục “Sáng tạo xuất sắc nhất”, trị giá 3 triệu yen Nhật (khoảng 540 triệu đồng).

Vinh danh trên bảng vàng khoa học ảnh 2
Aerogel được biết đến là một loại vật liệu nhẹ nhất thế giới, có tính năng cao và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Hiện công trình đã được phát triển trên quy mô phòng thí nghiệm và quy mô pilot, đã đăng ký sáng chế. Với giải thưởng này, dự án sẽ phát triển ứng dụng trên nước thải công nghiệp…

Trong năm 2019, Tạp chí Forbes Việt Nam công bố danh sách 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam trong đó có PGS-TS Lê Thị Kim Phụng góp mặt ở lĩnh vực khoa học giáo dục. Trước đó, PGS Kim Phụng nằm trong Tốp 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á do Tạp chí Asian Scientist bình chọn (năm 2017); nhận giải thưởng Khoa học ASEAN - Hoa Kỳ dành cho phụ nữ (năm 2016). 

Hướng đi mới từ công nghệ nano

Với những thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học về lĩnh vực Công nghệ vật liệu mới, TS Trần Thị Như Hoa (SN 1989) là nữ tiến sĩ trẻ nhất trong tốp 10 chân dung nổi bật giành giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2022.

Vinh danh trên bảng vàng khoa học ảnh 3
Sau khi tốt nghiệp, năm 2015, tân cử nhân Trần Thị Như Hoa nhận học bổng nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc và nhận bằng tiến sĩ sau 3 năm. Về Việt Nam, cô tiếp tục tập trung nghiên cứu chính về vật liệu quang học, cảm biến và ứng dụng (O&S). Mục tiêu của O&S là mô phỏng kết hợp nghiên cứu thực nghiệm để đề xuất các quy trình cho công nghệ sản xuất cảm biến dựa trên tính chất plasmonic của vật liệu. Hiện TS Như Hoa cùng nhóm nghiên cứu đã phát triển thành công các cảm biến quang học có độ nhạy cao, độ tái lập tốt, tính đặc hiệu, thời gian phản hồi nhanh để mở ra một hướng mới với các nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano trong lĩnh vực y - sinh.

Truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học trong sinh viên


TS Lương Văn Thiện (SN 1992), Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Phenikaa là tiến sĩ trẻ nhất được nhận giải thưởng Quả cầu vàng năm 2022 ở lĩnh vực Công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa. TS Lương Văn Thiện là tác giả chính của công trình khoa học áp dụng thành công mạng nơron học sâu trong miền tín hiệu thời gian của hệ thống thông tin quang, dựa trên kỹ thuật phân chia theo tần số sóng mạng trực giao, giúp tăng gấp đôi tốc độ truyền dữ liệu đồng thời giảm đáng kể tỷ lệ lỗi bit và tỷ số công suất trung bình, chỉ số này cao sẽ làm biến dạng tín hiệu.

TS Lương Văn Thiện không chỉ say mê nghiên cứu khoa học mà còn là người truyền cảm ứng cho nhiều sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm nhất. Anh cho biết, số đông thường nghĩ sinh viên năm nhất thiếu nền tảng kiến thức, chưa thể nghiên cứu sâu được. Ở AIoT Lab, TS Lương Văn Thiện (trưởng nhóm) đã chứng minh điều ngược lại. Ngay sau khi từ Anh trở về nước, anh đã nhận rất nhiều sinh viên năm nhất. Sau hơn một năm, các sinh viên này đã trở thành những nhà nghiên cứu trẻ có năng lực, tự tin thực hiện các nghiên cứu về công nghệ trí tuệ nhân tạo, thậm chí có bài báo được chấp nhận ở hội nghị khoa học quốc tế uy tín.

Tin cùng chuyên mục