Vũ khí tương lai

Tăng cường vũ khí không người điều khiển
Vũ khí tương lai

Trong 3 thập kỷ tới, các binh sĩ Mỹ có thể sẽ được thay bằng những robot tự định đoạt sự sống chết của kẻ địch hoặc tham gia trực chiến mà không cần con người điều khiển nhờ vào những phần mềm và “siêu” máy tính. Điều hoàn toàn có thể xảy ra này đã và đang tiến triển rất nhanh, nhưng lại tỷ lệ nghịch với sự cân nhắc đạo đức về chiến tranh robot.

Không quân Mỹ đang kiểm tra giao diện điều khiển máy bay không người lái tại phòng thí nghiệm căn cứ không quân Wright Patterson ở Dayton, bang Ohio.

Không quân Mỹ đang kiểm tra giao diện điều khiển máy bay không người lái tại phòng thí nghiệm căn cứ không quân Wright Patterson ở Dayton, bang Ohio.

Tăng cường vũ khí không người điều khiển

Theo Digital Trends, gần đây quân đội Mỹ đang phát triển loại đạn tự dẫn đường, có thể xoáy, đảo chiều và bay xa khoảng 1,6km trước khi bắn trúng mục tiêu. Học giả của Viện Brookings Peter Singer, chuyên gia nghiên cứu robot quân sự cho rằng công nghệ tương tự như thế đang phát triển theo cấp số nhân. Chủ đề này đang được tranh luận gay gắt trong giới chuyên gia, khi mà Lầu Năm Góc vừa tuyên bố kế hoạch cắt giảm 100.000 binh lính và tăng cường các đội máy bay không người lái trên toàn cầu.

Máy bay không người lái là loại vũ khí hiệu quả nhất của Mỹ trong việc tìm diệt các mục tiêu. Ở hiện tại, mệnh lệnh cho chúng vẫn được các phi công Mỹ điều khiển tại căn cứ quân sự. Nhưng các nhà hoạch định chiến lược quân sự Mỹ đã nhìn thấy tương lai của chương trình máy bay không người lái trong bản báo cáo dài 82 trang của Không lực Hoa Kỳ. Với tiêu đề “Kế hoạch hệ thống máy bay không người lái giai đoạn 2009-2047”, báo cáo này nói rằng, những tiến bộ trong việc phát triển AI (trí thông minh nhân tạo) sẽ cho phép hệ thống đưa ra quyết định tấn công hay hoạt động trong sự ràng buộc về chính sách và pháp lý mà không cần đến con người.

Thay vì hỗ trợ con người trong cái mà quân đội Mỹ gọi là vòng lặp OODA (quan sát, định hướng, quyết định và hành động), thì máy bay không người lái tương lai có thể tự định đoạt tất cả các bước của tiến trình này. Khi đó, con người sẽ không còn tham gia vòng lặp này nữa mà chỉ còn thực hiện bước cuối cùng là hủy bỏ lệnh tấn công nếu cần thiết, nhưng lệnh này bị giới hạn trong thời gian nhất định trên chiến trường.

Máy bay không người lái chỉ là một phần trong hệ thống vũ khí không cần con người điều khiển của Mỹ. Các chuyên gia nhận định đội bay hiện nay của Mỹ chỉ là “hàng tồn kho” trong 1 thập kỷ qua, giai đoạn công nghệ này phát triển bùng nổ. Ngoài ra còn phải kể đến đội robot gỡ bom hoặc tự bắn hạ các loại đạn pháo để hỗ trợ những binh sĩ bị thương. Đến nay, đội bay không người lái của Mỹ tăng hơn 7.500 đơn vị và số robot cũng đạt xấp xỉ 15.000.

Câu hỏi pháp lý và đạo đức

Báo cáo trên kết luận rằng “Việc ủy quyền cho máy tính đưa ra quyết định chiến đấu gây thương vong chỉ có thể được áp dụng sau khi các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự giải quyết được các câu hỏi pháp lý và đạo đức”. Quyết định này phải đưa ra sớm để thống nhất con đường phát triển loại vũ khí chiến lược này trong tương lai. Hiện nhiều nhà khoa học dân sự, đạo đức học và các chuyên gia robot lo sợ sẽ tạo tiền đề để những robot vô cảm dễ dàng tham gia vào các cuộc chiến tương lai của loài người.

Trong một bài viết trên tờ New York Times mới đây, tác giả Singer cho rằng: “Chúng ta (người Mỹ) đang có một công nghệ loại bỏ rào cản chính trị cuối cùng của chiến tranh. Sự hấp dẫn mạnh nhất của loại vũ khí này là chúng ta không còn lo sợ con cái mình dấn thân vào chiến trường nguy hiểm. Đối với các chính trị gia, họ có thể tránh được hậu quả chính trị từ con số binh sĩ thương vong do các phương tiện truyền thông gây áp lực”.

Theo quan điểm của Ủy ban quốc tế về kiểm soát robot (ICRAC) - tổ chức được lập năm 2009 để bảo đảm tranh luận quốc tế về quy định robot quân sự, cuộc cách mạng robot quân sự ngày càng xóa mờ tranh luận về tác hại của khí độc hoặc bom mìn. Vì nếu được áp dụng, con người sẽ bớt lo ngại về 2 thứ đáng sợ này. Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế cũng bắt đầu thống kê lại những tác động của robot trong những cuộc chiến quá khứ. Nhưng ủy ban này khẳng định không mong đợi gì từ chính quyền của Tổng thống Barack Obama, người đã chủ trì nhiều cuộc không kích bằng máy bay không người lái trên lãnh thổ Pakistan kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2009.

Nếu kế hoạch quân đội Mỹ sớm thành hiện thực, các chiến lược quân sự được triển khai khắp nơi của Mỹ sẽ chiếm ưu thế trong thời gian không ngắn, đặc biệt trong bối cảnh các nước đang chạy đua vũ trang như hiện nay.

Thanh Hải (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục