Vụ án sai phạm tại BQL Dự án Đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước TPHCM

Đề nghị tuyên phạt ông Huỳnh Ngọc Sĩ từ 5 đến 6 năm tù

Ngày 24-9, vụ án sai phạm tại Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước TPHCM (viết tắt là BQL Dự án) đã được đưa ra xét xử sơ thẩm.
Đề nghị tuyên phạt ông Huỳnh Ngọc Sĩ từ 5 đến 6 năm tù

(SGGPO).- Ngày 24-9, vụ án sai phạm tại Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước TPHCM (viết tắt là BQL Dự án) đã được đưa ra xét xử sơ thẩm.

Thừa ủy quyền của VKSND Tối cao, đại diện VKSND TPHCM thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã công bố bản cáo trạng dài 10 trang. Theo đó, dù biết căn nhà số 3 đường Nguyễn Thị Diệu, phường 6, quận 3 do BQL Dự án được cho thuê làm trụ sở là thuộc sở hữu Nhà nước, không được cho thuê lại dưới bất kỳ hình thức nào nhưng vì mục đích vụ lợi, bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ (SN 1953, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông công chính, nguyên Giám đốc BQL Dự án) và bị cáo Lê Quả (SN 1939, nguyên Phó Giám đốc BQL Dự án) vẫn cho Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương Nhật Bản (viết tắt là Công ty PCI) thuê.

Từ tháng 8-2001 đến tháng 11-2002, Công ty PCI trả tiền thuê trụ sở trong 16 tháng tổng cộng 80.000 USD (tương đương 1,2 tỉ đồng). Số tiền này các bị cáo không nhập quỹ của BQL Dự án mà tự quản lý để chi tiêu. Cụ thể, các bị cáo đã chỉ đạo sử dụng khoảng 350 triệu đồng để chi giao dịch, tiếp khách không có chứng từ, hóa đơn chứng minh; gần 36 triệu đồng để sửa chữa nhà, lắp đặt điện thoại, liên hoan; gần 814 triệu đồng chia cho 87 cán bộ của BQL Dự án (riêng bị cáo Sĩ nhận hơn 52 triệu đồng, bị cáo Quả nhận gần 54 triệu đồng).

Bị cáo Lê Quả bị dẫn giải về trại tạm giam. Ảnh: Ái Chân

Bị cáo Lê Quả bị dẫn giải về trại tạm giam. Ảnh: Ái Chân

Trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử, bị cáo Lê Quả thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã quy kết, tuy nhiên bị cáo cho rằng khung hình phạt mà cáo trạng truy tố (khoản 3 Điều 281 Bộ luật Hình sự quy định tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” có mức án từ 10 năm đến 15 năm tù giam) là quá nặng.

Về lý do cho Công ty PCI thuê nhà, bị cáo Lê Quả khai rằng do muốn tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho CB-CNV trong BQL Dự án vì đơn vị này vừa thành lập, không có nguồn thu phúc lợi nào; đồng thời tạo điều kiện cho nhân viên BQL Dự án nâng cao trình độ giao tiếp bằng tiếng Anh do hai bên cùng làm việc trong cùng trụ sở, từ đó hai bên thuận lợi hơn trong trao đổi công việc, rút ngắn tiến độ thực hiện dự án. Việc cho Công ty PCI thuê nhà và việc tự ý chia tiền trong nội bộ đều được thông qua bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ.

Bị cáo Lê Quả (bên trái) và bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ tại phiên tòa. Ảnh: Ái Chân

Bị cáo Lê Quả (bên trái) và bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ tại phiên tòa. Ảnh: Ái Chân

Trái với thái độ khai báo thành khẩn của cấp dưới, bị cáo Sĩ khai báo loanh quanh, thừa nhận vụ việc xảy ra có phần thiếu trách nhiệm của mình nhưng chỉ là lỗi vô ý. Trước lời khai rằng bị cáo không đồng ý việc cho Công ty PCI thuê nhà, chủ tọa phiên tòa - thẩm phán Nguyễn Đức Sáu - phân tích: “Nếu bị cáo không đồng ý thì tại sao Công ty PCI có thể vào làm việc trong thời gian lâu như vậy? Trên phương diện pháp lý, bị cáo là người đứng đầu về mặt hành chính, nay bị cáo khai như vậy có ổn không?”.

Khi thấy bị cáo Sĩ vẫn quanh co, chủ tọa phiên tòa “nhắc” cho bị cáo nhớ: Lời khai của các nhân chứng cho thấy trong các cuộc họp, bị cáo giao cho bị cáo Lê Quả lo liệu sao cho việc thuê nhà phải chặt chẽ về thủ tục chứ không yêu cầu chấm dứt việc cho thuê nhà.

Đối với việc chia tiền trong nội bộ BQL Dự án, bị cáo Sĩ thừa nhận có nhận tiền nhưng không biết nguồn gốc số tiền này. Nghe đến đây, chủ tọa phiên tòa truy: “Những nhân viên lái xe, kế toán trong BQL Dự án khi ký nhận tiền còn biết số tiền này từ đâu mà có, vậy mà bị cáo là giám đốc, là chủ tài khoản của BQL Dự án lại nói không biết là không thể chấp nhận được. Bị cáo không phải chỉ ký nhận 1 - 2 lần mà trực tiếp ký nhận đến 32 lần, 10 lần còn lại do người khác ký giùm”.

Buổi chiều, phần thẩm vấn kết thúc. Mở đầu phần tranh luận, thừa ủy quyền của VKSND Tối cao, đại diện VKSND TPHCM thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã phát biểu quan điểm và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.

Theo công tố viên, đây là vụ án từng gây xôn xao dư luận, đặc biệt là người dân TPHCM cũng như thu hút sự quan tâm của báo chí trong và ngoài nước, gây thiệt hại đến niềm tin của người dân vào cơ quan Nhà nước. Hành vi của các bị cáo gây hậu quả rất nguy hiểm, cần cách ly khỏi xã hội một thời gian. Suốt 16 tháng với 42 lần nhận tiền, bị cáo Sĩ không thể nói rằng không biết nguồn gốc số tiền ở đâu ra là không thể chấp nhận được, từ đó cho thấy sự thiếu thành khẩn của bị cáo. Vì những lẽ trên, công tố viên đề nghị hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Sĩ và bị cáo Quả mỗi bị cáo từ 5 đến 6 năm tù giam về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.

Ngày mai, phiên tòa tiếp tục làm việc.

ÁI CHÂN

Tin bài liên quan Vụ sai phạm
tại BQL Dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TPHCM

>> Nguyên Phó Giám đốc Sở GTCC Huỳnh Ngọc Sĩ chuẩn bị hầu tòa
>> Khởi tố, bắt tạm giam nguyên giám đốc, phó giám đốc Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây - Môi trường nước TPHCM
>> Khởi tố vụ án đưa và nhận hối lộ tại Dự án đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TPHCM
>> Tạm đình chỉ công tác Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, Giám đốc BQL Dự án đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP Huỳnh Ngọc Sĩ

Tin cùng chuyên mục