Vụ “Sổ hồng từ trên trời rơi xuống” - Công lý đã được thực thi

Tùy tiện...
Vụ “Sổ hồng từ trên trời rơi xuống” - Công lý đã được thực thi

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài vừa ban hành thông báo kết luận giải quyết khiếu nại về căn nhà số 22D-24 Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh, TPHCM). Báo SGGP từng phản ánh, quy trình cấp giấy chủ quyền nhà (sổ hồng) cho căn nhà trên có quá nhiều điều bất thường. Mọi việc đã dần sáng tỏ qua kết luận của UBND TPHCM và của TAND Tối cao.

Tùy tiện...

Chiều 2-6-2010, trả lời Báo SGGP, một lãnh đạo quận Bình Thạnh cho biết: “Trong tuần sẽ có quyết định hủy sổ hồng, xử lý kỷ luật cán bộ liên quan và sẽ sớm báo cáo UBND TPHCM đồng thời sẽ thông tin cho Báo SGGP biết”.

Báo SGGP đã nhiều lần đề cập đến việc ông Nguyễn Thơ được một người anh tặng ngôi nhà trên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Việc cho tặng này được thể hiện bằng văn bản và được chính quyền quân quản cách mạng Bình Thạnh (lúc đó là Ủy ban An ninh nhân dân quận Bình Hòa) xác nhận. Tuy nhiên, 35 năm sau, ông Thơ phải ra tòa (sơ thẩm), trở thành bị đơn trong vụ kiện… đòi nhà của chính ông. Căn cứ pháp lý để nguyên đơn kiện xuất phát từ việc UBND quận Bình Thạnh cấp sổ hồng cho người này. Cần nhắc lại rằng UBND quận Bình Thạnh đã từ chối cung cấp hồ sơ pháp lý chứng minh việc cấp sổ hồng nêu trên (mặc dù Báo SGGP đã có văn bản đề nghị chính thức) với lý do “bảo mật thông tin cá nhân”.

Theo Thanh tra TPHCM, việc UBND phường 6 quận Bình Thạnh xác nhận vào đơn đề nghị cấp sổ hồng của nguyên đơn: “hiện tại không có đơn tranh chấp”, là sai. Bởi lẽ UBND phường 6 đã không xác minh hiện trạng nhà (nhưng vẫn xác nhận) nên “không nắm được” quá trình cư ngụ của gia đình ông Thơ từ năm 1976 đến nay. Và vào năm 2007, UBND phường 6 cũng biết ông Thơ có làm hồ sơ xin cấp sổ hồng căn nhà nói trên nhưng lúc đó, ông Thơ chưa đủ điều kiện kinh tế để thực hiện (đóng thuế).

Căn nhà 22D-24 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh. Ảnh: MINH ANH
Căn nhà 22D-24 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh. Ảnh: MINH ANH

Tiếp theo đó, trong quá trình kiểm tra nội nghiệp bản vẽ (để cấp sổ hồng cho nguyên đơn), cán bộ Phòng Quản lý đô thị quận Bình Thạnh không đến kiểm tra hiện trạng nhà (ông Thơ đang cư ngụ tại nhà - PV) mà ký xác nhận bản vẽ và ghi chú “ranh nhà đất do chủ sử dụng hướng dẫn” là hoàn toàn không đúng thực tế. Từ đó, một số chi tiết kỹ thuật trong bản vẽ (cửa ra vào) cũng không đúng.

Còn với Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) quận Bình Thạnh, việc xác nhận dòng chữ “tình trạng nhà đất không tranh chấp” của phòng này vào hồ sơ xin cấp “sổ hồng” của nguyên đơn cũng sai vì năm 2006, Phòng TN-MT đã biết “có đơn tranh chấp nhà” và Phòng TN-MT (lúc đó) còn ban hành phiếu hướng dẫn người tranh chấp với ông Thơ gửi đơn đến TAND quận Bình Thạnh.

Một vấn đề nữa là trong tờ trình về nguồn gốc nhà đất, Phòng TN-MT chỉ nêu chung chung mà bỏ qua chi tiết ông Thơ hiện tại đang sử dụng nhà. Chính vì thế mà một lãnh đạo UBND quận Bình Thạnh đã ký vào tờ trình và cấp sổ hồng cho nguyên đơn. Nếu đúng theo trình tự, tờ trình phải có phần ý kiến phê duyệt của lãnh đạo UBND quận Bình Thạnh, song chi tiết này cũng bị bỏ qua!

Ông Nguyễn Thơ khi đệ đơn đến các cấp thẩm quyền đã rất bức xúc: “Tôi là cựu chiến binh, là đảng viên mấy chục năm tuổi Đảng, người dân trong khu vực đều biết. Tôi ở 35 năm qua mà người khác đến tự đo đạc, vẽ bản vẽ rồi còn được cả chính quyền địa phương xác nhận thì thử hỏi, luật pháp có còn nghiêm minh?”.

Hủy sổ hồng,xử lý cán bộ sai phạm

Ngày 26-5-2010, trong thông báo kết luận số 299/TB-VP, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài cho rằng: “Việc UBND quận Bình Thạnh cấp giấy chứng nhận sổ hồng cho 2 căn nhà nói trên có nhiều sai phạm và được thực hiện trong lúc có đơn khiếu nại từ năm 2003. Vì vậy UBNDTP yêu cầu các đơn vị phải nhanh chóng kiểm điểm, kỷ luật cán bộ công chức có liên quan, báo cáo ngay kết quả cho UBNDTP. Đồng thời, UBND quận Bình Thạnh phải thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận sổ đỏ đã cấp trước đó”.

Trong một diễn biến khác, tại phiên tòa phúc thẩm TAND tối cao diễn ra ngày 29-4-2010, Chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán Phạm Trung Tuấn đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm đã tuyên trước đó (buộc bị đơn Nguyễn Thơ phải trả nhà cho nguyên đơn) để xét xử lại theo đúng trình tự thủ tục quy định của pháp luật do “tòa cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”.

Cũng cần nói thêm về nguồn gốc căn nhà là của bà Tuyến và bà Trước (hai mẹ con) nhưng đã ủy quyền tại Chưởng khế Sài Gòn từ năm 1968 cho ông Dương Xưng Đường (anh của ông Thơ) có toàn quyền định đoạt. Sau đó, ông Dương Xưng Đường đến Ủy ban An ninh nhân dân quận Bình Hòa làm thủ tục tặng căn nhà trên cho ông Nguyễn Thơ là hợp pháp, phù hợp đặc thù lịch sử đất nước lúc đó. (Nếu như ông Đường không làm thủ tục tặng cho ông Thơ thì căn nhà nêu trên đã rơi vào trường hợp nhà vắng chủ và phải bị quản lý theo Quyết định 111-CP ngày 14-4-1977 của Chính phủ).

Theo luật sư Nguyễn Thế Phong, Đoàn Luật sư tỉnh Long An, bảo vệ quyền lợi cho bị đơn Nguyễn Thơ thì cho rằng: “Căn nhà trên đã được tặng cho ông Thơ thông qua giao dịch hợp pháp, ông Nguyễn Thơ đã tiếp nhận và quản lý sử dụng căn nhà, quan hệ tặng cho đã hoàn thành. Việc năm 2008, bà Trước tiếp tục ủy quyền một lần nữa (từ Pháp) cho bà Hương, rồi bà Hương lại “tặng cho” căn nhà trên cho bà Trang (con bà Hương, nguyên đơn) là trái pháp luật vì trường hợp này người nước ngoài (mang quốc tịch Pháp) không được quyền làm thủ tục tặng cho nhà bởi căn cứ Nghị quyết 1037, căn cứ Luật Nhà ở, căn cứ Nghị định 90/2006/NĐ-CP thì chủ cũ phải làm thủ tục xác lập quyền sở hữu sau đó mới thực hiện giao dịch”.

M.ANH – H.HIỆP

Thông tin liên quan:

- Vụ “sổ hồng” từ trên trời rơi xuống: Hủy toàn bộ án sơ thẩm do vi phạm thủ tục tố tụng

Tin cùng chuyên mục