Vụ 33 người dân tộc thiểu số ở Phước Sơn (Quảng Nam) bị lừa: người dân cả tin, chính quyền xã buông lỏng

Vụ 33 người dân tộc thiểu số ở Phước Sơn (Quảng Nam) bị lừa: người dân cả tin, chính quyền xã buông lỏng

(SGGPO).- Ngày 5-10, từ thị trấn miền núi Khâm Đức (Phước Sơn), vượt 20km đường rừng bằng xe Mink 125 phân khối trong cơn mưa xối xả, chúng tôi vào xã Phước Chánh – nơi có 20 người dân được Công an huyện Phước Sơn giải thoát trở về, trong đó có một  người đã chết. Đường trơn và lầy lội, chiếc xe Mink 125 phân khối phải bọc xích bánh xe mới có thể đi được. Anh Hồ Văn Chương – người lao động xấu số đã được bản làng chôn cất theo tập tục…

Mẹ con chị Hồ Thị Út trước bàn thờ chồng - anh Hồ Văn Chương - người lao động xấu số

Mẹ con chị Hồ Thị Út trước bàn thờ chồng - anh Hồ Văn Chương - người lao động xấu số

Căn nhà anh Chương hôm nay chật kín người Bhnoong. Bản làng đã đến chia buồn, động viên chị Hồ Thị Út (1977) – vợ anh Chương và đứa con thơ dại còn chưa biết nhận thấy nỗi bất hạnh.

Chị Út nước mắt lưng tròng, bần thần: “Anh ấy (anh Chương) thương vợ con lắm. Trước đây, ngoài việc nương rẫy, ảnh đi làm thuê, làm mướn ở quanh xã, mà có xa nhất là ở các xã lân cận, kiếm tiền về nuôi vợ, nuôi con. Chưa bao giờ anh đi làm xa. Nghe thanh niên trong làng rủ đi nơi khác làm có cái tiền, là anh ấy theo họ. Vậy mà, hôm nay anh về chỉ là cái xác lạnh, không tiền, không bạc. Anh mất rồi, ai nuôi thằng Trang ăn học đây?”.

Chị Hồ Thị Nghiệp (1988, thôn 3 xã Phước Chánh) – người cùng đi làm với anh Chương, cùng sống trong cực khổ, chứng kiến cảnh anh Chương bị ốm và mất, nhớ lại: Khi mùa phát rẫy vừa xong, họ bảo bọn em đi trồng keo ở Đăk Lây (Kom Tum), nghĩ rằng ở đó cũng gần, lại lương cao,  nên bọn em đi theo, ai dè xe chở bọn em đi tới Đăk Nông.

Công việc làm thì nặng nhọc, mỗi sáng phải dậy từ rất sớm rồi lội bộ, leo dốc hơn 1 tiếng đồng hồ mới tới chỗ làm, trưa 11 giờ 30 được nghỉ ăn cơm tại chỗ, đến 12 giờ lại tiếp tục làm. Làm đã cực khổ, lại không có nước uống, nước sinh hoạt, bọn em phải tắm chung với nước trâu đầm.

Đến tháng 8, bọn em chịu không nổi, xin ông Lân cho về, nhưng ông không cho. Ông hứa khi nào trồng xong rẫy bắp rồi ổng trả tiền cho về nhưng khi bắp cao quá đầu người ông ấy cũng không trả tiền cho về. Mỗi tối, nhớ nhà quá, em và Hồ Thị Thuận (1986, người cùng thôn - PV) ôm nhau khóc.

“Tội nhất là anh Chương, ảnh bị ốm từ giữa tháng 8 nên không đi làm được, nhưng ông Lân vẫn bắt anh Chương mang cơm cho bọn em. Có hôm lên đến lưng dốc, anh Chương đi không nổi, ngã xuống đổ hết cơm. Trưa đó, bọn em phải nhịn đói… Tưởng có tiền để về lo gia đình, ai dè họ lừa bọn em, không trả lương. Bây giờ chân em lại bị phù lên nữa, khổ quá anh ơi…” – Nghiệp thở than.

Buông lỏng quản lý

Trong buổi sáng 5-10, ông Phạm Hoàng Linh - Bí thư Đảng ủy xã Phước Chánh đã đến thăm, chia buồn cùng mẹ con chị Út. Ông Linh cho biết, địa bàn xã Phước Chánh khá rộng (4.700ha), có 7 thôn lại nằm xa trung tâm xã, nhưng nhiều năm qua việc quản lý địa bàn rất chặt chẽ, chưa xảy ra trường hợp đáng tiếc nào. Tuy nhiên do chủ quan và tin tưởng vào tình hình an ninh trật tự tại địa bàn, nên từ tháng 4, tại xã đã có khá đông người đi khỏi địa phương song chính quyền không hay biết.

Đến khi có 67 người trốn khỏi nơi lao động về nhà và có đơn trình báo của nhân dân, chính quyền xã mới kiểm kê, rà soát lại và phát hiện toàn xã có 87 người nghe theo lời môi giới của 6 người gồm: Bùi Văn Xuân (thôn 3), Hồ Văn Luyến (thôn 1), Hồ Văn Thủ, Vũ Thái Dương, Hồ Văn Xia (thôn 4) và Hồ Văn (thôn 5) đi lao động trồng keo tại Đăk Glong (Đăk Nông) cho vợ chồng ông Lân và bà Lai (người dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi. Có 67 người trốn về báo cáo với xã, xã mới báo cáo lên huyện…

Điều đáng nói, trong số 87 người dân của xã Phước Chánh bị lừa đi lao động tại Đăk Nông, có không ít là các em học sinh của trường THCS Phước Chánh, Trường THPT Khâm Đức (chủ yếu trong ba tháng hè) và có cả con của cán bộ, đảng viên xã Phước Chánh. Cá biệt, có gia đình ông Hồ Văn Dua - Chủ tịch mặt trận xã Phước Chánh, có ba người con đi lao động tại Đăk Nông, nhưng cha vẫn không biết, đến khi có danh sách gọi con đi khám nghĩa vụ quân sự, ông Dua mới hoảng hốt không biết con mình đi đâu.

Ông Phạm Hoàng Linh bí thư đảng ủy xã Phước Chánh, thổ lộ:  “Đây là bài học quá đắt. Tôi thành thật xin lỗi bà con nhân dân. Qua đây, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, điều hành, sắp tới sẽ thường xuyên chỉ đạo cho bí thư chi bộ, trưởng thôn tăng cường công tác quản lý địa bàn, thường xuyên thông tin với xã để quản lý chặt địa bàn. Xã sẽ chỉ đạo khối nội chính thường xuyên tuần tra, kiểm soát chặt địa bàn, nhất quyết không để xảy ra một trường hợp nào tương tự xảy ra”.

Qua thống kê sơ bộ của các cơ quan chức năng huyện Phước Sơn, tính đến nay đã có 121 người dân tộc thiểu số Bhnoong của huyện Phước Sơn bị lừa đi lao động lại xã Đăk R’măng và Đăk Glong của tỉnh Đăk Nông, trong đó xã Phước Chánh có 87 người, xã Phước Năng có 26 người, thị trấn Khâm Đức có 8 người. Toàn bộ số người này đều không nhận được tiền lương theo thỏa thuận ban đầu.

Bài và ảnh: TẤN SỸ – NGUYÊN KHÔI

>> Giải thoát 32 người dân tộc thiểu số bị lừa đi lao động trong rừng sâu

Tin cùng chuyên mục