Khi tổ chức lại việc sản xuất lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), gắn sản xuất từng nông hộ với doanh nghiệp (DN) theo chuỗi ngành hàng bắt đầu từ hạt lúa, các DN xuất khẩu gạo lúng túng khi triển khai vì không có nguồn lực đến từng hộ dân để ký hợp đồng. Có thể nói, hợp tác hóa là khâu yếu nhất trong chuỗi ngành hàng. Để hỗ trợ việc này, lãnh đạo nhiều tỉnh ĐBSCL bước đầu quy hoạch các vùng có thể xây dựng cánh đồng liên kết hay cánh đồng lớn (CĐL) ở những vùng mà việc hợp tác hóa có phần phát triển như hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT).
Nhưng có một thực tế, đa số HTX đều yếu về năng lực, vì vậy các DN khi triển khai gặp nhiều khó khăn. Ngành nông nghiệp các tỉnh cho rằng, từ Quyết định 80 về liên kết 4 nhà đến Quyết định 62 thay thế mới đây, vấn đề xử lý bên vi phạm chưa đủ sức răn đe. Điều đáng nói, vai trò của THT ở ĐBSCL rất lớn so với HTX khi có 80% - 90% đại diện nông dân ký với DN là THT, nhưng lại bỏ sót, không đưa THT như đối tượng được hưởng ưu đãi vào thông tư hướng dẫn!
Tại buổi họp giữa Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn về việc đầu tư CĐL theo Quyết định 62, các DN phản ánh, bản thân DN cũng gặp khó khăn về việc đầu tư cơ sở hạ tầng như nhà kho, nhất là lò sấy khi mở rộng CĐL. Vì vậy, bên cạnh việc đầu tư cho nông dân, DN cũng là đối tượng cần được ưu đãi vốn vay, đặc biệt là vốn đầu tư trung và dài hạn.
Theo đại diện Công ty Gentraco (TP Cần Thơ), đơn vị xây dựng CĐL từ vài năm nay, nhu cầu mở rộng CĐL của DN còn lớn, nhưng DN không kham nổi. Một cựu lãnh đạo VFA cho biết, dù nhà nước có chủ trương cho DN xây dựng nhà kho với lãi suất ưu đãi, thế nhưng chưa có DN được nhận vốn ưu đãi cho đầu tư cơ sở hạ tầng.
Cũng tại cuộc họp trên, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, canh tác bền vững, liên kết bao tiêu lúa gạo và xây dựng thương hiệu là 3 vấn đề mà WB xác định khi triển khai gói tín dụng ưu đãi 150 triệu USD cho ngành hàng lúa gạo. WB đang hoàn thiện các bước để có thể tiến hành gói dự án này ở ĐBSCL vào đầu năm 2015.
Theo đó, bên cạnh việc cho hộ dân vay vốn ưu đãi, DN cũng là đối tượng được vay ưu đãi cho các hạng mục đầu tư dài hạn với số tiền lên đến 5-10 triệu USD. Điều chú ý, dự án WB triển khai không dàn trải mà tập trung theo từng cụm để có thể tạo ra CĐL với lượng hàng hóa lớn, dự kiến là 27 huyện trọng điểm vùng ĐBSCL.
Có thể nói, những khó khăn trong việc xây dựng CĐL vẫn còn nhiều, nhưng không thể trông chờ mà phải “vừa chạy vừa xếp hàng” nhằm hoàn thiện dần các khâu để từng bước nối liền các CĐL, tạo ra sự chuyển đổi cho cả vùng lúa ĐBSCL.
ĐĂNG LÃM