Virus cúm A/H5N1 biến đổi kháng nguyên, chủng độc lực vẫn rất cao khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, mặc dù số người mắc và tử vong do cúm A/H5N1 tiếp tục được ghi nhận thì tình trạng coi thường, chủ quan với những diễn biến của dịch cúm A/H5N1 và cúm gia cầm vẫn diễn ra ở nhiều nơi.
3 tháng bằng cả năm
Thông báo mới nhất của Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế), từ đầu năm 2010 tới nay cả nước đã ghi nhận 5 người mắc cúm A/H5N1, trong đó có 2 ca tử vong là một trường hợp bệnh nhân nữ 38 tuổi ở Tiền Giang và một bệnh nhi 3 tuổi ở Bình Hòa, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Trước tình trạng này, PGS, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường, lo ngại cho biết trong khi đại dịch cúm A/H1N1 vẫn chưa được khống chế thì với việc liên tiếp xuất hiện bệnh nhân mắc và tử vong do cúm A/H5N1 cho thấy tình hình dịch cúm trên người đang có những diễn biến rất phức tạp và nguy hiểm. Đặc biệt với dịch cúm A/H5N1, số người mắc trong 3 tháng đầu năm nay đã bằng cả năm 2009 (5 mắc và tử vong), dù số ca tử vong hiện mới là 2 ca nhưng cũng không thể xem thường tình hình dịch.
Đáng lo ngại hơn, trong số các trường hợp mắc cúm A/H5N1 từ đầu năm tới nay, hiện có một trường hợp đang phải nằm điều trị trong tình trạng “thập tử nhất sinh” tại Bệnh viện Các bệnh nhiệt đới trung ương. Bệnh nhân là chị N.T.T.T, 25 tuổi, ở xã Phù Ninh, Sóc Sơn, Hà Nội bị mắc cúm A/H5N1, đang trong tình trạng suy hô hấp nặng phải thở máy.
Hơn nữa, qua điều tra dịch, bệnh nhân này mắc cúm A/H5N1 trong trường hợp không trực tiếp tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh, cũng không trực tiếp làm thịt hay ăn thịt gia cầm ốm chết.
Trước sự khác biệt này, một số chuyên gia dịch tễ cho biết, hầu hết người mắc và tử vong do cúm A/H5N1 đều có nguyên nhân từ việc tiếp xúc gia cầm ốm, chết, nhưng với trường hợp của bệnh nhân ở Hà Nội này, có thể virus cúm gia cầm H5N1 phát tán trong môi trường dẫn đến việc lây nhiễm dịch bệnh.
Cảnh báo nguy hiểm hơn
Không chỉ có vậy, theo những nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học cũng cho thấy, virus cúm A/H5N1 đang có sự biến đổi nguy hiểm hơn. TS Lê Quỳnh Mai, Trưởng khoa virus, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, qua phân lập hơn 300 virus cúm A/H5N1 trên gia cầm và người bệnh tại Việt Nam, đã phát hiện có ít nhất 7 nhóm kháng nguyên trên virus cúm kể từ khi loại virus này có mặt tại nước ta.
Đặc biệt, đã ghi nhận được sự đồng tiến hóa của các phân đoạn gene giữa các bộ gene khác nhau của virus cúm, đồng thời cũng phát hiện có sự trao đổi và tích hợp giữa các virus cúm A/H5N1 lưu hành tại nước ta. Hơn nữa, các phân tích về phân tử di truyền virus cúm A/H5N1 cũng cho thấy sự tiến hóa nhanh của virus này và đều thuộc chủng độc lực cao, có những sự thay đổi của kháng nguyên làm giảm độ nhạy của thuốc điều trị cúm.
Đây là vấn đề rất nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng. Vì theo dự đoán của các nhà chuyên môn, không sớm thì muộn sẽ có một loại virus mới có thể xuất hiện từ sự tái tổ hợp của các chủng virus cúm cũ và gây nên một đại dịch với mức độ khó lường.
Trong khi đó, PGS, TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cũng khẳng định biến đổi kháng nguyên và di truyền là đặc tính cơ bản của các chủng virus cúm. Đối với virus cúm A/H5N1 ở người tại Việt Nam, đã có sự thay thế virus cúm A/H5N1 phân nhóm 1 vào giai đoạn trước năm 2007 bằng phân nhóm 2.3.4 từ năm 2007 đến nay.
Cũng may là việc biến đổi kháng nguyên của virus cúm A/H5N1 ở Việt Nam hiện vẫn là những biến đổi nhỏ, chưa có khả năng lây truyền từ người sang người, nhưng độc lực của virus vẫn rất cao.
Về phía cơ quan quản lý, Cục trưởng Nguyễn Huy Nga cho rằng, với việc cùng lúc tồn tại đại dịch cúm A/H1N1 ở người, cúm A/H5N1 trên người và gia cầm, cộng với ý thức chủ quan và coi thường dịch bệnh ở nhiều người, thì nguy cơ các chủng virus cúm này biến thể, tái tổ hợp với nhau để tạo ra một virus cúm mới có độc lực cao hơn, khả năng lây lan và tử vong lớn hơn là vấn đề không thể coi thường.
Do đó, để ngăn chặn nguy cơ dịch cúm “chết người” lan rộng, theo ông Nga, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát các chùm ca bệnh tại cộng đồng, nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ cúm A/H5N1 và H1N1, thực hiện cách ly và điều trị kịp thời, hạn chế lây lan. Tiếp tục các nghiên cứu dịch tễ đối với virus cúm A/H5N1 và A/H1N1, nhằm cảnh báo, ngăn ngừa nguy cơ kết hợp giữa 2 loại virus này.
Đối với người dân, cần thông báo ngay với chính quyền địa phương nếu phát hiện gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý môi trường kịp thời. Đồng thời, người dân khi tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh, gia cầm ốm, chết phải trang bị bảo hộ lao động đầy đủ, rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn sau khi tiếp xúc với gia cầm.
Đặc biệt khi có các biểu hiện sốt, ho, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, nhất là những người có sức đề kháng kém như người già, trẻ nhỏ và những người bị suy giảm sức đề kháng như phụ nữ mang thai, mới sinh nở hoặc người có bệnh mãn tính.
QUỐC LẬP
Hơn 11.000 bộ dụng cụ chống dịch cúm Ngày 22-3, Chính phủ Hoa Kỳ đã cung cấp cho Việt Nam hơn 11.000 bộ dụng cụ bảo hộ cá nhân và dụng cụ phòng thí nghiệm nhằm giúp các cán bộ y tế ứng phó nhanh chóng với các đợt bùng phát cúm gia cầm hoặc cúm H1N1 có thể xảy ra. B.HẰNG |