Vụ niêm phong tài sản trường mầm non ở Bình Thuận: Quản tài viên làm sai quy trình

Liên quan đến vụ việc tại Trường Mầm non - Tiểu học Thanh Nguyên (phường Xuân An, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), ngày 25-3, luật sư Nguyễn Toàn Thiện, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận, đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận, cho biết, quản tài viên khi thi hành án chưa có kế hoạch, không gửi trước nội dung sẽ niêm phong tài sản cho người bị thi hành án là sai quy trình. Đồng thời, việc quản tài viên thuê công ty bảo vệ tiến hành niêm phong tài sản, tự ý còng tay chủ trường, sử dụng súng trong sân trường là vi phạm pháp luật.

>> Bình Thuận: Làm rõ vụ nhân viên bảo vệ còng tay, chĩa súng trong sân trường

(SGGP).- Liên quan đến vụ việc tại Trường Mầm non - Tiểu học Thanh Nguyên (phường Xuân An, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), ngày 25-3, luật sư Nguyễn Toàn Thiện, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận, đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận, cho biết, quản tài viên khi thi hành án chưa có kế hoạch, không gửi trước nội dung sẽ niêm phong tài sản cho người bị thi hành án là sai quy trình. Đồng thời, việc quản tài viên thuê công ty bảo vệ tiến hành niêm phong tài sản, tự ý còng tay chủ trường, sử dụng súng trong sân trường là vi phạm pháp luật.

Nhóm bảo vệ chĩa súng hăm dọa giữa sân trường. (Ảnh: Trường Thanh Nguyên cung cấp).

Cũng theo luật sư Nguyễn Toàn Thiện, căn cứ theo Luật Phá sản năm 2014, luật sư, kiểm toán viên, người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng có kinh nghiệm 5 năm trở lên về lĩnh vực được đào tạo thì được cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên. Quản tài viên có quyền quản lý tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; đại diện cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không có người đại diện theo pháp luật; báo cáo về tình trạng tài sản, công nợ và hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tham gia xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán… Như vậy, việc quản tài viên Trần Đăng Minh thực hiện sự chỉ đạo của TAND TP Phan Thiết tiến hành việc thanh lý và phân chia tài sản tại trường Thanh Nguyên là đúng theo quy định của pháp luật. “Tuy nhiên, việc quản tài viên khi đến trường Thanh Nguyên niêm phong tài sản chưa có kế hoạch, không thông báo cho chủ trường, tự ý thuê bảo vệ, còng tay chủ trường và chĩa súng trong sân trường là vi phạm pháp luật”, luật sư Thiện cho biết.

Còn theo đại tá Tạ Văn Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát hành chính về trật tự xã hội (PC64), Công an tỉnh Bình Thuận, các công cụ hỗ trợ như còng, súng bắn đạn cao su… mà Công ty Bảo vệ Vũ Long (quản tài viên thuê) đều có phép sử dụng. Tuy nhiên, việc sử dụng còng và súng cần phải xem xét lại, đặc biệt là người chống đối đã chống đối đến mức nào.

Liên quan đến việc bố trí hơn 800 học sinh đang theo học tại ngôi trường bị tuyên bố phá sản này, ông Đỗ Ngọc Điệp, Chủ tịch UBND TP Phan Thiết cho biết, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các em học sinh, UBND TP Phan Thiết đã thống nhất theo đề xuất của Phòng GD-ĐT thành phố sẽ điều chuyển số học sinh trên sang học tại Trường Mầm non Lê Quý Đôn (phường Bình Hưng, TP Phan Thiết) và Trường Tiểu học - THCS - THPT Lê Quý Đôn (phường Xuân An, TP Phan Thiết). Bà Nguyễn Thị Bội Nhu, Phó phòng GD-ĐT TP Phan Thiết, cho biết: “Chúng tôi chỉ có thể hướng dẫn về chuyên môn, còn thời điểm trường Thanh Nguyên giải thể lúc nào là thuộc quyền của Chi cục Thi hành án và các cơ quan hành pháp. Trước mắt, chúng tôi chỉ có thể đề xuất với lãnh đạo thành phố tìm phương án bố trí cho hơn 800 em học sinh, không để việc học của các em bị gián đoạn”.

Trao đổi về việc ngôi trường do mình làm chủ bị tuyên bố phá sản, bà Đoàn Thị Dung cho rằng: “Quyết định số 01 của TAND TP Phan Thiết tuyên bố phá sản đối với Công ty TNHH Thanh Nguyên là sai pháp luật. Tài sản của trường Thanh Nguyên hiện nay là trên 300 tỷ đồng, trong khi chúng tôi chỉ nợ 50 tỷ đồng, trường lại đang hoạt động hiệu quả, chúng tôi hoàn toàn có khả năng trả nợ. Vậy tại sao lại bắt chúng tôi phải phá sản?”. Tuy nhiên, theo quyết định tuyên bố phá sản của TAND TP Phan Thiết thì, Công ty TNHH Thanh Nguyên nợ quá hạn thanh toán 9 chủ nợ với số tiền 65,4 tỷ đồng, nợ bảo hiểm 1 tỷ đồng, nợ thuế trên 4,4 tỷ đồng. Ngoài ra, còn nợ 6 chủ nợ không có bảo đảm khác trên 120 tỷ đồng. Được biết, không đồng ý với quyết định tuyên bố phá sản của TAND TP Phan Thiết, Công ty TNHH Thanh Nguyên đã làm đơn kháng cao, khiếu nại giám đốc thẩm lên Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tối cao để được xem xét giải quyết.

NGUYỄN TIẾN

Tin cùng chuyên mục