Voi nhà cuối cùng ở Bắc Tây Nguyên

Voi Ya Tao được một người dân ở tỉnh Gia Lai qua tỉnh Đắk Lắk mua về với kỳ vọng sẽ sinh được nhiều voi con. Gia chủ cho voi miễn lao động, tạo không gian cho voi “yêu nhau” nhưng sau 3 năm ghép đôi, Ya Tao vẫn không hoàn thành sứ mệnh sinh con.

Dù thế, Ya Tao vẫn được chủ voi coi là người bạn và nhất quyết không bán, dù được trả giá cả tỷ đồng. 

Bán trâu, bò để mua voi

Đến làng Ploi Pa Kdanh, xã Chư Mố (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) hỏi về voi Ya Tao, bà cụ bán nước ven đường chỉ tay lên ngọn núi phía sau con suối Ia Tul (xã Ia Tul, huyện Ia Pa) hớn hở nói: “Voi Ya Tao là báu vật của làng, trước do ông Ksor Cham (làng Ploi Pa Kdanh) mua về, 2 năm nay ông mất thì giao cho con rể Ksor Alơn chăm sóc. Alơn đang thả voi trong khu rừng dọc suối, muốn tìm thì vào đó”.

Chúng tôi đến địa chỉ như hướng dẫn thì gặp Alơn đang dẫn voi đi ăn. Voi Ya Tao hiện ra trước mắt với hình dáng khổng lồ, mỗi chân to bằng cột nhà sàn, vòi dài hơn 1m đung đưa quấn chặt đám cỏ lau bên suối rồi cho vào miệng nhai ngon lành.

Ăn no xong, Ya Tao lội xuống suối tắm, có Alơn đứng bên cạnh kỳ cọ trên lưng voi, thi thoảng lại vỗ về, cưng nựng nên voi cái Ya Tao thích thú, phe phẩy đôi tai.

Voi Ya Tao bén duyên với gia đình Alơn từ gần 30 năm trước với sứ mệnh là sinh voi con cho gia chủ. “Hồi ấy trong làng có một voi đực tên Bắk Som, được mua bằng tiền của một số hộ trong làng góp lại, trong đó có bố vợ tôi là già Ksor Cham. Bố vợ tôi hồi ấy rất muốn mua thêm một voi cái để giao phối với voi đực Bắk Som nhằm sinh thêm voi con cho vui làng vui xóm. Nghĩ thế nên ông bàn với các thành viên trong nhà, rồi thống nhất bán trâu, bò, heo, lúa để lấy 50 triệu đồng qua tỉnh Đắk Lắk mua voi cái về sinh sản”, Alơn nhớ lại.

Voi nhà cuối cùng ở Bắc Tây Nguyên ảnh 1  Alơn cùng voi Ya Tao

Vậy là ông Ksor Cham đón xe qua bản Đôn (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), nơi có truyền thống săn bắt, thuần dưỡng voi rừng với hy họng tìm được con voi cái ưng ý, tuổi sung mãn và mạnh khỏe. Tại đây, ông được nhiều chủ voi dẫn vào tận buôn, hay những cánh rừng đang thả voi để “xem hàng”.

“Phải mất một tuần thẩm định, bố vợ tôi quyết định mua con voi Ya Tao này. Lúc mua, voi đã hơn 15 tuổi, bản tính hoạt bát, lanh lợi. Do chưa thuần phục nên để đưa Ya Tao về nhà là cả vấn đề. Bố vợ tôi phải nhờ người bán cưỡi voi vượt hàng trăm cây số mới về đến nhà mới. Ngày Ya Tao đặt chân đến làng, người trong làng tò mò đổ xô ra chào đón, cho chuối, lá cây”, Alơn kể.

Sứ mệnh không thành

Khi Ya Tao đã quen môi trường sống mới, người nhà Alơn lên kế hoạch giúp Ya Tao thực hiện sứ mệnh sinh sản. Thay vì dùng voi để kéo gỗ làm nhà như trước, họ giảm thời gian lao động cho voi đực Bắk Som và Ya Tao rồi đưa cả 2 vào rừng để chúng có không gian “yêu đương”.

Nhưng gần một năm ở chung, không thấy Ya Tao có dấu hiệu mang bầu nên chủ voi lo lắng, liền liên hệ với chủ voi cũ bên bản Đôn để hỏi lý do thì được giải thích phải thả cả 2 con voi vào rừng tự nhiên để chúng tự do đi lại, ăn uống chứ không được cột xích, hạn chế không gian đi lại của voi.

Gia đình Alơn sau đó đưa cả 2 con voi vào khu rừng xa hơn trong 2 năm cho đến khi voi đực Bắk Som đột ngột chết và niềm hy vọng của nhà Alơn cũng tắt lụi. 

Dù Ya Tao không hoàn thành sứ mệnh, nhưng vẫn được chủ voi quý như một người bạn. Dẫn chúng tôi đi thăm đàn bò chục con, bà Rmah Hriu (vợ Alơn) cho biết, đã có rất nhiều đoàn đến đặt vấn đề mua voi Ya Tao với giá từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng và với số tiền đó, gia đình bà có thể mua được đàn bò gấp 20 lần số bò hiện tại, nhưng gia đình bà đều từ chối.

“Tôi lo voi được người ta mua về rồi bắt Ya Tao lao động thì tội nó. Quan trọng hơn là chúng tôi xem Ya Tao như người bạn. Gia đình là bố tôi trước khi qua đời đã dặn không được bán Ya Tao với bất cứ lý do gì”, bà Rmah Hriu trải lòng.

Chia tay chúng tôi cũng là lúc ông Alơn dắt voi Ya Tao rời khỏi con suối để lên núi cột lại trước khi về nhà.

“Từ lúc voi đực Bắk Som chết, đến nay cũng đã 26 năm voi Ya Tao sống cô đơn. Những lúc có việc thì Ya Tao giúp gia đình kéo gỗ, còn không đưa Ya Tao lên rừng. Những lúc trên rừng, gia đình đều cử người đến thăm, tháo xích cho voi đi uống nước, kiếm thêm lá cây rừng cho ăn. Thi thoảng mua chuối cho voi tẩm bổ”, ông Alơn kể.

Đề nghị đưa Ya Tao về trung tâm bảo tồn 

Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, cho biết tại 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, hiện chỉ duy nhất có voi nhà là Ya Tao.

Đơn vị biết đến voi Ya Tao từ năm 2017 và nhận thấy voi đã già, sống cô độc nhiều năm nên muốn đưa về trung tâm để chăm sóc tốt hơn, cũng như cho Ya Tao được sống gần gũi với những con voi khác.

Trung tâm đã gửi thư ngỏ đến chủ voi để thông tin, nếu chủ voi không có điều kiện nuôi dưỡng thì trung tâm sẵn sàng cứu hộ đưa về, hoặc có yêu cầu hỗ trợ về thuốc men, tư vấn chăm sóc thì trung tâm sẵn sàng qua giúp đỡ, nhưng không thấy chủ voi phản hồi.

Tin cùng chuyên mục