Xinh đẹp, chăm chỉ lại ngoan hiền nhất xóm, thậm chí là nhất làng, trong số những cô gái mới lớn cùng trang lứa, chính vì thế mà Thu Thủy, con ông Toàn và bà Hằng, ở xóm Đông, làng Thào, luôn lọt vào “tầm ngắm” của đám trai làng đến tuổi cập kê. Chẳng vậy mà lúc chưa đủ 16 tuổi Thủy đã được bao gia đình của các chàng trai mang trầu cau đến dạm hỏi. Có những gia đình khá giả về kinh tế, lại gia giáo nền nếp đến hỏi Thủy cho con trai họ nhưng đều không nhận được sự chấp thuận. Thế nhưng, hầu hết các chàng trai trong làng có ý định lấy Thủy làm vợ vẫn nung nấu một chút hy vọng, đợi khi Thủy lớn thêm chút nữa…
Sự đời không mấy khi như người ta nghĩ, đùng một cái, vừa bước sang tuổi 17, Thủy đã làm đám cưới rình rang với một người đàn ông Đài Loan hơn gấp 3 lần tuổi của cô, thậm chí hơn ông Toàn những 6 tuổi. Thì ra, bấy lâu nay bà Hằng, ông Toàn đã bàn bạc với Thủy và giữ kín chuyện sẽ gả Thủy cho một người nước ngoài qua sự mai mối của người chị họ xa ở xã bên cũng lấy chồng Đài Loan từ nhiều năm trước. Thủy chấp nhận lấy chồng ngoại quốc vì cô nghe người chị họ kia vẫn kể về một cuộc sống vương giả, an nhàn khi chỉ mỗi việc ăn chơi và chăm sóc con cái…
Phần ông Toàn và bà Hằng, mới đầu nghe nói về ông con rể già khụ, nhiều tuổi hơn cả mình đã có chút ngập ngừng. Thế nhưng, khi nghĩ tới viễn cảnh con gái giàu sang sẽ giúp nhiều cho kinh tế gia đình vốn khó khăn, cuối cùng ông bà cũng chấp thuận. Đám cưới được tổ chức ngay sau 1 lần gặp mặt chú rể và họ nhà trai.
Ngày Thủy làm đám cưới, bao trai làng tiếc ngẩn ngơ người con gái quê xinh đẹp, ngoan hiền “bay” theo chồng xa xứ. Người mừng cho Thủy thì ít mà người thầm trách cô, bố mẹ cô tham tiền bạc, trọng sang giàu thì nhiều. Đám cưới của Thủy linh đình nhất huyện, nghe đâu bên nhà trai mang sang gần nửa tỷ đồng để làm cỗ bàn, lo toan chuyện cưới. Đó là còn chưa kể, số nữ trang chú rể sắm cho Thủy lên tới cả trăm triệu đồng.
Từ ngày Thủy lấy chồng Đài Loan, quả thực kinh tế nhà ông Toàn, bà Hằng có khấm khá lên nhiều do vợ chồng con gái viện trợ. Thế nhưng, Thủy sống thế nào và có hạnh phúc hay không thì dân xóm Đông, làng Thào không hề hay biết bởi đã 3 năm rồi cô không một lần về thăm quê. Tất cả thông tin về Thủy đều phụ thuộc người chị họ của Thủy thỉnh thoảng có về nước. Khi bố mẹ Thủy hỏi thăm tin tức con gái thì cô chị họ của Thủy đều bảo: “Em nó ổn lắm! Nó lo chăm sóc con nên chưa có thời gian về thăm ông bà”. Nghe vậy, bố mẹ Thủy cũng tạm yên lòng, nhưng vẫn nghi ngại một điều gì đó uẩn khúc mà ông bà chưa thể tìm ra câu trả lời, đó là Thủy bận bịu không về thăm gia đình đã đành, mọi liên lạc với gia đình sao vẫn bặt tăm…
Bốn năm, tính từ ngày lấy chồng, Thủy bỗng đột ngột trở về nhà một mình, thân hình tiều tụy, chân đi tập tễnh. Nhìn thấy bố mẹ, Thủy khóc nức nở kể về suốt 4 năm bị đày đọa nơi xứ người khi lấy phải một lão già nát rượu, vũ phu. Có những ngày Thủy phải ăn vài ba trận đòn của chồng. Cô không được ra ngoài tự do mà đi đâu cũng bị chồng giám sát chặt chẽ. Thậm chí khi đi đâu, ông ta còn khóa cửa giam cô trong nhà. Vừa sống chui lủi như bị cầm tù, cô vừa phải làm lụng biết bao việc nhà, cơm nước phục vụ gia đình đến 6 người của chồng. Không chỉ Thủy than khóc, mà bố mẹ cô cũng quá ân hận và đau buồn với suy nghĩ vì hám tiền nên sai lầm trao thân gửi phận con như vậy.
Thủy nói trong nước mắt: “Sở dĩ con về được đây là do chồng con say rượu và bị tai nạn mới chết cách đây 1 tháng. Con gái con mới 2 tuổi nhưng con đành tạm để cháu lại bên đó, vì nhà họ khó lắm, con dẫn cháu về là không xong. Chuyện bao giờ trở lại bên đó con chưa tính, con muốn sống quãng thời gian thanh thản sau những ngày bị đày đọa…”.
Chuyện của Thủy là một câu chuyện có thật ở làng tôi và tôi nghĩ, trong xã hội còn không ít các bạn nữ trẻ vì tham phú phụ bần, mơ tới cuộc sống sang giàu với chồng ngoại nơi đất khách để rồi phải vỡ mộng. Hy vọng các bạn nữ trẻ và các bậc phụ huynh cần sáng suốt hơn trong việc kiếm tìm hạnh phúc hôn nhân chứ đừng để sự việc đáng tiếc như câu chuyện của gia đình Thủy…
Long Nguyễn
(Đại học Quốc gia Hà Nội)