Vụ bản đồ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Gỡ rối trên cơ sở đặt quyền lợi người dân lên trên hết

Nếu truy tìm được bản đồ gốc đã thất lạc chưa hẳn tháo gỡ khiếu kiện dai dẳng của người dân. Điều quan trọng là TPHCM cần có giải thích rõ ràng và giải quyết trên cơ sở đặt quyền và lợi ích hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng lên trên hết.
Một góc Thủ Thiêm hiện nay. Ảnh: CAO THĂNG
Một góc Thủ Thiêm hiện nay. Ảnh: CAO THĂNG
Ngày 7-5, trao đổi qua điện thoại, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM Võ Viết Thanh cho biết  ông  bận  đi công việc nhiều ngày nên không thể trực  tiếp  gặp  mặt  trả lời những vấn đề liên quan đến các bản đồ gốc về khu đô thị (KĐT) mới Thủ Thiêm bị cho là “thất lạc”. Tuy nhiên, ông Võ Viết Thanh khẳng định, sau khi lập xong đồ án quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm, ông trực tiếp trình bày với Bộ Chính trị (có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và có cả một số thành viên khác). Khi đó, ông đã treo hơn 10 bản đồ tỷ lệ 1/5.000 khi thuyết minh… Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 367 (ngày 4-6-1996) phê duyệt quy hoạch xây dựng KĐT mới Thủ Thiêm.
 Rà soát từng câu chữ trong toàn bộ nội dung của Quyết định 367 nêu trên, phóng viên không tìm thấy cụm từ “bản đồ” hoặc các nội dung khác nói đến bản đồ quy hoạch 1/5.000 (hay các tỷ lệ khác). Nguyên Chủ tịch UBND TP Võ Viết Thanh cũng nhấn mạnh, Quyết định 367 không kèm theo bản đồ. Do đó, nếu có “truy tìm” cũng sẽ không tìm thấy bản đồ quy hoạch 1/5.000. “Tuy nhiên, đồ án quy hoạch phát triển KĐT mới Thủ Thiêm được TPHCM trình Thủ tướng Chính phủ có 13 bản đồ 1/5.000 kèm theo”, ông Võ Viết Thanh khẳng định.
 Cùng ngày, ông Lê Văn Năm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP (giai đoạn 1996 - 2001), khẳng định ông là người chủ trì thực hiện việc lập đồ án quy hoạch KĐT Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000. Theo đó, khi  trình đồ án để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì phải có bản đồ quy hoạch minh họa. Đó là thủ tục bắt buộc phải tuân thủ. Việc lập đồ án quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm cũng tuân thủ theo quy định này. Tương tự, là người cùng tham gia ký tên vào các bản đồ 1/5.000 trên với tư cách là đại diện cơ quan quản lý xây dựng của TPHCM thời điểm đó, ông Vũ Hùng Việt (lúc đó làm Giám đốc Sở Xây dựng và sau này là Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách lĩnh vực đô thị) cũng khẳng định, TP có lập 1 bộ bản đồ 1/5.000 và đích thân ông ký vào các bản đồ này.
Từ thông tin của những người trong cuộc nêu trên, có thể khẳng định, bản đồ 1/5.000 là có. Giải thích thêm về ý nghĩa của các bản đồ này, KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, cho biết, các bản đồ quy hoạch 1/5.000 chỉ có ý nghĩa về mặt định hướng chức năng, không gian. Cụ thể, bản đồ quy hoạch 1/5.000 của KĐT mới Thủ Thiêm được định hướng là một khu đô thị mới hiện đại, là trung tâm thương mại, tài chính và dịch vụ.
“Bản đồ 1/5.000 không giúp xác định ranh giới đất làm căn cứ bồi thường, giải phóng mặt bằng mà phải căn cứ vào bản đồ tỷ lệ 1/2.000”, KTS Nguyễn Trường Lưu phân tích. Vì vậy, việc “truy tìm” bản đồ gốc cũng không thể tháo gỡ các bức xúc của người dân. Vấn đề hiện nay là TPHCM cần giải thích rõ ràng, đồng thời có chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải quyết việc làm thấu tình, đạt lý đối với những người dân bị ảnh hưởng.
Một nguyên lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cho biết, sau khi nhận được dự thảo đồ án quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm, Văn phòng Chính phủ đã rà soát các mặt chuyên môn, thủ tục và lấy ý kiến Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành có liên quan như Bộ TN-MT, GTVT… Trên cơ sở ý kiến thẩm định của các bộ thì Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 367 phê duyệt đồ án.
Nếu có bản đồ 1/5.000 kèm theo Quyết định 367 thì trên bản đồ phải đóng dấu giáp lai của Văn phòng Chính phủ, các bản đồ này mới có giá trị pháp lý. Việc đóng dấu giáp lai cũng nhằm đảm bảo tránh tình trạng tự ý sửa chữa, điều chỉnh bản đồ sau khi đã được phê duyệt.
Như vậy, một đồ án quy hoạch được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, không thể không có bản đồ đi kèm. Đây cũng là căn cứ pháp lý quan trọng để triển khai các công việc tiếp theo. Mặt khác, nếu không có bản đồ theo Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ thì UBND TPHCM căn cứ vào đâu để có các quyết định điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng 1/5.000 và duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 vào năm 2005?

Tin cùng chuyên mục