Có vẻ như “cuộc chiến truyền hình” vẫn chưa thể đi đến hồi kết khi các lợi ích của đôi bên không có được tiếng nói chung, chủ yếu là từ phía Công ty VPF, được xem là đại diện các CLB bóng đá, không đồng ý với trị giá hợp đồng mà AVG cũng như các đài liên kết sẽ trả cho VFF.
Qua các phản ứng có phần quyết liệt của VPF, người ta dễ cho rằng hợp đồng AVG - VFF có giá quá thấp. Trên thực tế, ở thời điểm ký hợp đồng, đấy là một con số cao là đằng khác nếu so sánh với những gì mà VFF nhận được từ truyền hình trước đó. Công bằng mà nói, nếu có khúc mắc thì nằm ở thời hạn 20 năm của hợp đồng mà thôi.
Nhưng, thời hạn này lại có nguồn gốc sâu xa từ công tác xã hội hóa thể thao tại Việt Nam. Là một đơn vị kinh doanh, AVG bắt buộc phải tính toán đến một thời gian như vậy trong bài toán thu hồi vốn. Sự thật là ít nhất trong 5 năm đầu tiên của hợp đồng, chắc chắn AVG không cách gì thu hồi số tiền hơn 6 tỷ đồng bỏ ra mỗi năm. 15 năm kế tiếp của hợp đồng, cũng chẳng có cơ sở nào để nói đến thời điểm nào thì AVG thu hồi vốn. Cái bất hợp lý của hợp đồng này, nếu có, không phải là lỗi của AVG.
Không có khoảng thời gian 20 năm đó, dám chắc chẳng có đài truyền hình nào dám mua trọn bản quyền bóng đá Việt Nam. Trong một chừng mực nào đó, chính AVG là đơn vị tiên phong định giá cho bản quyền, một cột mốc có thể nói là lịch sử của tiến trình xã hội hóa thể thao.
Trong khi đó, VPF cho rằng họ cần phải là nơi quyết định giá trị bản quyền bởi chính họ làm nên sản phẩm ấy thông qua hoạt động thi đấu của các CLB. Điều này không sai. Nhưng vấn đề đặt ra là: VPF dựa trên cơ sở nào để định giá cho các giải đấu? Cơ sở nào bảo đảm trong 10 năm, 20 năm tới, bóng đá Việt Nam sẽ thật sự chuyên nghiệp một cách ổn định? Tham vọng biến V-League thành một “giải ngoại hạng” như bóng đá thế giới thì ai cũng muốn, nhưng cứ nhìn vào thực trạng hiện nay thì sẽ vô cùng mông lung.
Theo tính toán, tại Việt Nam, dù vẫn là một nguồn thu quan trọng nhưng bản quyền truyền hình chỉ chiếm 30%-40% doanh thu. Trong khi đó, 60% còn lại đến từ bán vé, quảng cáo, vật phẩm lưu niệm và đặc biệt là đào tạo, chuyển nhượng thì hiện thời, với các CLB nhiều lắm chỉ đạt mức 10%-15%. Tại sao những cái thiết thực hơn, gần gũi hơn và đang tiến hành thì VPF không tập trung hỗ trợ các CLB nỗ lực khai thác mà lại cứ nhắm vào lĩnh vực ai cũng biết, rất khó thu được tiền trong khoảng thời gian không ngắn sắp đến.
Nhân đây, cũng có một ví dụ để so sánh. Trong tuần qua, đội bóng rổ chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam là Sài Gòn Heat đã có chiến thắng đầu tiên sau 8 trận đấu thuộc giải nhà nghề Đông Nam Á. Từ một con số 0 tròn trĩnh, các nhà đầu tư đã xây dựng một CLB đúng theo tiêu chuẩn quốc tế và ngay lập tức, tham gia thi đấu ở đẳng cấp chuyên nghiệp cao nhất. Sài Gòn Heat chắc chắn chưa thể có thành tích cao nhanh chóng, nhưng họ đang làm được một việc vô cùng quan trọng là khơi dậy niềm đam mê bóng rổ tại Việt Nam. Các trận đấu của họ đông nghịt khán giả với bầu không khí cuồng nhiệt đến mức không ngờ.
Với những gì mà Sài Gòn Heat đang làm, người ta có quyền hy vọng sẽ có những đội bóng rổ chuyên nghiệp khác và bản thân đội bóng này cũng sẽ kỳ vọng các nguồn thu từ quảng cáo nhiều hơn trong tương lai. Bài toán xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa thể thao cần được giải như vậy. Nghĩa là phải tập trung cho công tác đầu tư chất lượng thi đấu, quảng bá hình ảnh trước khi nghĩ đến chuyện thu được tiền và thu bao nhiêu là hợp lý.
Hai câu chuyện nói trên cho chúng ta cái nhìn khá rõ nét về quá trình xã hội hóa thể thao. Đấy là một xu thế tất yếu, nhưng mỗi môn, mỗi liên đoàn thể thao lại có những cách làm khác nhau. Thực tế là hơn 10 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa, thể thao chuyên nghiệp Việt Nam vẫn giẫm chân tại chỗ. Qua “cuộc chiến truyền hình”, không khó để thấy nguyên nhân sự trì trệ đó là ở cách làm và nhận thức của những người có trách nhiệm.
VIỆT TÂM