Vụ chìm tàu Khu du lịch Dìn Ký - Chưa đề nghị khởi tố bị can

  • Tạm giữ hình sự 2 nhân viên tàu

(SGGP).- Chiều qua 24-5, trao đổi với PV Báo SGGP, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam cho biết: Ngày 24-5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương mới chính thức ký quyết định tạm giữ hình sự trong 3 ngày 2 nhân viên tàu du lịch Dìn Ký gồm: Lê Văn Đức, nhân viên tạp vụ - mặc dù không có bằng lái nhưng vẫn điều khiển chiếc tàu trong lúc trời đang dông bão và Lao Văn Quang - người quản lý bến tàu.

Trước đó, ngay khi vụ việc xảy ra, để phục vụ công tác điều tra, Công an tỉnh Bình Dương đã bắt khẩn cấp 2 nhân viên trên (không phải tạm giữ hình sự như báo chí đã đưa). Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương cũng chưa có đề nghị gửi Viện KSND tỉnh phê chuẩn lệnh khởi tố, bắt tạm giam 2 nhân viên trên.

Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan pháp luật củng cố hồ sơ, điều tra, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ tai nạn chìm tàu Khu du lịch Dìn Ký trên địa bàn xã Bình Nhâm, thị xã Thuận An.

Cũng theo ông Trần Văn Nam, những ngày qua Doanh nghiệp Dìn Ký đã phối hợp tốt với các các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương trong việc cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra và khắc phục hậu quả vụ việc, cũng như tập trung mọi nguồn lực đưa thi thể các nạn nhân về quê mai táng và hỗ trợ, chia sẻ những khó khăn cho gia đình của họ. Riêng gia đình 4 nạn nhân là người Trung Quốc đã yêu cầu được bồi thường 11.000 USD/nạn nhân. Doanh nghiệp Dìn Ký đã đưa trước 8.000 USD/nạn nhân.

Cũng trong chiều qua 24-5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam đã ký chỉ thị số 13/CT-UBND về tăng cường công tác kiểm tra, quản lý đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bình Dương; kiên quyết xử lý những bến bãi không có giấy phép hoạt động, vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông đường thủy nội địa, các phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa không có đăng ký kinh doanh, không đăng kiểm kỹ thuật, thuyền viên, người lái phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn.

Trước đó, vào sáng qua 24-5, lực lượng chức năng đã trục vớt chiếc tàu bị chìm tối 20-5. Khi tàu vừa được nâng lên khỏi mặt nước, tàu lại chìm xuống gần nửa thân do thủy triều dâng lên quá cao. Dự kiến, hôm nay 25-5, tàu sẽ được kéo về cảng Bà Lụa để các cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm, thu thập thông tin phục vụ công tác điều tra.

H.Nam

  • TPHCM: nhiều tàu vi phạm ATGT đường thủy

Tối 24-5, lực lượng Thanh tra giao thông đường thủy (Sở GTVT TPHCM) phối hợp với Cảnh sát Giao thông đường thủy TPHCM kiểm tra các tàu nhà hàng nổi trên sông Sài Gòn. Tàu Bến Nghé neo đậu tại cảng du lịch Bạch Đằng (kinh doanh dịch vụ ăn uống) có đầy đủ giấy tờ theo quy định và các phương tiện cứu sinh, áo phao đều đủ tiêu chuẩn. Trước đó, đoàn đã kiểm tra tàu SG 0168, đang neo đậu tại bến Bạch Đằng (quận 1). Theo giấy phép, tàu này được phép chở 350 hành khách, nhưng số ao phao tại thời điểm kiểm tra trên boong chỉ có 210 chiếc. Áo phao trên tàu được bọc trong bịch ni lông và không để đúng nơi quy định. Tàu đang hoạt động trong tình trạng không có giấy phép Bến thủy nội địa.

Theo Phòng Cảnh sát đường thủy TPHCM trong 4 tháng đầu năm 2011, đơn vị đã phát hiện và lập biên bản hơn 18.000 vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy, trong đó có hơn 1.200 trường hợp tái vi phạm. Đoàn phát hiện 4 trường hợp sử dụng bằng giả để điều khiển phương tiện tàu thuyền, tước quyền sử dụng bằng (có thời hạn) 5 trường hợp và tạm giữ nhiều phương tiện đường thủy không đảm bảo an toàn. Được biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn TPHCM đã xảy ra 4 vụ tai nạn đường thủy.

Q.Hùng

  • Tổng kiểm tra tàu du lịch và nhà nổi trên toàn quốc

(SGGP).- Ngày 24-5, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị các tỉnh, TP trực thuộc trung ương tăng cường kiểm tra hoạt động chở khách du lịch trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, UBND các tỉnh, TP chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tăng cường kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về hoạt động vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa, trong đó trọng tâm kiểm tra là các phương tiện tàu gỗ, tàu du lịch nhiều tầng, nhà nổi. Bộ GTVT cũng yêu cầu các cơ quan chức năng địa phương kiên quyết đình chỉ các phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, người điều khiển phương tiện không có đủ chứng chỉ chuyên môn theo quy định, các bến khách có chở khách du lịch hoạt động trái phép, đồng thời khuyến cáo các doanh nghiệp vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa cần cập nhật thông tin về thời tiết, dự phòng các diễn biến bất thường của thời tiết để có các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.

Theo thống kê của Bộ GTVT, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đường thủy liên quan đến tàu chở khách du lịch, nhà nổi. Đó là vụ chìm nhà nổi 2 tầng Mỹ Khánh (Cần Thơ) ngày 8-1, làm 2 người bị thương; vụ chìm tàu du lịch Trường Hải (Hạ Long) ngày 17-2, làm chết 12 người; gần nhất là vụ chìm tàu Dìn Ký trên sông Sài Gòn ngày 20-5 làm chết 16 người. Nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn đang được cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ nhưng những thông tin điều tra ban đầu cho thấy việc không tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông đối với phương tiện thủy nội địa là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn.

B.Quyên

Vụ chìm tàu Khu du lịch Dìn Ký (Bình Dương)

- Đình chỉ hoạt động bến tàu và nhà hàng Dìn Ký

- Chủ doanh nghiệp tư nhân Dìn Ký Châu Hoàn Tâm: Tôi xin nhận trách nhiệm vụ chìm tàu du lịch Dìn Ký

- Khởi tố vụ án chìm tàu du lịch nhà hàng Dìn Ký

- Mở rộng điều tra vụ án chìm nhà hàng du thuyền Dìn Ký (Bình Dương)

Tin cùng chuyên mục