Vụ người Trung Quốc nuôi cá trên vịnh Cam Ranh - Chấn chỉnh quản lý nuôi trồng hải sản

Ngày 7-6, người phát ngôn UBND TP Cam Ranh (Khánh Hòa) cho biết, thành phố đã chính thức gửi báo cáo lên UBND tỉnh Khánh Hòa về việc người Trung Quốc (TQ) hoạt động bất hợp pháp tại vịnh Cam Ranh. Hiện nay, 7 lao động người TQ hoạt động trái phép tại Cam Ranh đã nộp phạt và về nước theo đường xuất nhập cảnh thông thường.

Ngày 7-6, người phát ngôn UBND TP Cam Ranh (Khánh Hòa) cho biết, thành phố đã chính thức gửi báo cáo lên UBND tỉnh Khánh Hòa về việc người Trung Quốc (TQ) hoạt động bất hợp pháp tại vịnh Cam Ranh. Hiện nay, 7 lao động người TQ hoạt động trái phép tại Cam Ranh đã nộp phạt và về nước theo đường xuất nhập cảnh thông thường.

  • Cấp phép tùy tiện

Tổng hợp báo cáo mới nhất của Công an TP Cam Ranh, trên địa bàn có 5 bè nuôi trồng thủy sản sử dụng lao động TQ. Theo thống kê, có 7 lao động TQ hoạt động từ lâu ở đây. Người TQ có thâm niên làm việc tại Việt Nam lâu nhất (hơn 10 năm) là A Yóc (tên thật là Chen Yue Ming), ông này cũng không có giấy phép lao động. Chuyện lao động TQ hoạt động gần như tự do cả chục năm qua trên vịnh Cam Ranh và một số vùng biển khác tại Khánh Hòa, Phú Yên, cho thấy lỗ hổng lớn về việc quản lý, phối hợp quản lý.

Liên quan đến vụ việc một số doanh nghiệp nuôi trồng hải sản hoạt động trái phép tại Cam Ranh, thực chất là của người TQ “núp bóng” người Việt thì mọi người dân khu vực này đều biết rõ nhưng việc kiểm tra, giám sát bị buông lỏng.

Trước thực trạng người TQ hoạt động trên địa bàn, năm 2009, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo UBND TP Cam Ranh tiến hành kiểm tra một số bè nuôi cá trên vịnh Cam Ranh, trong đó có Công ty TNHH Song Phong (hiện nay có sử dụng 2 lao động TQ). Qua kiểm tra đã phát hiện bè nuôi cá mú này ảnh hưởng đến hệ sinh thái và làm hủy hoại môi trường nước tại vùng nuôi, công ty cũng không có giấy phép mặt nước tại vùng nuôi; sau đó, UBND TP Cam Ranh đã xử phạt 5 triệu đồng và yêu cầu chủ bè trả lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, UBND TP Cam Ranh đã không báo cáo lên UBND tỉnh Khánh Hòa, không kiểm tra đơn vị vi phạm. Thực tế, công ty này vẫn hoạt động trái phép tại đây.

Điều đáng nói là, vị trí đặt các lồng bè của Công ty Song Phong nằm trong vùng nước thuộc cảng Ba Ngòi (Cam Ranh), do cảng vụ Nha Trang tại Cam Ranh đồng ý cho neo đậu. Bên cạnh đó, dù không được cấp phép cho thuê mặt nước, nhưng ngày 8-11-2006, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa có văn bản xác nhận: “Bè cá của Công ty Song Phong đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y thủy sản, đủ điều kiện nuôi dưỡng các loại thủy sản”. Tuy nhiên, ông Lê Tấn Bản, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa - người bút phê xác nhận cho Công ty Song Phong cho biết, hiện văn bản đã ký lâu quá, cần phải rà soát lại.

Về vấn đề này, ông Võ Thiên Lăng, Chủ tịch Hội nghề cá Khánh Hòa, nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa, cho biết: “Thông thường, việc cấp phép cho hoạt động nuôi trồng hải sản trên biển thường qua nhiều khâu thẩm định rồi mới tính đến chuyện cấp phép. đáng ra, việc các đơn vị, hộ cá nhân được nuôi hải sản trên biển, trước tiên phải được cấp phép phạm vi mặt nước, sau đó mới có căn cứ, cơ sở để cấp phép nuôi trồng, cũng như cấp phép lao động”. Thế nhưng, các đơn vị chức năng từ cảng vụ, ngành thủy sản, chính quyền TP Cam Ranh đều đồng ý cho hoạt động nuôi trồng hải sản trước khi được giao mặt nước, điều này xem ra là quá tùy tiện trong cấp phép.

  • Cần chấn chỉnh

Thông tin từ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, 4 đối tượng là người TQ vừa mới bị lực lượng Biên phòng phát hiện lao động trái phép tại Nha Trang đã bỏ đi, bất chấp việc lực lượng này mời lên kiểm tra. Thông tin ban đầu, 4 người TQ này thuê một khách sạn trên địa bàn để ở và làm việc thuộc phía Bắc phường Vĩnh Hòa (TP Nha Trang). Sau khi lực lượng chức năng mời lên làm việc, những người này đã rời nơi lưu trú. Qua kiểm tra, những đối tượng này có thị thực thương mại, (có thể nhập cảnh một lần hoặc nhiều lần và có quyền làm việc tại quốc gia đến) nhưng không có giấy phép lao động.

Đại tá Hồ Thanh Tùng, Trưởng phòng Trinh sát Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa cho hay, trong số 23 đối tượng làm việc trái phép tại Khánh Hòa, nay đã có 9 đối tượng về nước, 14 người đang ở huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, TP Nha Trang… Hầu hết những người này đều không có giấy phép lao động hoặc không có giấy phép thu mua hải sản do Bộ Công thương cấp.
 

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Khắc Toàn, Bí thư Thành ủy Cam Ranh cho biết, song song với chỉ đạo chính quyền thành phố phải có báo cáo đầy đủ, Thành ủy cũng đã chỉ đạo cần tập trung làm rõ trách nhiệm từng cá nhân, tập thể. Trong đó, có yếu tố vì sao năm 2009, UBND tỉnh đã chỉ đạo xử lý việc hoạt động của các lao động TQ; UBND TP Cam Ranh, trực tiếp là Phòng kinh tế thành phố đã tiến hành kiểm tra, phát hiện sai phạm và đã xử phạt hành chính nhưng vẫn cho những người này hoạt động trên vùng vịnh?

Thế nhưng, theo ông Nguyễn Khiêm, Chánh Văn phòng UBND TP Cam Ranh: “Ngày 7-6, báo cáo đã được hỏa tốc gửi lên tỉnh, đó là báo cáo ban đầu, còn báo cáo chỉ tiết phải chờ sau ngày 15-6 - hạn chót đợt làm việc một tháng của đoàn thanh tra. Thành phố phải chờ ý kiến chỉ đạo của tỉnh, vì thế, thời điểm này chưa thể có thông tin chính xác về xử lý trách nhiệm... Tuy nhiên, quan điểm của Cam Ranh là xử lý nghiêm vụ việc này, để sớm chấn chỉnh lại việc quản lý, giám sát nuôi trồng hải sản trên biển Cam Ranh”.

VĂN NGỌC

- Thông tin liên quan:

>> Khánh Hòa: Xử phạt 7 người Trung Quốc 82 triệu đồng

>> Các bên đùn đẩy trách nhiệm

>> Về thông tin người Trung Quốc nuôi cá trên vịnh Cam Ranh - Quản lý lỏng lẻo

Tin cùng chuyên mục