(SGGPO).- Ngày 6-10, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ chuyển nhượng đất đai trái phép xảy ra tại Công ty Xây dựng Gò Vấp (sau đổi tên thành Công ty Địa ốc Gò Môn, nay là Công ty Cổ phần Địa ốc 6).
Theo bản án sơ thẩm, Phạm Thị Tuyết Lan đã cấu kết với một số lãnh đạo quận Gò Vấp và Công ty Xây dựng Gò Vấp (trong đó có Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Trần Kim Long) lập thủ tục hợp thức hóa hai hợp đồng chuyển nhượng hơn 11 ha đất tại phường 12 quận Gò Vấp trái pháp luật nhằm nâng giá đất cao hơn nhiều so với thực tế chuyển nhượng; qua đó chiếm đoạt của Công ty Xây dựng Gò Vấp hơn 16,6 tỷ đồng.
Về phần Nguyễn Văn Tính, với vai trò là Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch HĐND quận Gò Vấp, khi tiếp nhận đơn tố cáo của một cá nhân về việc sang nhượng đất trái phép trên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của quận xác minh. Nhưng sau khi nhận được báo cáo cụ thể sai phạm của các bị cáo trên từ VKSND quận, Tính không những không tiếp tục xử lý ngăn chặn hành vi chuyển nhượng đất đai trái pháp luật đang diễn ra mà còn sử dụng kết quả này để khống chế và ban ơn cho đối tượng sai phạm, nhờ vậy đã được “trả ơn” 800 triệu đồng.
Tháng 6-2010, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Phạm Thị Tuyết Lan mức án 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”, 5 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” (tổng hợp hình phạt là 25 năm tù); Trần Kim Long 13 năm tù về tội “Đưa hối lộ”, 13 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” (tổng hợp hình phạt là 26 năm tù); Nguyễn Văn Tính 13 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Sau phiên xử sơ thẩm, các bị cáo Lan, Long và Tính làm đơn kháng cáo. Viện trưởng VKSND TPHCM cũng có văn bản kháng nghị đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo hướng thêm tội danh “Nhận hối lộ” đối với Long và tăng nặng hình phạt đối với hai bị cáo Lan, Long.
Tại phiên xử phúc thẩm, bị cáo Lan vẫn giữ nguyên kháng cáo kêu oan, cho rằng mình không đưa hối lộ cho ai, cũng không có thỏa thuận chia chác gì để được thuận lợi trong phi vụ chuyển nhượng hơn 11 ha đất; việc mua bán đất không có gì sai.
Tương tự, bị cáo Long một mực cho rằng mình không phạm các tội mà bản án sơ thẩm đã tuyên. Số tiền 250 triệu đồng nhận từ Dương Công Hiệp (nguyên Phó Phòng Quản lý đô thị quận Gò Vấp, bị tuyên phạt 14 năm tù về hai tội “Đưa hối lộ” và “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai”, không kháng cáo) là tiền đền bù giải tỏa một mảnh đất của gia đình bị cáo trong một dự án, Hiệp nhận giùm rồi đưa lại.
Trong khoản tiền 290 triệu đồng nhận từ Lê Minh Châu (nguyên Giám đốc Công ty Xây dựng Gò Vấp, bị tuyên phạt 28 năm tù về hai tội “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ”, không kháng cáo), có 60 triệu đồng là tiền Châu cho mượn để sửa nhà, còn 230 triệu đồng là khai theo gợi ý của điều tra viên chứ thực tế không nhận. Hành vi của mình chỉ phạm vào tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” mà thôi. Tuy nhiên, khi được gọi lên đối chất, Hiệp và Châu cùng khẳng định số tiền trên Lan nhờ đưa để “cám ơn” Long đã dùng chức vụ, quyền hạn của mình tác động Công ty Xây dựng Gò Vấp chuyển nhượng đất trái pháp luật với Lan cũng như ký hồ sơ hợp pháp hóa việc chuyển nhượng này.
Đối với việc đưa 20 triệu đồng và 30.000 USD nhờ Nguyễn Minh Hoàng “chạy án” để vụ việc không bị xử lý hình sự sau khi Thanh tra Chính phủ và Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an TPHCM vào cuộc thanh tra, điều tra, tuy Long không thừa nhận nhưng từ lời khai của Lê Minh Châu, Hồ Tùng Lâm (nguyên Phó Giám đốc Công ty Xây dựng Gò Vấp, bị tuyên phạt 20 năm tù về hai tội “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, không kháng cáo) cho thấy Long đóng vai trò chủ mưu, chỉ đạo thực hiện.
Về khoản tiền 131 triệu đồng cước phí điện thoại di động mà Công ty Xây dựng Gò Vấp thanh toán thay cho mình từ giữa năm 1996 đến hết tháng 12-2004, bị cáo Long cho rằng Nhà nước không phải mất số tiền lẽ ra phải thanh toán (vì bị cáo có tiêu chuẩn được Nhà nước thanh toán cước phí điện thoại để xử lý công việc), mình không hưởng lợi gì nên không phạm tội.
Riêng bị cáo Tính chỉ xin được giảm nhẹ mức án vì có thêm hai tình tiết giảm nhẹ mới là đã khắc phục hậu quả ngay khi vụ án bị khởi tố, cha vợ là liệt sĩ.
Phát biểu quan điểm luận tội, đại diện VKSND Tối cao tại TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng đây là vụ án nghiêm trọng, có quy mô, có tổ chức, số tiền phạm tội đặc biệt lớn, trong số các bị cáo có những người giữ quyền hạn cao nhất của quận Gò Vấp bị tha hóa nên đã làm ảnh hưởng lòng tin của người dân vào cơ quan Nhà nước. Số tiền bị cáo Lan đưa hối lộ tổng cộng hơn 2,5 tỷ đồng, nhưng bản án sơ thẩm chỉ tuyên 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ” là chưa tương xứng với hành vi phạm tội.
Riêng bị cáo Long, hành vi nhận số tiền 540 triệu đồng từ Hiệp, Châu đã phạm vào tội “Đưa hối lộ”. Việc tòa án cấp sơ thẩm nhập hành vi này chung với hành vi hưởng lợi từ việc Công ty Xây dựng Gò Vấp thanh toán 131 triệu đồng cước phí hai số điện thoại di động cho Long và xét xử chung về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” là không đúng.
Từ quan điểm này, công tố viên đề nghị HĐXX bác kháng cáo kêu oan của hai bị cáo Lan và Long, chấp nhận kháng cáo xin giảm hình phạt của bị cáo Tính và kháng nghị của Viện trưởng VKSND TPHCM. Cụ thể: giảm cho bị cáo Tính xuống còn 12 năm tù giam; tăng hình phạt đối với Lan về tội “Đưa hối lộ” lên thành tù chung thân; hủy một phần bản án sơ thẩm về các hành vi nhận 540 triệu đồng, hưởng lợi 131 triệu đồng, chỉ đạo đưa hối lộ 20 triệu đồng và 30.000 USD để “chạy án”, giao về cho tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại.
Buổi chiều, phiên tòa tiếp tục làm việc với phần bào chữa của các luật sư.
ÁI CHÂN
Vụ chuyển nhượng đất trái phép ở quận Gò Vấp: |
- Bị cáo Lan thừa nhận có đưa phong bì - Mượn tiền nhưng chưa kịp trả?! - Các bị cáo đồng loạt phản cung - Sáng 8-6, xét xử lại vụ sang nhượng đất trái phép tại Gò Vấp - Nguyên lãnh đạo quận Gò Vấp “tái” hầu tòa - Đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm |