Các đối tượng đang bất chấp lệnh cấm, ngang nhiên khai thác cát sạn, đất, sỏi trái phép giữa thanh thiên bạch nhật tại Thừa Thiên - Huế.
Muốn kiện cứ việc lên xã
Khu vực suối Hương Giang thuộc địa bàn 2 xã Thượng Nhật và Hương Giang, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang bị băm nát do nạn khai thác đất và sỏi trái phép. Chúng tôi đi dọc về phía hạ nguồn thì gặp xe múc đang hì hục ngoạm cả đất lẫn sỏi. Cạnh đó, một xe tải sau khi múc đầy “hàng” đang ì ạch rời khỏi hiện trường. Tài xế những xe tải còn lại chờ đến lượt, thấy có người lạ nên điều khiển xe lao vội về phía đường làng, rồi băng vào rừng sâu gần đó. Anh Hải - một người dân địa phương nói, các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép ở con suối này rầm rộ cả ngày lẫn đêm. Điều khó hiểu là các xe tải chất đầy đất đá, không phủ bạt, chạy nghênh ngang trên đường nhưng chẳng thấy cơ quan chức năng nào ngó ngàng tới?
Ngang nhiên múc đất, sỏi trái phép tại suối Hương Giang
Theo chân người dẫn đường, chúng tôi nhận thấy có xe tải dán logo Công ty Xây dựng Thiên Phú (trụ sở đóng ở Nam Đông). Ông Hồ Tất Thiên, Giám đốc Công ty Xây dựng Thiên Phú, nói tỉnh bơ: “Đang thi công san lấp mặt bằng khu tái định cư cho một số hộ dân ở xã Thượng Nhật nên cần cát, sỏi vậy mà”. Ông Thiên thừa nhận việc làm này sai và cho biết không chỉ công ty ông mà tại khu vực suối Hương Giang còn có một số cá nhân khác cũng đang khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng. Trong khi đó, một người dân ở xã Hương Giang cho biết, con suối này trước đây nước rất trong xanh, nhưng gần đây do khai thác trái phép cát, sỏi nhiều quá khiến dòng nước đục ngầu và không lưu thông được. Có lần, tôi đến gần phản ánh thì bị nhiều lái xe hăm dọa: “Muốn kiện cứ lên xã mà kiện”!
Tình trạng khai thác tài nguyên trái phép còn diễn ra rầm rộ trên nhiều dòng sông và khe suối khác tại Thừa Thiên - Huế. Trong đó, có sông Hương từ lâu được chọn làm trục chính trong không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị Huế. Thực tế, hầu hết các di tích liên quan đến kinh thành Huế đều gắn liền với sông Hương và cảnh quan đôi bờ. 17 di tích đã được công nhận đều có quan hệ mật thiết với sông Hương trong tổng thể không gian kiến trúc chung. Thế nhưng dòng sông này, đoạn gần ngã ba Tuần và bến Gia Long, hàng chục đò máy, phương tiện khai thác cát, sỏi vẫn ngang nhiên khai thác cát, sạn trái phép, gây sạt lở đôi bờ, ảnh hưởng dòng chảy sông Hương. Ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, thừa nhận các đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép tập trung tại các vị trí như: Tả Trạch (một nhánh sông Hương) từ kè thôn La Khê Bãi đến bãi bồi Lăng Minh Mạng. Những đối tượng này dùng động cơ Đ15 để hút và khai thác cát, sỏi gần bờ, thời gian cao điểm có 20 - 30 tàu khai thác. Việc khai thác tràn lan này khiến tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra nghiêm trọng, gây bức xúc trong dân. Song các đối tượng rất manh động, sẵn sàng dùng mọi phương tiện để chống trả, rồi bỏ trốn khi đoàn tuần tra của địa phương tiếp cận.
Muôn vàn lý do
Tại hội nghị đánh giá về thực hiện “Quy hoạch khai thác và quản lý sử dụng các bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng và cát sỏi trên địa bàn” do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức, đại diện các địa phương liên quan đã chỉ rõ, sự phối hợp chưa thực sự đồng bộ giữa các địa bàn thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép với công an huyện, thị xã và Cảnh sát Giao thông đường thủy, Thanh tra Sở TN-MT nên kém hiệu quả. Một số ý kiến khác thẳng thắn phản ánh có sự bao che, cả nể trong quá trình xử lý. Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng: “Phải xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trong tháng 6-2016. Những đối tượng vi phạm có hành vi chống đối sẽ phải bị khởi tố, đưa vào danh sách “đen” theo dõi tại các địa phương để răn đe”. Tuy nhiên, theo ông Phan Thế Xê, Trưởng phòng TN-MT huyện Nam Đông, một số khu vực do các xã quản lý nhưng có thể đang cần vật liệu để xây dựng công trình tại địa phương nên đã “bật đèn xanh” cho nạn khai thác tài nguyên trái phép. Việc làm này hoàn toàn vi phạm pháp luật.
Cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu đồng tình, cần nhân rộng mô hình quản lý, khai thác cát, sỏi lòng sông theo cộng đồng như tại Ban Quản lý khai thác cát, sỏi cộng đồng phường Hương Vân. Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sau nhiều lần họp bàn đã thống nhất chủ trương chọn “điểm nóng” về tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên sông Bồ (tại thôn Lại Bằng, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà) để giao cho cộng đồng quản lý và khai thác. 52 phương tiện đăng ký khai thác cát, sỏi được đánh số thứ tự để dễ quản lý, kiểm tra. Các hộ sau khi đăng ký phương tiện chỉ được khai thác mỗi ngày 2 chuyến (10m³/phương tiện). Đồng thời, có nghĩa vụ đóng thuế tài nguyên và phí môi trường khoảng 11.000 đồng/m³. Ở cách mỏ cát khoảng 150m, đặt một “trạm điều hành” giám sát với 5 thành viên chuyên việc phát phiếu cho các hộ khai thác cát, sỏi tập trung tại bãi quy hoạch của phường. Trạm điều hành thường xuyên cắt cử người kiểm tra và xử lý nghiêm những phương tiện chưa được cấp phiếu nhưng vẫn khai thác hoặc neo đậu không đúng vị trí… Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ người dân chuyển từ nghề khai thác cát, sỏi trái phép, sang khai thác tập trung theo quy hoạch, góp phần quản lý và bảo vệ tài nguyên lưu vực sông.
Văn Thắng