Xử lý hàng giả

Vụ nhỏ: xử nghiêm, vụ lớn: bỏ ngỏ

Trong một thời gian dài, đã có nhiều tranh cãi xung quanh khái niệm hàng giả và các biện pháp xử lý chúng. Với Nghị định 06/CP (NĐ 06) do Chính phủ ban hành ngày 16-1-2008 (thay thế cho Nghị định 175 được ban hành năm 2004) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, những tranh cãi trên phần nào được giải tỏa; hơn thế, nghị định trên còn phân định khá rạch ròi ranh giới giữa hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ và các loại hàng giả khác. Tuy nhiên, những quy định về xử lý vi phạm lại gây ra nhiều lúng túng cho cơ quan thực thi, đặc biệt là lực lượng quản lý thị trường (QLTT).

“Bó tay” với vi phạm trên 30 triệu đồng?

Để phân định rạch ròi việc xử lý hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ (SHTT) và các loại hàng giả khác, NĐ 06 không quy định hình thức xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đối với hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bản sao được sản xuất mà không xin phép chủ thể quyền, tác giả quyền (không liên quan đến quyền SHTT).

Những vi phạm này sẽ áp dụng các quy định về xử phạt VPHC của các văn bản khác như Nghị định 106/CP quy định xử phạt VPHC đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, Nghị định số 56/2006/NĐ-CP về việc xử phạt VPHC trong hoạt động văn hóa - thông tin, Nghị định số 63/2007/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực công nghệ thông tin...

Theo Thông tư liên tịch 01/2008 ngày 29-2-2008 của Tòa án Nhân dân tối cao - Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Tư pháp hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền SHTT thì “hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sẽ áp dụng Điều 171 Bộ luật Hình sự để xử lý”.

Trong đó, giá trị hàng hóa giả mạo từ 50 triệu đồng đến 150 triệu đồng được xem là “gây hậu quả nghiêm trọng”, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1, Điều 171. Từ 150 triệu đến dưới 500 triệu đồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, Điều 171. Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu có giá trị trên 500 triệu đồng sẽ bị xem là “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.

Còn hành vi kinh doanh hàng giả không liên quan đến quyền SHTT sẽ bị xử lý theo Điều 156 và những điều khoản có liên quan khác của Bộ luật Hình sự.

Theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng, hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt VPHC mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 156.

Như vậy, về cơ bản, những quy định trong hệ thống luật giữa hành chính và hình sự tương đối đồng bộ khi NĐ 06 chỉ quy định mức xử phạt đối với hàng giả có giá trị dưới 30 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ các vụ án liên quan đến hàng giả do cơ quan điều tra trả hồ sơ cho QLTT khá lớn.

Và vì vậy, việc thiếu quy định xử phạt đối với các hành vi kinh doanh hàng giả mà giá trị hàng hóa từ 30 triệu đồng trở lên vô hình trung đang “bó tay” các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là lực lượng QLTT. Điều này dẫn đến bất hợp lý là hành vi kinh doanh hàng giả có giá trị nhỏ, đôi khi chỉ vài trăm ngàn đã bị phạt tiền, trong khi đó những vụ mà hàng giả có giá trị hơn 30 triệu đồng thì không xử lý được, thậm chí buộc phải trả hàng.

Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần nhanh chóng bổ sung NĐ 06 theo hướng quy định xử phạt VPHC gấp 4 đến 5 lần giá trị hàng hóa đối với những vụ mà hàng giả có giá trị trên 30 triệu đồng.

Nguy cơ hàng giả quay lại thị trường

Mặc dù Thông tư liên tịch 01/2008 quy dẫn mức giá trị hàng giả mạo nhãn hiệu từ 50 triệu đồng trở lên là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền SHTT, nhưng khoản 4 Điều 15 Nghị định 106/CP vẫn đưa ra những quy định xử phạt VPHC từ 4-5 lần giá trị hàng hóa vi phạm để xử lý trong trường hợp không đủ dấu hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Quy định như vậy là chặt chẽ, song đáng tiếc trên thực tế lại bất khả thi.

Lý do là Pháp lệnh xử lý VPHC chỉ quy định thẩm quyền xử phạt VPHC tối đa là 100 triệu đồng, trong khi mức xử phạt thấp nhất theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Nghị định 106/CP ngày 22-9-2006 là: 30 triệu x 4 = 120 triệu đồng. Như vậy, hiện nay không có biện pháp xử lý đối với những vụ mà hàng giả mạo nhãn hiệu có giá trị từ khoảng 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng vì mức xử phạt vượt quá 100 triệu đồng (!)

Ngày 26-3-2008 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét sửa đổi Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính theo hướng tăng thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, mở rộng đối tượng phải chịu mức phạt tiền tối đa 500 triệu đồng, nâng mức tiền phạt tối đa trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, chứng khoán, xây dựng, tài chính, ngân hàng, SHTT, quản lý và bảo vệ rừng, các hoạt động thăm dò, nghiên cứu và khai thác tài nguyên khoáng sản.

Nhưng đến 1-8-2008 thì pháp lệnh này mới có hiệu lực thi hành. Nghĩa là, phải chờ đến thời điểm đó thì khoản 4, Điều 15, Nghị định 106/CP mới có thể được áp dụng. Như vậy, những vụ việc rơi vào khoản 4, Điều 15, Nghị định 106/CP trong thời gian trước tháng 8-2008 mà không truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử lý thế nào? Cơ quan QLTT đang rất băn khoăn vì nếu cơ quan này không trả hàng, rất có thể sẽ bị kiện do quá thời hạn xử lý.

Còn trả hàng giả với số lượng và giá trị quá lớn cho người vi phạm thì rõ ràng là không hợp lý. Đó là chưa nói đến một lượng hàng giả khổng lồ có thể bị đưa trở lại thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và môi trường kinh doanh. Tóm lại, nếu không có giải pháp tháo gỡ thì rõ ràng nguy cơ “lọt lưới” các vụ việc liên quan đến hàng giả có giá trị lớn là rất cao. 

Theo NĐ 06/CP ngày 16-1-2008, hàng giả là khái niệm chung, bao gồm: hàng giả chất lượng, công dụng; giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa; giả mạo về sở hữu trí tuệ và tem, nhãn bao bì hàng hóa giả. Như vậy, hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ cũng là một loại hàng giả.

CÔNG MINH - ANH TRINH

Tin cùng chuyên mục