Vòng xoáy khủng hoảng mới

Đất nước Ai Cập đã từng là một trong những tâm điểm của cơn bão táp chính trị xã hội gọi là “Mùa xuân Ả rập” ở Bắc Phi - Trung Đông cách đây hơn 1 năm. Mặc dù đã tiến hành bầu cử tổng thống và quốc hội, nhưng các cuộc biểu tình của các phe phái tại Ai Cập đang đẩy đất nước này lún sâu vào vòng xoáy phức tạp và nguy hiểm của một cuộc khủng hoảng chính trị xã hội mới.

Đất nước Ai Cập đã từng là một trong những tâm điểm của cơn bão táp chính trị xã hội gọi là “Mùa xuân Ả rập” ở Bắc Phi - Trung Đông cách đây hơn 1 năm. Mặc dù đã tiến hành bầu cử tổng thống và quốc hội, nhưng các cuộc biểu tình của các phe phái tại Ai Cập đang đẩy đất nước này lún sâu vào vòng xoáy phức tạp và nguy hiểm của một cuộc khủng hoảng chính trị xã hội mới.

Tâm điểm cuộc khủng hoảng không đâu khác ngoài các quyết định của Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi, vốn bị phe đối lập coi là động thái củng cố và gia tăng quyền lực cho chính mình. Sau khi giành được một thành công về đối ngoại là môi giới thỏa thuận ngừng bắn ở dải Gaza giữa Israel và phái Hamas của Palestine, ông Morsi đã ban hành một tuyên bố hiến pháp mới, đồng thời ban hành “Luật bảo vệ Cách mạng ngày 25 tháng 1 năm 2011”, theo đó khôi phục điều tra các vụ sát hại và âm mưu sát hại những người biểu tình trong cuộc nổi dậy lật đổ chế độ của cựu Tổng thống Mubarak năm ngoái. Đồng thời, Tổng thống Morsi cũng vô hiệu hóa thế lực tư pháp vốn chống lại những quyết định của ông, đưa người mới lên thay thế…

Kể từ đó, Ai Cập lại trở nên nóng bỏng và phức tạp khi diễn ra các cuộc biểu tình rầm rộ và các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát tại trung tâm thủ đô Cairo. Lực lượng Tự do - Dân chủ Ai Cập vừa công bố hình thành “Mặt trận cứu quốc” liên kết tất cả các đối thủ của Tổng thống đương nhiệm Mohamed Morsi, chính thức tuyên bố từ chối mọi hình thức đối thoại và hợp tác với người đứng đầu nhà nước chừng nào Tổng thống Morsi chưa thay đổi tuyên bố hiến pháp. Các thành viên đối lập hàng đầu cũng ủng hộ hình thức biểu tình và tuần hành hòa bình, trong đó người dân Ai Cập “thể hiện ý chí và nguyện vọng của họ”.

Căng thẳng gia tăng khi Tòa án Hành chính tối cao Ai Cập (SCC) thông báo vào ngày 4-12 tới sẽ bắt đầu xem xét 12 đơn kiện của các luật sư và các nhà hoạt động phản đối bản tuyên bố hiến pháp của tổng thống. Động thái trên được cho là sự thách thức công khai của giới chức tòa án đối với Tổng thống Morsi, vì tuyên bố hiến pháp mới ban hành quy định các cơ quan tư pháp không có quyền phủ quyết, bãi bỏ hoặc sửa đổi bất cứ điều luật, tuyên bố hay sắc lệnh nào do tổng thống ban hành kể từ khi ông nhậm chức vào ngày 30-6 vừa qua cho đến khi hiến pháp mới được phê duyệt và quốc hội mới được bầu.

Cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Mohamed ElBaradei cảnh báo việc tổng thống thâu tóm quyền lực “có thể gây ra những hậu quả tàn khốc”. Trong khi đó, tổ chức Anh em Hồi giáo cho rằng động thái này của Tổng thống Morsi là một “quyết định mang tính cách mạng”.

Cũng giống như cựu Tổng thống Hosni Mubarak trước đây, Anh em Hồi giáo sẽ gặp rất nhiều trở ngại trong việc nắm giữ quyền lực. Bất ổn chính trị xã hội sẽ tác động, ảnh hưởng xấu đến tiến trình khôi phục kinh tế của Ai Cập vốn lao đao trong hơn 1 năm qua. Alaa Al-Din Arafat, Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu và tư liệu kinh tế, pháp lý và xã hội (Cedej) của Ai Cập, cho rằng: “Để giữ quyền bá chủ, Anh em Hồi giáo sẽ cần phải có một dự án. Đáng tiếc, hiện Anh em Hồi giáo chưa có một dự án tổng thể ngay cả trong các vấn đề quốc tế nhằm tập hợp toàn bộ bộ máy nhà nước cùng đi theo một hướng”. 

NGUYỄN KHẮC ĐỨC

Tin cùng chuyên mục