Vụ kiện truyền đời

Khi cho ông Lý Nhi Hạnh thuê căn nhà số 13 và 15 đường Hậu Giang (quận 6) vào năm 1956, hẳn cụ Huỳnh Thị Dậu không ngờ rằng đến hết đời cũng chưa thể đòi lại được nhà của mình.
Vụ kiện truyền đời

Khi cho ông Lý Nhi Hạnh thuê căn nhà số 13 và 15 đường Hậu Giang (quận 6) vào năm 1956, hẳn cụ Huỳnh Thị Dậu không ngờ rằng đến hết đời cũng chưa thể đòi lại được nhà của mình.

Hơn 30 năm kiện đòi nhà

Đây là hai căn nhà do cụ Huỳnh Thị Dậu cùng chồng tạo lập. Năm 1972, hết hạn hợp đồng cho thuê nhà, cụ Dậu đòi lại nhà nhưng ông Hạnh không trả. Căn nhà 13 Hậu Giang bị ông Hạnh cho người khác thuê lại. Sau giải phóng, người thuê nhà từ ông Hạnh vượt biên sang nước ngoài, căn nhà 13 Hậu Giang được Nhà nước giao trả lại cụ Dậu.

Việc giải quyết vụ kiện đòi căn nhà 15 Hậu Giang quận 6đã kéo dài 33 năm

Vì ông Hạnh vẫn không trả căn nhà 15 Hậu Giang, năm 1983 cụ Dậu nộp đơn khởi kiện đòi nhà. Phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm đầu tiên, cả Tòa án Nhân dân (TAND) quận 6 và TAND TPHCM đều tuyên cụ Dậu thắng kiện, buộc ông Hạnh trả lại nhà. Thế nhưng đến năm 1988, Tòa Dân sự TAND tối cao xử giám đốc thẩm, quyết định hủy cả hai bản án trước đó và giao cho TAND TPHCM xét xử lại. Bắt đầu từ lúc này, cụ Dậu mỏi mòn hành trình đáo tụng đình đòi lại tài sản của mình khi vụ kiện được TAND TPHCM và TAND tối cao xử đi xử lại nhiều lần. Sau khi cụ Dậu qua đời vào năm 2001, con cháu của cụ tiếp tục “kế thừa di sản” đòi nhà. Tổng cộng, vụ kiện trải qua 3 lần xét xử sơ thẩm, 4 lần xét xử phúc thẩm, 4 lần kháng nghị, 3 lần giám đốc thẩm nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Những tưởng bản án số 1197 ngày 16-8-2010 của TAND TPHCM công nhận căn nhà 15 Hậu Giang thuộc về cụ Dậu là kết thúc có hậu đối với gia đình cụ, tuy nhiên vụ kiện lại trở về điểm xuất phát khi tháng 1-2011, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM một lần nữa tuyên hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm điều tra, xác minh và xét xử lại.

Án không có điểm dừng

Hơn 5 năm kể từ lúc Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM tuyên hủy bản án sơ thẩm số 1197, vụ kiện vẫn chưa được đưa ra giải quyết. Năm 2014 và năm 2015, TAND TPHCM mời hai bên lên để tiến hành đối chất, làm rõ những chi tiết trong vụ việc. Tuy nhiên, không hiểu vì sao đến bây giờ tòa án chưa mở phiên xử lại. Tại các buổi đối chất, ngoài việc khẳng định căn nhà 15 Hậu Giang là của cụ Dậu, con cháu cụ bày tỏ thiện chí hỗ trợ phía bên kia rời khỏi nhà bằng cách đồng ý chuyển nhượng quyền sử dụng một mảnh đất thổ cư diện tích 89,3m2 tại phường An Lạc quận Bình Tân TPHCM đang đứng tên cháu nội cụ Dậu sang cho phía con cháu ông Hạnh. Đề nghị này bị từ chối và vụ kiện tiếp tục kéo dài.

Kỷ lục án đòi nhà cho thuê của cụ Dậu là điển hình cho tình trạng án không có điểm dừng. Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thành Công, Công ty Đông Phương Luật, Đoàn Luật sư TPHCM nhận xét: “Đây là điểm bất cập của các quy định pháp luật. Sự trì trệ, thủ tục tố tụng rườm rà cũng như việc chậm thực thi cải cách hệ thống tư pháp một cách triệt để đã không đảm bảo được thời gian giải quyết một vụ án mà Bộ luật Tố tụng Dân sự đã quy định. Từ đó kéo dài thời gian giải quyết vụ án, không chỉ gây thiệt hại cho đương sự mà còn làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật”.

Cách giải quyết vụ án của các cơ quan có thẩm quyền đã khiến một gia đình có công với cách mạng tại TPHCM (chồng cụ Dậu tham gia kháng chiến, hy sinh năm 1947, được Nhà nước công nhận là liệt sĩ) phải đội đơn đi kiện từ đời này sang đời khác để đòi lại chính căn nhà mà mình cho thuê.

THANH TÂM

Tin cùng chuyên mục