Vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga: Những chứng cứ trái ngược

* Nga triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-400 tới căn cứ Syria
Vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga: Những chứng cứ trái ngược

* Nga triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-400 tới căn cứ Syria

Ngày 25-11, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cùng công bố các bản đồ đường bay của chiếc Su-24 và các lập luận của mình về vụ máy bay Su-24 bị bắn hạ. Trong khi chưa rõ kết cục ai đúng, ai sai thì Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại lên tiếng ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ khiến Nga tức giận.

Không có bất kỳ cảnh báo nào

Về bằng chứng, các bản đồ hoàn chỉnh cho thấy nơi máy bay Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi hôm 24-11 đã vi phạm không phận hay đã bay chệch đường, tùy thuộc quan điểm từng bên. Trên bản đồ, biên giới Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện qua các đường màu xanh dương, còn đường bay của chiếc Su-24 là màu đỏ. Đường màu đỏ đã có một đoạn cắt ngang qua đường màu xanh và Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng hình ảnh này làm bằng chứng máy bay Nga xâm phạm không phận.

Bản đồ đường bay Su-24 của Thổ Nhĩ Kỳ

Theo đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại LHQ, chiếc máy bay Nga ở trong không phận Thổ Nhĩ Kỳ 17 giây trước khi nó bị bắn hạ. Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ công bố bản đồ, Nga đã đưa ra tấm bản đồ riêng, cho thấy không hề có sự vi phạm không phận.

Về lập luận, theo phía Thổ Nhĩ Kỳ, máy bay của Nga đã quần thảo trên khu vực hơn 3km trên bầu trời nước này. Một máy bay khác của lực lượng không quân Nga cũng vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không bị bắn hạ. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, họ đã cảnh báo máy bay Nga 10 lần nhưng không nhận được phản hồi.

Trong khi đó, Nga khẳng định máy bay của họ chỉ hoạt động trên vùng trời Syria mà không một lần vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời khẳng định phía Thổ Nhĩ Kỳ không hề đưa ra bất kỳ cảnh báo nào đối với 2 máy bay trên.

Bản đồ đường bay Su-24 do Nga công bố

Tờ Express (Anh) dẫn một nguồn tin giấu tên của Mỹ cho biết, việc đánh giá vết nhiệt mà chiếc Su-24 để lại cho thấy chiến đấu cơ này đang ở trong không phận của Syria tại thời điểm bị bắn hạ. Trong khi nguồn tin từ một quan chức quốc phòng (giấu tên) của Mỹ nói với kênh tin tức Fox News rằng, các dữ liệu radar khớp với tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ rằng máy bay chiến đấu Nga đã đi vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ và 3 lần phớt lờ các cảnh báo. Theo quan chức này, hai máy bay tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã phóng hai quả tên lửa tầm nhiệt không đối không vào máy bay Nga.

Thêm dầu vào lửa

Ngày 25-11, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Phát biểu sau cuộc họp khẩn với sự tham dự của đại diện tất cả 28 thành viên NATO theo đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Stoltenberg cho biết, thông tin Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra rằng máy bay của Nga đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ là phù hợp với những đánh giá của NATO.

Ngay lập tức, Nga chỉ trích tuyên bố này của NATO khi không lên án hành động tấn công máy bay Su-24 Nga. Đại diện thường trực của Nga tại NATO Aleksander Glushko khẳng định máy bay Su-24 của Nga không hề đe dọa an ninh Thổ Nhĩ Kỳ do đang bay trên không phận Syria và cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã lợi dụng quan hệ đồng minh để buộc NATO phải bào chữa cho hành động trái luật của mình.

Tờ Russia Today dẫn lời Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga là hành động phạm tội và gây ra 3 hậu quả. Thứ nhất, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn căng thẳng giữa Nga và NATO, mà không thể biện minh bằng bất kỳ quyền lợi gì, bao gồm cả việc bảo vệ biên giới quốc gia. Hai là, Thổ Nhĩ Kỳ thực tế đã dùng hành động của mình để bao che cho các tay súng mà Nga cho là thuộc nhóm khủng bố bị cấm tại Nga. Ông Medvedev viện dẫn những tài liệu mà Nga có được chứng minh một số quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được lợi ích tài chính trực tiếp liên quan đến việc cung cấp các sản phẩm dầu mỏ được sản xuất tại các nhà máy mà Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kiểm soát. Cuối cùng, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm tổn thương mối quan hệ láng giềng lâu năm giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và nhân đạo. Theo ông Medvedev, hậu quả trực tiếp của thiệt hại đó là Nga sẽ hủy bỏ hàng loạt dự án hợp tác quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ và các công ty của Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ chịu tổn thất lớn tại thị trường Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo nước này sẽ triển khai các hệ thống phòng không hiện đại nhất đến căn cứ không quân của Nga ở Syria. Các hãng tin của Nga dẫn lời ông Shoigu cho biết, hệ thống tên lửa phòng không S-400 sẽ được triển khai đến căn cứ không quân Hmeimim ở Syria.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tìm cách xoa dịu căng thẳng với Nga khi tuyên bố nước này không muốn bất kỳ sự gia tăng căng thẳng nào trong quan hệ với Nga. Theo ông, Thổ Nhĩ Kỳ không có ý làm leo thang căng thẳng bằng sự cố trên mà chỉ muốn bảo vệ an ninh và chủ quyền lãnh thổ của mình.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông và Trung Á, chuyên gia quân sự và địa chính trị Semen Bagdasarov nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần công khai ý định thành lập các vùng đệm ở khu vực Tây Bắc Syria, giáp biên giới nước này và đang tìm cách hiện thực ý tưởng đó nhằm hiện thực hóa việc bảo vệ vùng đệm và cho phép những tay súng Hồi giáo cực đoan vận chuyển dầu khai thác từ Syria đến Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khu vực này có căn cứ không quân Incirlik của Mỹ. Đây là căn cứ được cả không quân Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng và là căn cứ cực Đông dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh không quân Mỹ ở châu Âu.

Cựu Cục trưởng Cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu Thổ Nhĩ Kỳ Hakki Pekin đã lên án việc nước này bắn hạ máy bay Nga, coi đây là một “sai lầm lớn” vì vụ việc sẽ càng khiến Thổ Nhĩ Kỳ mất đi ảnh hưởng trong khu vực, sau những thỏa thuận gần đây về các căn cứ quân sự. Thổ Nhĩ Kỳ đang tự tách mình khỏi Iran, Syria và Iraq và ngày càng lún sâu vào không gian ảnh hưởng của chính sách từ Mỹ.

Đại sứ Nga tại Pháp Alexander Orlov ngày 25-11 cho biết, một trong 2 phi công Nga nhảy dù khỏi chiếc máy bay Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ đã được quân đội Syria cứu và được đưa tới căn cứ Nga ở quốc gia Trung Đông này. Hãng Interfax cho biết, viên phi công này hiện đã được an toàn tại căn cứ của Nga ở Syria.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25-11 đã ký sắc lệnh truy tặng danh hiệu anh hùng cho 3 binh sĩ trong vụ máy bay Su-24 bị bắn rơi. Cụ thể, Trung tá Oleg Peshkov được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga; Đại úy Konstantin Murahtin được trao tặng Huân chương dũng cảm. Người còn lại được truy tặng Huân chương dũng cảm là binh sĩ thủy quân lục chiến Alexandr Pozynich, hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn 2 phi công nhảy dù khỏi máy bay Su-24 bị bắn rơi.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục