Vòng đàm phán then chốt


Liên minh châu Âu (EU) và Anh bước vào vòng đàm phán then chốt về việc Anh rời khỏi EU (Brexit) ngày 16 và 17-8, bàn thảo 2 vấn đề quan trọng là địa vị tương lai của Bắc Ireland và khuôn khổ chung cho mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU. 
Người dân Anh yêu cầu trưng cầu dân ý lại về Brexit
Người dân Anh yêu cầu trưng cầu dân ý lại về Brexit

Những vấn đề mấu chốt

Kết quả của vòng đàm phán này sẽ là chỉ dấu cho thấy liệu dự thảo thỏa thuận rút khỏi EU và tương lai quan hệ thương mại Anh-EU có trình được Hội đồng châu Âu thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh EU vào 18 và 19-10 tới hay không. Đến thời điểm này, 2 bên nhất trí với nhau được 80% nội dung đàm phán Brexit. Tuy nhiên, 20% còn lại là những vấn đề mấu chốt và có ảnh hưởng quyết định đến số phận của thỏa thuận Brexit. 

Theo tờ Independent, những quan ngại về khả năng 2 bên không đạt được thỏa thuận Brexit khi Anh rời EU vào tháng 3-2019 vẫn hiện hữu khi chưa tìm được tiếng nói chung đối với một số vấn đề quan trọng như đường biên giới giữa Bắc Ireland và CH Ireland, cùng một số điều khoản trong thỏa thuận thương mại mới giữa Anh-EU. Trong đó, vấn đề khó khăn, gây tranh cãi nhất là đường biên giới giữa Bắc Ireland và CH Ireland, dù 2 bên đều nhất trí cần có một chính sách đảm bảo để tránh một đường biên giới cứng tại Bắc Ireland nếu như những thỏa thuận hải quan thích hợp không đạt được giữa Anh và EU trong thời gian chuyển đổi đến hết tháng 12-2020. EU tin rằng chính sách đảm bảo sẽ là Bắc Ireland ở lại trong thị trường đơn lẻ đối với hàng hóa và liên minh thuế quan cho đến khi Anh tìm ra được giải pháp đối với vấn đề đường biên giới. Thủ tướng Anh Theresa May lại muốn kế hoạch đảm bảo này được áp dụng trên toàn nước Anh chứ không áp dụng riêng cho vùng Bắc Ireland. 

Báo chí Anh trong những tuần qua vẽ lên một “bức tranh kinh hoàng” cho nước Anh nếu như 2 bên không đạt được thỏa thuận Brexit. Nước Anh sẽ đối mặt với tình trạng giá cả leo thang, khan hiếm hàng hóa tại siêu thị, thiếu thuốc men, đường phố sẽ đầy cảnh sát... và cho rằng EU đang ở thế thượng phong trong những đàm phán sắp tới. 

Cố gắng đạt thỏa thuận

Trên thực tế, nếu không đạt được thỏa thuận Brexit thì tác động tiêu cực lên EU cũng vô cùng to lớn. Vấn đề lưu thông hàng hóa, hải quan vướng mắc sẽ dẫn đến ách tắc giao thương tại các cảng ở nhiều nước. Đối với lĩnh vực dịch vụ, trong giai đoạn 2011-2016, các công ty của EU đã tiếp cận được 400 tỷ EUR vốn thông qua Khu Tài chính London, trong khi các hãng bảo hiểm Anh đã cung cấp hơn 30 triệu hợp đồng cho các khách hàng EU. Không đạt được thỏa thuận Brexit sẽ khiến cả Anh và EU mất hàng triệu việc làm. Ngoài ra, Anh vẫn luôn là một đối tác quan trọng của EU trong các hoạt động chia sẻ thông tin tình báo và an ninh. Bởi vậy, EU mới đây khẳng định đang làm việc với tinh thần xây dựng để đạt được thỏa thuận Brexit với Anh và khẳng định điều này sẽ được thể hiện ở vòng đàm phán diễn ra ngày 16 và 17-8. Chính phủ Anh cũng khẳng định hoàn toàn tin tưởng 2 bên sẽ đạt được thỏa thuận Brexit. 

Tuy nhiên, những bất đồng trong nội bộ Anh cũng khiến London “dè dặt” khi cho biết vẫn chuẩn bị mọi tình huống, cả đạt được và không đạt được thỏa thuận Brexit. Đề xuất về Brexit của Thủ tướng May được cho là linh hoạt để tìm ra tiếng nói chung với EU nhưng đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ những người ủng hộ một Brexit “cứng” không khoan nhượng trong đảng Bảo thủ của bà. Phe phản đối cho rằng kế hoạch của bà May làm hạn chế cơ hội ký những thỏa thuận tự do thương mại của Anh với các nước bên ngoài EU, đưa nước Anh vào tình trạng nửa vời trong quan hệ tương lai với EU. 

Ngoài ra, sau khi đạt được nhất trí 2 bên, sẽ phải trình Quốc hội Anh và Nghị viện EU thông qua. Nếu giới lập pháp Anh bỏ phiếu chống có thể châm ngòi một cuộc khủng hoảng chính trị lớn ở Anh, kéo theo sự sụp đổ của mọi bước dàn xếp về thương mại, nhập cư và an ninh thời hậu Brexit.

Tin cùng chuyên mục