Vụ giáo viên bị bắt quỳ: Bộ GD-ĐT đề nghị bảo vệ danh dự nhà giáo

Chiều 6-3, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Long An về vụ giáo viên bị bắt quỳ.

Theo đó, Bộ GD-ĐT đề nghị UBND tỉnh Long An chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử văn hóa, xây dựng môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh trong các cơ sở giáo dục; có các giải pháp bảo vệ danh dự, uy tín của nhà giáo, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của địa phương nói riêng, cả nước nói chung.

Trước đó, theo báo cáo nhanh của ngành giáo dục tỉnh Long An, ngày 28-2, cô giáo Bùi Thị Cẩm Nhung, Trường tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã bị một số phụ huynh ép phải quỳ gối xin lỗi ngay tại trường.

Sự việc này đã tác động xấu tới hoạt động giáo dục của trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tự trọng, danh dự của nhà giáo và truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta.

Theo ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT, về nguyên tắc, nếu giáo viên sai so với quy định hiện hành thì phải nhận trách nhiệm và có hình thức xử lý phù hợp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, bất kể hình thức làm nhục, xúc phạm danh dự, ảnh hưởng đến danh dự nghề nghiệp của người giáo viên cũng là vi phạm nhân quyền và cần phải lên án, thậm chí có hình thức xử lý nếu như vi phạm pháp luật.

Tôn trọng nhân cách nhà giáo

Liên quan đến việc một giáo viên phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh vừa xảy ra tại Trường Tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), chiều 5-3, TS Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết,vụ việc đáng tiếc vừa qua một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những sai lầm nghiêm trọng gây ảnh hưởng truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp ngàn đời của dân tộc. “Cá nhân tôi cho rằng hành vi của nhóm phụ huynh quá khích tạo áp lực khiến giáo viên phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh là không thể chấp nhận, gây tổn thương lâu dài cho bản thân giáo viên đó và nhiều giáo viên khác trong trường”, TS Nguyễn Thị Mai Hoa bày tỏ. 

Mặc dù giáo viên bắt học sinh quỳ gối trên lớp là hành vi chưa đúng với chuẩn mực sư phạm, có thể gây tổn thương học sinh, nhưng cách hành xử của phụ huynh sau đó là sai về mặt quy tắc ứng xử vì đã can thiệp thô bạo vào hoạt động giáo dục trong nhà trường. Với kinh nghiệm nhiều năm công tác và nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục, TS Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng hình thức xử phạt học sinh là điều mỗi giáo viên phải cân nhắc khi giáo dục học sinh, giúp các em phát triển và hoàn thiện nhân cách. Sự việc đau lòng nói trên là bài học lớn cho cả giáo viên và những nhà quản lý giáo dục. Hậu quả của nó không chỉ là việc giáo viên có thể phải chịu các hình thức xử lý kỷ luật từ đơn vị, phụ huynh bị xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự (phụ thuộc kết quả của cơ quan điều tra là hành vi của phụ huynh có dấu hiệu “làm nhục người khác” hay không - PV), mà còn gây ảnh hưởng lâu dài, tổn thương mối quan hệ tình cảm giữa giáo viên với phụ huynh, tổn hại hình ảnh giáo viên trong lòng học trò. TS Mai Hoa khẳng định, việc cần làm bây giờ là ổn định tâm tư, tình cảm của học sinh trong những buổi học tiếp theo - nhất là những học sinh có phụ huynh vào trường tham gia vụ việc, không để các em bị ảnh hưởng quan hệ tình cảm với bạn bè, với những giáo viên khác và đặc biệt với chính cô giáo quỳ gối trong vụ việc vừa qua. 

Đồng quan điểm, Th.S Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, cho rằng mục tiêu của giáo dục là cung cấp đầy đủ kiến thức, hành trang cho học sinh để các em vững bước vào đời. Yêu cầu này đòi hỏi từ cả hai phía, gia đình và nhà trường phải có sự phối hợp tốt trong giáo dục và rèn luyện nhân cách cho học sinh. Đối với việc căng thẳng giữa phụ huynh và giáo viên ở Long An, Th.S Lê Tuấn Tứ mong các phụ huynh hãy chấp nhận lời xin lỗi của giáo viên để hai bên cùng thống nhất phương pháp giáo dục học sinh hiệu quả và phù hợp. Qua đây, người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh Khánh Hòa cũng khẳng định đã đến lúc ngành giáo dục cần định hướng lại một cách đúng đắn về mối quan hệ giữa thầy - trò, quan hệ giữa giáo viên với phụ huynh và giữa các giáo viên là đồng nghiệp trong cùng môi trường sư phạm. Chỉ khi làm được điều đó mới không xảy ra chuyện đau lòng như vừa qua, giúp trường học trở thành hình ảnh tốt đẹp, tích cực trong lòng nhiều thế hệ học trò. 
THU TÂM

Tin cùng chuyên mục