Vừa quản, vừa gỡ

Bộ GTVT vừa yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá và bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành, bình ổn giá.

Đồng thời, Tổng cục ĐBVN tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh, rà soát biến động chi phí đầu vào đối với các dịch vụ vận tải; trường hợp cần thiết phải điều chỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định trên cơ sở kiểm soát lạm phát.

Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan chức năng chủ động có kế hoạch tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Đây là việc làm cần thiết nhưng rất khó khăn, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải có cái nhìn tổng thể, khách quan, vì lợi ích đại cục trong bối cảnh hiện nay. Với ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19, nếu tăng giá cước vận tải đương nhiên sẽ làm tăng gánh nặng cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân. Nhưng nếu không tăng giá cước, áp lực sẽ là rất lớn đối với doanh nghiệp vận tải đang sắp kiệt quệ.

Chưa bao giờ các doanh nghiệp vận tải phải đối mặt với những khó khăn chồng chất như hiện nay. Vận tải hành khách trên nhiều tuyến vẫn đang rất èo uột. Nhiều nhà xe rơi vào tình cảnh tiếp tục chạy thì thua lỗ, nghỉ thì không có tiền trả lãi vay ngân hàng, bán xe thời điểm này không ai mua. Vận tải hàng hóa khả quan hơn nhưng cũng phát sinh hàng loạt chi phí. Đã có thời điểm các doanh nghiệp vận tải tốn hàng trăm triệu tiền test cho tài xế mỗi tháng, chưa kể tiền lưu kho, bến bãi, nằm chờ... khi các địa phương áp dụng các biện pháp phòng dịch khác nhau. Mới đây, dư luận còn “chấn động” bởi thông tin các xe xuất khẩu nông sản bị “làm luật” tới 300 triệu đồng ở các cửa khẩu. Trong lúc khốn khó, con số trên thực sự là khủng khiếp đối với các doanh nghiệp.

Chưa hết, giá xăng tăng vọt lên mức cao nhất 8 năm qua trong ngày 21-2 chẳng khác nào cú đánh bồi đẩy doanh nghiệp vận tải vốn đang kiệt quệ vì dịch bệnh đến gần bờ vực phá sản. Theo tính toán của các doanh nghiệp, giá xăng dầu chiếm 30%-40% đơn giá vận chuyển. Hiện các doanh nghiệp đang phải tính toán lại giá cước, tuy nhiên theo nhận định của các doanh nghiệp, việc tăng giá cũng không dễ dàng vì thị trường chưa hồi phục.

Trong bối cảnh đó, bên cạnh kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá và bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải để đảm bảo bình ổn giá, Bộ GTVT, các bộ ngành và các đơn vị liên quan cũng cần chủ động hơn nữa trong việc gỡ khó cho các doanh nghiệp vận tải.

Các kiến nghị từ các hiệp hội vận tải về việc giảm thuế bảo vệ môi trường thu qua xăng dầu và các loại thuế phí khác; giãn, hoãn nợ ngân hàng; dùng quỹ bình ổn giá xăng dầu để kiểm soát giá nhiên liệu trong giai đoạn khó khăn hiện nay; cho phép xã hội hóa kinh doanh xăng dầu… cần được các cơ quan quản lý nhà nước xem xét. Nghĩa là, để vừa bình ổn được giá vừa giúp doanh nghiệp vận tải phục hồi, các cơ quan quản lý cần phải vừa “quản” vừa “gỡ”. Bởi nếu ngành vận tải không “khỏe mạnh”, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ hồi phục chung của nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục