Ứng viên Mohamed Morsi của đảng Anh em Hồi giáo đã chiến thắng trong vòng bầu cử Tổng thống Ai Cập và kết quả bầu cử ở Ai Cập tuy đã tạm làm yên lòng giới chức phương Tây nhưng thực tế đất nước này đang bị cuốn vào vòng xoáy tranh giành quyền lực.
Quốc hội Ai Cập bị giải tán chỉ vài ngày trước khi vòng bầu cử Tổng thống đợt 2 được tổ chức, gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dân chúng. Hơn một năm trôi qua, Ai Cập chỉ mới bầu được Tổng thống, trong khi cơ quan lập pháp buộc tạm dừng hoạt động.
Tương lai chính trị của Ai Cập đã trở thành đề tài nóng để tranh luận kể từ khi bùng nổ phong trào “Mùa xuân Ảrập”. Nhưng Ai Cập chỉ là một điển hình trong tình hình hỗn loạn hiện nay ở Bắc Phi và Trung Đông. Tại Libya, nơi quân đội NATO dội bom hàng tháng trời để lật đổ Tổng thống Gaddafi và đưa lực lượng thân phương Tây lên cầm quyền giờ cũng đang rơi vào tình cảnh tranh giành quyền lực.
Các hãng tin nước ngoài đưa tin ngày 1-7 hàng trăm người ở miền Đông tấn công các văn phòng của ủy ban bầu cử quốc gia đòi quyền tự trị lớn hơn cho khu vực này và sự kiện này diễn ra chỉ một tuần trước cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi phe nổi dậy nắm chính quyền.
Nhà báo Fyodor Lukyanov viết bài trên trang web của hãng tin Ria Novosti rằng các nước từng diễn ra cuộc nổi dậy Mùa xuân Ảrập đặt nhiệm vụ chính là tạo ra một chính phủ ổn định và hiệu quả nhưng họ ảo tưởng rằng chỉ cần lật đổ “chế độ độc tài” và hướng đất nước đi theo nền dân chủ kiểu phương Tây để giải quyết tất cả vấn đề.
Theo Fyodor, lý thuyết vốn bị thúc đẩy từ đường lối tân bảo thủ của Mỹ hoàn toàn bị tan vỡ. Hậu quả có thể là cuộc bầu cử sắp tới ở Libya và không ai không dự báo Libya sẽ rơi vào cuộc nội chiến mới để tranh giành quyền lực. Còn đối với Syria, vốn là một quốc gia đa sắc tộc và đa tôn giáo thì đang được phương Tây dàn dựng kịch bản như Libya.
Các cuộc nổi dậy trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi chủ yếu mang tính tự phát, người dân chưa sẵn sàng và chưa chuẩn bị lực lượng cho việc nắm giữ quyền lực và vì vậy đã để phương Tây nhảy vào can thiệp, sắp xếp theo ý đồ của họ. Nếu chỉ vài tháng sau khi lật đổ chính quyền độc tài, người dân đã thất vọng vì không hề thấy sự thay đổi theo ý nguyện của mình, thì giờ đây họ càng vỡ mộng hơn khi chứng kiến cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái trong khi nền kinh tế đất nước càng lún sâu vào khủng hoảng.
Bản thân các nước phương Tây khi can thiệp vào tình hình nội bộ các nước Ai Cập, Tunisia hay Libya… cũng mong muốn lèo lái các nước này theo mô hình chính phủ Hồi giáo thế tục thân phương Tây kiểu Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng họ cũng không ngờ tình hình khu vực lại vượt tầm kiểm soát. Bởi mỗi quốc gia đều có những đặc thù lịch sử, văn hóa, tôn giáo riêng và chỉ có nhân dân đất nước đó mới quyết định được số phận của mình.
Các nhà phân tích chính trị cho rằng nền dân chủ bị áp đặt từ bên ngoài không bao giờ mang lại kết quả. Đó là bài học từ Iraq, Afghanstan và giờ đến lượt Ai Cập, Libya, Tunisia và sắp tới đây là Syria.
Thanh Hằng