“Vựa gạo” của mẹ Hai Hường

Thân cò nuôi con
“Vựa gạo” của mẹ Hai Hường

Mẹ Hai Hường năm nay 92 tuổi, mẹ không phải chủ vựa gạo nào cả nhưng 10 năm qua, bà con nghèo ở  xã Đức Hòa Hạ (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đều hướng về mẹ, nơi có “vựa gạo” tình thương được mẹ mua từ tiền tích cóp, tiết kiệm hàng năm 3 - 4 tấn để gửi đến họ. Mẹ cũng không trực tiếp phát tại nhà, vì mẹ nghĩ: “Để ủy ban và hội phụ nữ xã phát gạo cho bà con thì bà con sẽ nghĩ người nghèo đang được toàn thể xã hội quan tâm. Mẹ đâu cần tiếng cảm ơn của ai”...

Thân cò nuôi con

Đó là câu chuyện về mẹ Hoàng Thị Hường (Hai Hường), vợ của liệt sĩ Nguyễn Đình Anh, ngụ tại ấp Bình Tiền 2, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, Long An. Mẹ được nhiều người dân ở xã Đức Hòa Hạ dành nhiều tình cảm trân trọng vì những nghĩa cử cao đẹp của mẹ đối với những hoàn cảnh ngặt nghèo trong suốt nhiều năm qua. Mẹ Hai Hường năm nay đã 92 tuổi. Chồng mẹ tham gia cách mạng và hy sinh năm 1969 tại mặt trận Phú Giáo (Bình Dương), đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Mẹ Hai Hường kể rằng, vợ chồng lấy nhau nhưng do hoàn cảnh chiến tranh nên thời gian ở bên nhau chỉ tính bằng ngày, bằng tháng không được bao nhiêu. Năm 29 tuổi, khi có thai đứa con thứ hai, mẹ có đến thăm chồng ở đơn vị rồi trở về Đức Hòa, từ đó bặt tin, chưa gặp lại chồng lần nào nữa. Đến năm 1969, nghe tin chồng hy sinh nhưng mãi nhiều năm sau gia đình mới nhận được giấy báo tử từ đơn vị gửi về. “Đến bây giờ, sau nhiều nỗ lực của gia đình, bà con và đơn vị nhưng vẫn chưa tìm được hài cốt của cha nên mẹ tôi vẫn ngày đêm trăn trở và đau đáu một nỗi đau quá lớn”, chị Hoa, con gái mẹ Hai Hường tâm sự.

Mẹ Hoàng Thị Hường trao đổi công việc với chị Hồ Ngọc Nở, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đức Hòa Hạ

Coi chúng tôi như con cháu, mẹ Hai Hường trải nỗi lòng: “Chồng hy sinh khi hai con còn quá nhỏ, mẹ ở vậy nuôi con ăn học. Cuộc sống hồi đó, hoàn cảnh vợ góa, con côi vô cùng khó khăn. Mẹ nhận làm nón lá ở nhà để có tiền nuôi con ăn học. Nón làm ra ban đầu bán ế quá vì người dân quê mẹ chưa quen dùng nón lá. Mẹ đánh liều đưa hàng lên tận khu Chợ Lớn để bán lẻ cho người ta. Sau đó có một tiểu thương ở Chợ Lớn thấy mẹ đứng bán một mình cực quá, liền đặt hàng làm mối bỏ sỉ. Từ đó, cuộc sống của mấy mẹ con mới đỡ cơ cực hơn”. Chỉ với những gánh nón xuôi ngược Long An - Sài Gòn mà một mình mẹ Hai Hường đã nuôi dạy hai người con ăn học thành đạt và hiện đều công tác tại TPHCM. Các con trưởng thành, nhiều lần muốn đón mẹ lên thành phố ở để tiện chăm sóc, báo hiếu nhưng mẹ chỉ quen nếp sống yên bình nơi quê nhà nên có lên thành phố cũng chỉ dăm bữa, nửa tháng lại đòi về. “Mẹ ở đây có bà con chòm xóm qua lại thăm nom nhau vui lắm. Có mấy đứa cháu ruột sống gần đây thường xuyên qua lại chăm sóc nên các con cũng yên tâm. Với lại, mẹ đi rồi lấy ai bàn bạc, lo toan với mấy chị em bên hội phụ nữ về chuyện phát gạo cho bà con nghèo?’, mẹ Hường tâm sự.

10 năm và 40 tấn gạo

 

“Mẹ già rồi, may mắn không bệnh tật gì, cuộc sống đạm bạc, giản đơn lắm nên không có cần gì đến tiền cả. Mẹ thấy nhiều người xung quanh mình còn khó khăn, cơ cực quá nên mẹ không đành lòng. Tiền cất trong tủ làm chi khi có thể sẻ chia cho những hoàn cảnh ngặt nghèo”, mẹ Hai Hường tâm sự.

 

Mẹ Hai Hường không nhắc nhiều với chúng tôi những đóng góp của mẹ đối với phong trào “lá lành đùm lá rách” của mình. Mẹ chỉ nhắc mãi một điều: “Nếu mấy con có tham gia làm thiện nguyện cùng địa phương thì nhớ vào dịp tết, lễ Phật đản, lễ Vu Lan... phải chia phần gạo nhiều hơn những đợt khác trong năm, để bà con ấm lòng hơn nhen”. Tuy mẹ không muốn nói về mình nhưng cán bộ xã Đức Hòa Hạ nói chung và chị em trong hội phụ nữ xã nói riêng đều ghi chép đầy đủ, không thiếu ngày nào, đợt nào những đóng góp âm thầm của mẹ trong suốt 10 năm qua. Không cần lật lại sổ sách, chị Hồ Ngọc Nở, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đức Hòa Hạ, nói ngay với chúng tôi: “10 năm qua, mẹ Hai Hường đã ủng hộ rất nhiều cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong xã, mỗi hộ 10kg gạo/tháng. Trước đây, tháng nào mẹ cũng mua gạo rồi nhờ địa phương phát cho bà con. Nhưng mấy năm gần đây do tuổi cao, sức yếu nên con cháu trong nhà và hội phụ nữ động viên mẹ phát gạo định kỳ theo quý. Mỗi năm, trung bình chúng tôi thay mẹ tổ chức khoảng 3 - 4 đợt phát gạo, mỗi đợt từ 3 - 4 tấn. Tính sơ bộ, suốt 10 năm qua, một mình mẹ Hai Hường đã ủng hộ gần 40 tấn gạo cho bà con nghèo”. Chị Nở chia sẻ thêm: “Đức Hòa Hạ là xã công nghiệp, đời sống của người dân đa số đã thay đổi nhiều, bớt khó khăn hơn trước. Tuy nhiên, theo thống kê hiện địa phương còn 36 hộ nghèo và 36 hộ cận nghèo. Phần lớn những hộ này do hoàn cảnh neo đơn, bệnh tật, già yếu nên khả năng thoát nghèo không cao. Tất cả hộ nghèo và cận nghèo này đều được nhận gạo hỗ trợ thường xuyên của mẹ Hai Hường”.

Quay sang chúng tôi, mẹ Hai Hường cười hiền nói: “Những việc mẹ làm không muốn nhận lời cảm ơn của bà con nào hết. Mẹ nhờ và gửi ủy ban xã với hội phụ nữ làm để được chu đáo, không bỏ sót ai. Với lại, làm như vậy, bà con nghèo cũng sẽ mừng và nghĩ chính quyền địa phương đã lo toan nhiều cho cuộc sống của người dân, phần của mẹ chỉ tham gia phụ với xã nhà thôi”. 10 năm qua, mẹ Hai Hường trở thành khách “ruột” của nhiều vựa gạo tại xã Đức Hòa Hạ và “vựa gạo Hai Hường” là tấm lòng của mẹ đối với hàng chục hộ nghèo tại vùng quê này.

Vì việc chung

Đối với chị em trong Hội Phụ nữ xã Đức Hòa Hạ, mẹ Hai Hường là một biểu tượng cao đẹp cho đức hy sinh, lòng vị tha và bao dung. Mẹ nay tuy tuổi đã cao nhưng vẫn tích cực tham gia và có nhiều đóng góp cho phong trào của địa phương. Mẹ vẫn cần mẫn vận động và được các mạnh thường quân chung tay góp sức cùng mẹ trao những phần quà, tiền giúp đỡ gia đình hội viên nghèo. Bản thân mẹ luôn vận động chị em hội viên và gia đình sống tiết kiệm, không lãng phí trong chi tiêu, sinh hoạt hàng ngày. Chính vì vậy, các chị luôn coi mẹ là tấm gương để học tập, noi theo. Chị Hồ Ngọc Nở tâm sự: “Mẹ Hai Hường gắn bó với Hội Phụ nữ xã mấy chục năm rồi. Nhờ những đóng góp của mẹ nên phong trào của hội có nhiều ý nghĩa, sát thực hơn. Ở đây, chúng tôi ai cũng coi việc của mẹ lo cho người khác là việc của hội nên luôn làm hết sức mình để mẹ yên tâm và bà con nghèo được vui. Chỉ tính riêng phần việc của hội đứng ra thay mặt mẹ tổ chức phát gạo cho bà con đã chiếm phần lớn hoạt động của hội rồi”. Đó là chưa kể, thời gian qua mẹ còn vận động tiền mua áo quan cho những gia đình nghèo có tang lễ hơn 8 triệu đồng, vận động tu sửa nhà tình thương cho hai hộ có hoàn cảnh thương tâm là chị Trần Thị Diệu và Nguyễn Thị Điệt số tiền gần 10 triệu đồng, vận động được 3 triệu đồng thăm hỏi hội viên khi đau ốm... “Tất cả kinh phí đều được mẹ trích từ tiền trợ cấp chính sách vợ liệt sĩ, tiền trợ cấp dành cho người cao tuổi hàng tháng và tiền con cháu cho tiêu vặt. Nếu thiếu, mẹ lại nói con cháu hỗ trợ thêm cho đủ”, chị Hồ Ngọc Nở cho biết.

Cuộc nói chuyện giữa mẹ Hai Hường và mấy chị em trong Hội Phụ nữ xã Đức Hòa Hạ lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười và ấm áp tình thân như người trong nhà, làm chúng tôi cũng vui lây. Và câu chuyện mà mẹ Hai Hường cùng các chị bàn thường xuyên vẫn luôn là việc chuẩn bị cho đợt phát gạo tình thương tiếp theo, căn nhà tình nghĩa nào cần sửa chữa, có chị em hội viên nào đột xuất gặp khó khăn để sắp xếp đi thăm nom…

HUYỀN VĂN

Tin cùng chuyên mục