Vốn FDI đạt gần 21 tỷ USD

Tính từ đầu năm đến ngày 20-11, cả nước có 1.175 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 13,779 tỷ USD. Cộng với 446 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 7,036 tỷ USD, trong 11 tháng đầu năm 2013, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm là 20,815 tỷ USD.

(SGGPO).- Tính từ đầu năm đến ngày 20-11, cả nước có 1.175 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 13,779 tỷ USD. Cộng với 446 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 7,036 tỷ USD, trong 11 tháng đầu năm 2013, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm là 20,815 tỷ USD.

Xét về lĩnh vực đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn thu hút được số vốn lớn hơn cả. Đã có 16,078 tỷ USD (cả vốn cấp mới và tăng thêm) được các nhà đầu tư rót vào lĩnh vực này, chiếm 77,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,031 tỷ USD, chiếm 9,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 20 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 884 triệu USD.

Nhật Bản tiếp tục là nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,682 tỷ USD, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư đăng ký tại Việt Nam; các vị trí thứ 2 và thứ 3 thuộc về Singapore và Hàn Quốc. 

Về địa bàn đầu tư, Thái Nguyên là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất (tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,357 tỷ USD, chiếm 16,1% vốn đăng ký) nhờ các các dự án quan trọng của Samsung. Thanh Hóa và  Hải Phòng đứng 2 và thứ 3.

Trong 11 tháng năm 2013, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 10,55 tỷ USD, tăng 5,5% với cùng kỳ năm 2012.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục