Vụ chất cực độc trong 30 tấn cá nục: Chờ ý kiến chỉ đạo từ Trung ương

Thông tin mẫu cá nục đông lạnh lấy từ lô 30 tấn cá nục tại cơ sở kinh doanh của bà Lê Thị Thuộc, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị có hàm lượng phenol là 0,037mg/kg đã khiến ngư dân tại địa phương này gặp nhiều khó khăn khi người tiêu dùng e ngại sử dụng hải sản trong bữa ăn hàng ngày. Trong khi UBND tỉnh Quảng Trị không đủ khả năng phán quyết nên đã phải “cầu cứu” các bộ ngành Trung ương.
Vụ chất cực độc trong 30 tấn cá nục: Chờ ý kiến chỉ đạo từ Trung ương

>> Lấy thêm mẫu cá tại các cơ sở đông lạnh đi xét nghiệm

(SGGPO).- Thông tin mẫu cá nục đông lạnh lấy từ lô 30 tấn cá nục tại cơ sở kinh doanh của bà Lê Thị Thuộc, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị có hàm lượng phenol là 0,037mg/kg đã khiến ngư dân tại địa phương này gặp nhiều khó khăn khi người tiêu dùng e ngại sử dụng hải sản trong bữa ăn hàng ngày. Trong khi UBND tỉnh Quảng Trị không đủ khả năng phán quyết nên đã phải “cầu cứu” các bộ ngành Trung ương.

Cơ quan chức năng kiểm tra kho cá đông lạnh tại cơ sở kinh doanh của bà Lê Thị Thuộc

Tại cảng cá Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị khác với không khí tấp nập tàu thuyền ra vào như những ngày đầu tháng 6-2016, hiện tại đây, từ ngày Sở Y tế Quảng Trị công bố lô 30 tấn cá nục tại cơ sở kinh doanh của bà Lê Thị Thuộc, thị trấn Cửa Tùng, có hàm lượng phenol là 0,037mg/kg, mỗi ngày chỉ có một vài chuyến tàu cập cảng.

Các thương lái cho biết, từ sau khi biết được thông tin về việc phát hiện chất phenol trong cá nục, người dân không mua cá, các tàu thuyền không cập cảng cá nữa. Bà Trần Thị Hoa, ở khu phố An Đức 2, thị trấn Cửa Tùng âu lo, sau khi biết được thông tin về cá nhiễm độc, hầu hết các tàu cá không cập cảng cá như mọi hôm. Việc mua bán hải sản bị ngưng trệ, người dân hoang mang lo lắng. Gia đình tôi làm nghề biển nhưng sáng nay, thuyền cập bến mà không có ai mua cá, đem lên chợ cũng không bán được.

Thị trường hải sản ế ẩm kể từ khi Sở Y tế tỉnh Quảng Trị phát hiện chất phenol trong lô cá nục tại cơ sở kinh doanh của bà Lê Thị Thuộc

Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Tùng cho biết, thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cùng sự chia sẻ từ cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội… bà con ngư dân Quảng Trị đã dần vượt qua khó khăn sau sự cố sinh vật biển chết dọc ven biển miền Trung. Đặc biệt, thị trường hải sản dần ổn định kể từ khi Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh kiểm định, cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản xa bờ. Thế nhưng, kể từ khi thông tin cá nục nhiễm độc phenol được công bố rộng rãi thì không chỉ riêng loại cá này mà các loài cá khác cũng bị vạ lây vì người tiêu dùng lo ngại không sử dụng. Ngư dân không thể ra khơi vì không bán được cá. Rất mong cấp trên sớm kiểm nghiệm và đưa ra kết luận chính thức để người tiêu dùng yên tâm sử dụng hải sản, giúp bà con ngư dân tiếp tục sản xuất.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP vào chiều 14-6, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, ngành y tế và nông nghiệp của địa phương hiện chưa thống nhất, phenol là chất được phép hay không được phép có trong thực phẩm nên UBND tỉnh đã có công văn hỏa tốc, gửi Bộ Y tế, Bộ KH-CN, Bộ NN-PTNT và Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam xem xét, chỉ đạo cụ thể về việc xử lý lô cá nục đông lạnh có hàm lượng phenol là 0,037mg/kg mà ngành y tế địa phương trước đó phát hiện tại cơ sở kinh doanh của bà Lê Thị Thuộc, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh. Việc Sở Y tế cung cấp thông tin cho báo chí cùng lúc gửi báo cáo lên UBND tỉnh về kết quả phát hiện chất phenol trong lô 30 tấn cá nục đông lạnh tại cơ sở kinh doanh của bà Lê Thị Thuộc là có phần vội vàng. Đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến đời sống, tâm lý của nhiều người dân nên khi công bố phải thận trọng, đảm bảo tính chuẩn xác theo yêu cầu khoa học. Tỉnh đã phê bình lãnh đạo Sở Y tế về sự vội vàng này. Hiện lô cá trên mới chỉ được Sở Y tế Quảng trị có tờ trình lên UBND Quảng Trị đề nghị tiêu hủy, chứ chưa có quyết định tiêu hủy.

Cũng theo ông Chính, thông tin cá nục nhiễm phenol ít nhiều đã ảnh hưởng đến tình hình khai thác, kinh doanh thủy hải sản tại địa phương. Trước mắt, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức lấy thêm mẫu từ lô cá nục trên đi kiểm nghiệm và niêm phong lô hàng theo quy định trong thời gian chờ xử lý. Đồng thời đang tích cực vận động các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội chung tay giúp đỡ ngư dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi sự cố cá chết.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục