Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết, tín dụng cho vay 5 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn TPHCM tăng 5% so với cuối năm 2015. Tín dụng tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho doanh nghiệp (DN) và cho sản xuất kinh doanh vì kinh tế phục hồi, khả năng hấp thu vốn của DN tốt hơn so với thời gian trước.
Một doanh nghiệp được ngân hàng hỗ trợ tín dụng Ảnh: CAO THĂNG
Đẩy mạnh tín dụng cho DN
Vốn ngân hàng vẫn đẩy mạnh vào sản xuất kinh doanh là có. Tuy nhiên, áp lực huy động vốn của các ngân hàng vẫn đang diễn ra và nhiều DN lo lắng khó tránh khỏi việc kéo lãi suất cho vay tăng trong thời gian tới. Về việc này, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, nhận định rằng mặc dù lãi suất huy động trên thị trường thời gian qua có sự thay đổi và biến động, nhưng chủ yếu là lãi suất tiền gửi trung, dài hạn (kỳ hạn trên 12 tháng). Ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi các kỳ hạn này nhằm cơ cấu lại nguồn vốn cho hợp lý trong việc sử dụng vốn, trước bối cảnh cho vay vốn trung và dài hạn đang có xu hướng tăng. Song về cơ bản, lãi suất chung trên thị trường vẫn ổn định. Trong đó, đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn, DN ứng dụng công nghệ cao), lãi suất vẫn được ổn định và tiếp tục áp dụng các chính sách ưu đãi lãi suất đối với các khoản vay ngắn hạn VND là không quá 7%/năm. Theo đó, 5 tháng đầu năm, cho vay đối với DN trong 5 lĩnh vực ưu tiên đạt gần 155.300 tỷ đồng, tăng 8,68% so với cuối năm 2015.
Thực tế cũng cho thấy, mặc dù các ngân hàng vẫn tiếp tục “đua” lãi suất đầu vào nhưng không ít ngân hàng cũng đã đẩy mạnh các gói tín dụng ưu đãi cho DN. Cụ thể, Ngân hàng Viet Capital Bank dành 1.000 tỷ đồng cho DN xuất khẩu vay ưu đãi lãi suất 4%/năm, với thời gian cho vay mỗi giấy nhận nợ lên đến 6 tháng. Trước thực tế nhiều DN vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn vì không có tài sản thế chấp, ngân hàng này cũng đã dành 1.000 tỷ đồng vốn ngắn hạn để hỗ trợ các DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất và xây dựng, mà không cần tài sản bảo đảm với vốn vay tín chấp tối đa lên đến 1,5 tỷ đồng. Từ đầu tháng 6, Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng đưa ra các gói ưu đãi lãi suất cho các DN sản xuất kinh doanh, tài trợ thương mại, thanh toán quốc tế với hạn mức lên đến hơn 3.000 tỷ đồng và giảm đến 100% phí thanh toán. Theo đó, DN có nhu cầu vay ngắn hạn hay trung, dài hạn để bổ sung vốn kinh doanh, đầu tư mua trang thiết bị, nhà xưởng, kho hàng, phương tiện vận chuyển… sẽ được vay với mức lãi suất từ 6,11%/năm. HDBank cũng đang tài trợ vốn lưu động cho DN dệt may xuất khẩu lên đến 100% giá trị thư tín dụng (LC) nhập khẩu, chỉ với tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ hình thành trong tương lai từ hợp đồng xuất khẩu hoặc hàng tồn kho là nguyên vật liệu ngành dệt may…
Tiếp tục hỗ trợ DN
Thông thường, tăng lãi suất huy động sẽ dẫn tới lãi suất cho vay tăng theo, nhưng vì sao trong cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động hiện nay vẫn có không ít ngân hàng đã giảm nhẹ lãi suất cho vay, thậm chí đưa ra các gói lãi suất ưu đãi? Theo Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM Tô Duy Lâm, mặc dù lãi suất đầu vào có tăng nhưng các ngân hàng sẽ không tăng mạnh lãi suất cho vay vì như vậy sẽ làm giảm cầu về tín dụng, trong khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2016 khá lớn (vì chỉ tiêu TPHCM được NHNN giao cao hơn so với các năm 3% - 6%), các ngân hàng phải dè chừng lãi suất để đẩy mạnh cho vay nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại trên địa bàn TPHCM cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ và NHNN đã có thông điệp yêu cầu các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ hoạt động của DN. “Hiện các ngân hàng quốc doanh đã giảm lãi suất 0,5%/năm cho vay ngắn hạn bằng VND, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng tốt vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nên các ngân hàng thương mại như chúng tôi cũng buộc phải đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất cho DN để cạnh tranh”, vị này bày tỏ. Còn theo lãnh đạo Ngân hàng OCB, việc ngân hàng đẩy mạnh gói cho vay ưu đãi cho DN vì thanh khoản của đơn vị đang dôi dư.
Thực tế cũng cho thấy, tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn TP tăng 5% so với cuối năm 2015, trong khi đó, huy động vốn lại tăng ít hơn, ở mức 4,46%. Đó cũng là một trong những lý do mà hiện nay các ngân hàng tiếp tục “đua” lãi suất huy động bằng cách tăng lãi suất tiền gửi để thu hút nguồn vốn trong dân, đáp ứng dư địa cho vay còn khá lớn từ đây đến cuối năm. “Trong bối cảnh kinh tế TP khởi sắc, 6 tháng cuối năm, dư địa cho vay trên địa bàn TP còn khoảng 13%, mức tăng trưởng này khá lớn để các ngân hàng tiếp tục hỗ trợ vốn cho DN”, lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM cho hay.
5 tháng đầu năm 2016, thông qua Chương trình Kết nối ngân hàng và DN trên địa bàn TPHCM, ngành ngân hàng TP đã thực hiện cho gần 3.300 khách hàng vay, với tổng số tiền đạt 71.462 tỷ đồng. Trong đó, giải ngân gói tín dụng của các tổ chức tín dụng đã ký kết tại hội nghị triển khai Chương trình Kết nối năm 2016 đạt gần 67.200 tỷ đồng, cho gần 2.750 khách hàng vay với lãi suất áp dụng ở mức không quá 7%/năm đối với cho vay ngắn hạn và xoay quanh mức 9%/năm với cho vay trung và dài hạn. Riêng giải ngân tại hội nghị kết nối theo các chuyên đề (cho vay nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ…) đạt 4.304 tỷ đồng, với gần 550 khách hàng được vay. |
HẠNH NHUNG