Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Bộ Công an vừa bắt giữ Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Phương Đông) để điều tra làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều tổ chức và cá nhân. Bằng “miếng mồi” lãi suất từ 5 đến 7,5%/tháng, Như đã huy động vốn với số tiền được xác định ban đầu lên đến hàng trăm tỷ đồng, sau đó không có khả năng chi trả. Dưới đây là ý kiến phân tích pháp lý của một số luật sư về hành vi của Như.
- Luật sư TRẦN NGỌC QUÝ (Đoàn Luật sư TPHCM): Quan hệ giao dịch nhiều rủi ro
Trường hợp này có thể xem là bài học đắt giá trong các quan hệ giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại trong đời sống xã hội. Xuất phát từ nhu cầu tâm lý ham lãi suất cao, cho vay với lãi suất lên đến 7-8%/tháng cộng với sự “bảo đảm” bằng uy tín cá nhân, trả lãi sòng phẳng trong những tháng đầu, đã tạo nên sự mất cảnh giác của các nạn nhân.
Dưới góc độ pháp lý, việc vay mượn nợ với lãi suất cao như trên hoàn toàn không phù hợp quy định pháp luật. Vì theo quy định tại khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
Việc cho vay mượn với lãi suất cao dựa trên sự quen biết, uy tín, tin tưởng lẫn nhau mà không tiến hành việc công chứng hợp đồng vay, thế chấp bảo lãnh tài sản, đã chứa đựng nhiều rủi ro không thể lường hết đối với tài sản giao dịch. Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán việc quản lý, tạo ưu đãi tối đa cho khách hàng trong quá trình hoạt động kinh doanh, dù là khách hàng VIP, cũng đều phải tuân thủ các quy định của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Hành vi của bà Huỳnh Thị Huyền Như qua các thông tin được đăng tải trên báo chí đã có nhiều dấu hiệu phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thuộc trường hợp tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
- Luật sư NGUYỄN THÀNH CÔNG (Công ty Đông Phương Luật – Đoàn Luật sư TPHCM): Cần xác định tính chất các khoản vay
Theo các thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, ban đầu có thể xác định hành vi của bà Huỳnh Thị Huyền Như có dấu hiệu phạm vào một trong hai hoặc cả hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Hai tội này cùng mục đích là chiếm đoạt tài sản nhưng khác nhau ở thủ đoạn gian dối xảy ra ở thời điểm nào.
Cụ thể, nếu bà Như dùng bộ hồ sơ vay vốn ngân hàng với các giấy tờ thế chấp giả, cũng như dùng sổ cổ đông/giấy chứng nhận cổ phiếu giả để người cho vay tiền tin rằng đó là thật, từ đó họ tin tưởng cho vay/mượn tiền thì đó là hành vi lừa đảo. Còn sau khi bà Như yêu cầu vay/mượn và nhận tiền xong, khi chủ nợ đòi, bà Như giao các giấy tờ giả để thể hiện khả năng có thể trả được nợ, nhưng sau đó không trả được nợ, đó là hành vi lạm dụng tín nhiệm. Những hành vi này sẽ bị xử lý hình sự.
Tuy nhiên, những người bị hại cũng nên xem kỹ lại quan hệ với bà Như. Bởi không phải toàn bộ số tiền vay/mượn mà bà Như đã nhận đều là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, mà trong đó có thể có những khoản tiền chỉ là quan hệ giao dịch dân sự. Đó là các trường hợp thỏa thuận mượn tiền hoặc vay tiền lấy lãi với bà Như dựa trên sự tín chấp; hoặc vay/mượn tiền bằng giấy tờ rõ ràng, có định ngày trả, không có tài sản giả thế chấp.
Ngoài ra có thể xem xét đến các quan hệ hợp tác kinh doanh giữa bà Như với những người giao tiền cho bà nhằm cùng thực hiện dịch vụ cho vay đáo hạn. Trường hợp bà Như chứng minh có thực hiện dịch vụ đáo hạn, có người thật, việc thật và những người này giao tiền nhằm hợp tác làm dịch vụ đáo hạn thì cũng chỉ là các quan hệ dân sự. Nếu thấy quyền lợi của mình bị xâm hại, họ chỉ có thể khởi kiện vụ án dân sự đối với bà Như.
Ái Chân ghi
- Bắt giữ đối tượng lừa đảo tín dụng