Vụ phân bón Thuận Phong tiếp tục làm nóng diễn đàn Quốc hội

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách của Quốc hội sáng nay 2-11, vụ án phân bón giả tại Công ty Thuận Phong (Đồng Nai) lại làm nóng nghị trường khi nhiều đại biểu tiếp tục lên tiếng tranh luận.

Trước đó, tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 31-10, ĐB Hồ Văn Năm (Đồng Nai) khi tranh luận với ĐB Hồ Bình Nhưỡng (Bến Tre) đã cho biết: “Vụ Thuận Phong lúc đầu do các cơ quan Trung ương phát hiện và chuyển giao cho Đồng Nai xử lý. Các cơ quan Trung ương yêu cầu xử lý Thuận Phong về tội buôn bán hàng giả. Thế nên phải giám định. Nhưng khi giám định thì lại có nhiều ý kiến khác nhau giữa các bộ”.

Vẫn theo ĐB Hồ Văn Năm, sau đó vụ Thuận Phong đã được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao cho Bộ Công an xử lý, rồi Bộ Công an giao cho Đồng Nai xử lý. “Các cơ quan tố tụng của Đồng Nai đã họp và nhận định không có dấu hiệu hình sự nên không khởi tố” - ĐB Hồ Văn Năm nói.

Vụ phân bón Thuận Phong tiếp tục làm nóng diễn đàn Quốc hội ảnh 1 ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đề nghị Quốc hội tiếp tục vụ phân bón Thuận Phong
Tại phiên thảo luận sáng nay 2-11, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đã đăng ký tranh luận với ý kiến của ĐB Hồ Văn Năm về vụ Thuận Phong.
Theo ĐB Nguyễn Bá Sơn, ĐB Hồ Văn Năm giải thích khá dài và kết luận là doanh nghiệp không có dấu hiệu tội phạm.
"Điều này khiến tôi không yên tâm, và sau ý kiến đó của ĐB Năm tôi nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ cử tri. Chúng ta thảo luận ở Quốc hội và nhân dân theo dõi trực tiếp, nếu doanh nghiệp không có dấu hiệu tội phạm thì cần có bằng chứng cụ thể. Sáng nay tôi đã đọc lại nhiều tài liệu liên quan đến vụ Thuận Phong, và các tài liệu này đi ngược lại với ý kiến của ĐB Hồ Văn Năm. Vì vậy, kiến nghị Quốc hội cần tiếp tục đeo bám và chỉ đạo xử lý quyết liệt vấn đề này thì người dân mới yên lòng" - ĐB Nguyễn Bá Sơn nói.

Trao đổi với ĐB Nguyễn Bá Sơn, một đại biểu khác của đoàn Đồng Nai là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Công Hồng cho biết, đây là vụ án phức tạp, nhiều quan điểm khác nhau. Vừa qua, Ủy ban Tư pháp đã yêu cầu Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng Viện KSND Tối cao báo cáo về vụ việc.

"Hiện vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra chứ không phải đã kết luận là có tội hay không. Có thể trong quá trình trình bày ĐB Hồ Văn Năm gây hiểu lầm là không có dấu hiệu phạm tội. Tôi khẳng định vụ án vẫn đang điều tra bổ sung" - ĐB Nguyễn Công Hồng nhấn mạnh.

Tiếp tục thảo luận về vấn đề kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu năm 2017. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần lưu ý để có giải pháp khắc phục.
ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) cho rằng nền kinh tế đang có 3 vấn đề bị mất cân đối. Đó là cán cân thương mại (năm 2017 nhập siêu 3 tỷ USD), thể hiện khả năng cạnh tranh các mặt hàng trong nước chưa cao, các mặt hàng hàm lượng khoa học công nghệ cao xuất khẩu chưa nhiều... Trong khi đó, thị trường bán lẻ trong nước bị cạnh tranh mạnh mẽ. Giải pháp sắp tới cần được tính đến là nâng cao tính liên kết trong sản xuất, có chiến lược phát triển thị trường bán lẻ.
Thứ hai là mất cân đối thu chi ngân sách, bội chi ngân sách khoảng 3,5% GDP.
Thứ ba là thiếu hụt vốn đầu tư từ ngân sách. Về vấn đề này, sắp tới cần sự linh hoạt trong phân bổ vốn đầu tư; tăng cường phân cấp cho địa phương trong quyết định đầu tư, thu hút nguồn lực cho phát triển. 
Dự kiến cuối buổi sáng nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình trước Quốc hội về những vấn đề được ĐBQH quan tâm.

Tin cùng chuyên mục