Vụ tranh chấp nước thủy điện ĐắkMi 4 (Quảng Nam): Vẫn chưa đủ nước

Sau một thời gian dài tranh chấp nguồn nước thủy điện ĐắkMi 4 giữa TP Đà Nẵng và Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO - chủ đầu tư), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có chỉ đạo chủ đầu tư thay đổi thiết kế cống điều tiết “trả” lại nước cho dòng Vu Gia với lưu lượng 25m³/giây.
Vụ tranh chấp nước thủy điện ĐắkMi 4 (Quảng Nam): Vẫn chưa đủ nước

Sau một thời gian dài tranh chấp nguồn nước thủy điện ĐắkMi 4 giữa TP Đà Nẵng và Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO - chủ đầu tư), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có chỉ đạo chủ đầu tư thay đổi thiết kế cống điều tiết “trả” lại nước cho dòng Vu Gia với lưu lượng 25m³/giây.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu Bộ TN-MT khẩn trương lập quy trình vận hành liên hồ chứa trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn, trong đó cần tính toán, giải quyết bài toán phối hợp xả nước mùa kiệt giữa các hồ trên lưu vực để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước.

Công trường thi công nhà máy thủy điện ĐắkMi 4.

Công trường thi công nhà máy thủy điện ĐắkMi 4.

Thủy điện ĐắkMi 4 được khởi công xây dựng vào ngày 21-4-2007 trên sông ĐắkMi – thượng nguồn sông Vu Gia (thuộc huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) có công suất thiết kế 190 MW, sản lượng điện trung bình hàng năm gần 1 tỷ kWh với tổng mức đầu tư 4.547 tỷ đồng.

Điều đáng nói, đơn vị tư vấn thiết kế đã “lấy” nước dòng sông ĐắkMi chảy về Vu Gia rồi “đổ” về Thu Bồn để phát điện. Điều đó gây phản ứng quyết liệt của TP Đà Nẵng vì cho rằng sẽ gây thiếu nước vùng hạ du sông Vu Gia, trong đó 1,7 triệu dân TP Đà Nẵng và hàng ngàn hécta đất nông nghiệp của các huyện Đại Lộc, Hội An, Điện Bàn (Quảng Nam) và TP Đà Nẵng bị thiếu nước nghiêm trọng.

Cuối tháng 1-2010, Tổ chuyên gia thẩm định lưu lượng nước xả thủy điện ĐắkMi 4 (do Bộ Công thương thành lập) đã có kết luận yêu cầu thủy điện ĐắkMi 4 điều chỉnh thiết kế và “trả” lại cho dòng Vu Gia với lưu lượng nước 8m³/giây, bằng 1/5 tổng lượng nước đã lấy đi. Ngay sau đó, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng, phản đối kết luận này và có hồ sơ gửi Chính phủ và các bộ ngành liên quan nhờ can thiệp (như SGGP số ra ngày 5-3-2010 có bài phản ảnh: http://www.sggp.org.vn/moitruongdothi/2010/3/220117/).

Theo hồ sơ của Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng gửi Chính phủ và các bộ ngành TƯ đề nghị thủy điện ĐắkMi 4 phải trả lại cho dòng Vu Gia với lưu lượng 47m³/giây chứ không phải là 8m³/giây. Nếu không trả lại dòng Vu Gia với lưu lượng 47m³/giây thì nguy cơ 1,7 triệu dân Đà Nẵng, nông nghiệp TP Đà Nẵng và một số huyện của Quảng Nam bị thiếu nước trong mùa khô. 
 
Gần đây nhất, tại cuộc làm việc với đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thái Lai dẫn đầu ngày 2-4-2010 nhằm tìm biện pháp giải quyết vấn đề tranh chấp nguồn nước trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn do việc xây dựng thủy điện ĐắkMi 4, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết đề nghị thủy điện ĐắkMi 4 trả lại nước cho sông Vu Gia trong mùa khô với lưu lượng 47m³/giây.

Ngoài ra, ông Viết đề nghị tất cả các hồ chứa thủy điện phải có kế hoạch ổn định lưu lượng xả trong suốt 9 tháng mùa khô (kéo dài từ tháng 1 đến tháng 9 hàng năm); có quy trình vận hành hợp lý, tránh hiện tượng “lũ chồng lũ” như trận lũ lịch sử hồi năm 2009. Đồng thời đề nghị Bộ TN-MT yêu cầu tất cả các hồ chứa thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn phải có thiết kế cống xả qua thân đập ở cao trình dưới mực nước chết bởi hiện nay tất cả các thủy điện đều không có thiết kế cống xả qua thân đập. 
 
Trao đổi với PV SGGP về vấn đề này, ngày 5-5, ông Huỳnh Vạn Thắng cho biết rất hoan nghênh chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khi yêu cầu thủy điện ĐắkMi 4 “trả” nước cho Vu Gia với lưu lượng 25m³/giây. Tuy nhiên, ông Huỳnh Vạn Thắng cũng cho rằng, với lưu lượng xả 25m³/giây như trên vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu nước vùng hạ du Vu Gia trong mùa khô. Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục kiến nghị lên Chính phủ hoặc là “trả” thêm nước cho dòng Vu Gia, nếu không, Bộ NN-PTNT cần nghiên cứu xây dựng các hồ chứa trên thượng nguồn Vu Gia để bổ sung nước, đảm bảo cung cấp đủ lượng nước tối thiểu cho vùng hạ du vào mùa khô. 
 
Được biết, sông ĐắkMi chiếm 36% diện tích lưu vực sông Vu Gia và cung cấp đến 50% tổng lượng nước của hệ sông này. Trong khi đó, trong 4 tháng đầu năm 2010, trên hệ sông này đã xuất hiện tình trạng thiếu nước dẫn đến ngập mặn cho vùng hạ du. Nếu so với mùa khô năm trước, năm nay tình trạng thiếu nước trên hệ sông Vu Gia diễn ra sớm hơn 2 tháng khiến sinh hoạt và tình hình sản xuất nông nghiệp ở vùng hạ du hệ sông này gặp nhiều khó khăn.

Nguyên Khôi

Thủy điện Hương Điền chưa thể trả nước cho phía hạ lưu

Ngày 5-5, ông Phan Thanh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều - Phòng chống lụt bão (PCLB) tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết, theo yêu cầu của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đầu tháng 5-2010, Công ty CP Thủy điện Hương Điền phải xả nước để chống hạn cho khu vực hạ lưu sông Bồ. Vậy nhưng, cho đến ngày 5-5, công ty vẫn chưa thực hiện động thái này (chưa có phương án trả nước cũng như công văn trả lời).
 
Trong lúc đó, ở phía hạ lưu sông Bồ, người dân các huyện Quảng Điền, Hương Trà, Phong Điền đang gieo cấy vụ hè-thu cần nước tưới cho khoảng 7.000ha lúa. Theo Chi cục Đê điều - PCLB tỉnh Thừa Thiên-Huế, từ 15 đến 20-5-2010, bắt buộc bằng mọi giá, thủy điện Hương Điền phải trả nước để chống hạn và phục vụ cho gieo cấy. Nếu không thực hiện được việc trả nước thì phải tính đến phương án đền bù thiệt hại sản xuất cho người dân.
 
Được biết, tính đến 5-5, thủy điện Hương Điền đã tích nước ở cao trình 35,26m. Theo lý thuyết, khi mực nước đạt cao trình 34m trở lên, tất cả cống xả của thủy điện Hương Điền có thể xả nước được để chống hạn cho phía hạ lưu. Tuy nhiên, do đang vướng thi công một số hạng mục như nạo vét lòng sông, kè chống xói lở ở phía hạ lưu thân đập thủy điện... nên chưa thể xả nước. Cũng cần nói thêm, việc tích nước vào mùa khô của thủy điện Hương Điền (ở thượng nguồn sông Bồ) là trái với quy luật, gây ra hạn hán nghiêm trọng ở hạ lưu, khiến đời sống và sản xuất của người dân đảo lộn. Việc tích nước tiến hành trong quá trình thủy điện đang thi công gây ra khô hạn kéo dài.

Ph.Lê

Tin cùng chuyên mục