Cầm cố sổ nghêu, mới nghe hết sức xa lạ nhưng việc này đang diễn ra rầm rộ ở vùng ven biển Bến Tre, nơi có nghề nuôi nghêu và xuất khẩu nghêu nổi tiếng ở ĐBSCL từ nhiều năm qua.
Ăn trước trả sau
Những ngày đầu tháng 10-2014, chúng tôi về xã Thừa Đức thuộc huyện biển Bình Đại, một trong những nơi có “mỏ nghêu” khá lớn ở tỉnh Bến Tre. Nếu như trước đây người dân thường bàn với nhau về vụ nghêu, giá bán cao, được chia lãi ra sao…, thì nay mọi chuyện trái ngược khi chỉ nghe mọi người trao đổi về việc cầm cố sổ nghêu. Chị Phạm Thanh Phượng, ngụ ấp Thừa Thạnh (xã Thừa Đức, xã viên HTX Thủy sản Đồng Tâm), bộc bạch: “Gia đình tui có 4 nhân khẩu nhưng mấy năm nay HTX Thủy sản Đồng Tâm làm ăn sập xệ nên xã viên không được gì. Túng quẫn quá nên tui mang sổ nghêu đi cầm 20 triệu đồng lấy tiền xoay xở trong nhà”. Với mức lãi cầm cố 4% nên mỗi tháng chị Phượng phải đóng lãi cho chủ 800.000 đồng.
Kinh tế khó khăn nên số tiền lãi trên là quá sức, vì vậy gần 4 năm qua chị Phượng đành “treo” sổ nghêu luôn bởi không cách nào chuộc lại được. Đồng cảnh ngộ, gia đình chị Phan Thị Hòa, ở ấp Thừa Tiên (xã Thừa Đức) cũng thuộc diện “ăn trước trả sau”. Chị Hòa tâm sự: “Vợ chồng tui định cư ở đây lâu rồi, cứ mỗi sáng mở cửa ra là nhìn thấy biển, còn lùi lại phía sau là những dãy đất giồng cát, rồi đất trồng rừng đước. Nhà nghèo, đất đai chẳng có gì nên tui xin tham gia vào HTX nhằm góp phần giữ nghêu, nuôi nghêu… kiếm sống. Mấy năm đầu được chia lãi khá nên ai cũng mừng, sau đó lãi cứ giảm dần và có năm không chia khiến xã viên chán nản. Riêng gia đình tui mất nguồn thu nên buộc lòng phải mang sổ nghêu ra cầm “đứt đuôi” với giá 20 triệu đồng, thời hạn 10 năm”.
Khai thác nghêu ở Thừa Đức
Chuyện cầm cố sổ nghêu hầu như lan rộng khắp các ấp ở xã Thừa Đức và hình thức cầm cũng rất nhiều dạng khác nhau. Ông Võ Văn Út, ngụ ấp Thừa Trung, xã Thừa Đức cho biết, bình quân 1 nhân khẩu trong sổ nghêu (sổ nghêu có từ 2 - 10 nhân khẩu, tùy theo thành viên trong nhà) có thể cầm được 5 triệu đồng. Mức lãi dao động từ 4% - 6%, tùy theo quen biết, uy tín hoặc đóng lãi tháng hay lãi năm… Ngoài ra cũng có thể cầm sổ nghêu kiểu “bán đứt”, như thỏa thuận từ 15 - 20 triệu đồng/sổ, rồi giao đứt cho chủ cầm cố có quyền nhận tiền chia hàng tháng từ HTX, kèm thời hạn 5 năm hoặc 10 năm… khi hết hợp đồng sẽ giao lại sổ. Nói chung cầm kiểu gì cũng có, vấn đề là mức lãi cao hay thấp mà thôi. “Ở các xã khác tui không biết, chứ còn xã này có hàng loạt hộ đi cầm cố sổ nghêu một cách công khai. Nhà nào có đất đai khi muốn vay vốn phải lấy “sổ đỏ” ra ngân hàng nhưng gặp phiền phức thủ tục, giấy tờ… Trong khi cầm sổ nghêu rất đơn giản, chỉ cần hai bên ghi vài chữ viết tay là xong, nhận tiền được liền; tui cầm sổ nghêu đã 3 năm mà có giấy tờ gì đâu…” - ông Út lý giải.
Khẩn trương xử lý…
Nguyên nhân sâu xa của việc dẫn tới hàng loạt hộ xã viên mang sổ nghêu đi cầm cố là do HTX Thủy sản Đồng Tâm làm ăn không hiệu quả, việc thu chi thiếu minh bạch… làm cho xã viên bất bình và quay lưng với HTX.
Qua tìm hiểu được biết, khoảng năm 2000, UBND tỉnh Bến Tre giao cho HTX Thủy sản Đồng Tâm quản lý và khai thác bãi nghêu rộng hơn 600ha. Nơi đây được “trời phú” cho nguồn nghêu dồi dào, sản lượng lớn và có thể khai thác quanh năm. Theo quy định, người dân có hộ khẩu trong xã từ 2 năm trở lên và góp vốn ban đầu 160.000 đồng/người thì đủ điều kiện trở thành xã viên của HTX. Do đó, khoảng 8.500 nhân khẩu ở xã Thừa Đức đều là thành viên HTX Thủy sản Đồng Tâm. Nhiều hộ cho biết, hồi trước mỗi tháng thu hoạch nghêu 2 lần theo con nước kém và được chia lời khoảng 100.000 đồng/người/tháng. Nếu nhà nào có 5 người sẽ được chia 500.000 đồng/tháng, đủ tiền ăn gạo. Vài năm nay không hiểu HTX làm ăn kiểu gì mà cứ báo cáo không lời - không chia lãi… Cả năm 2013 HTX chỉ chia lãi một lần vỏn vẹn 200.000 đồng/người; riêng từ đầu năm 2014 tới nay không được chia đồng nào. Do HTX có nhiều khuất tất trong tài chính… nên giữa tháng 7-2014 có hàng ngàn người “nổi giận” phá tan hoang bãi nghêu, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Ai cũng biết khi người dân tham gia vào HTX và được cấp sổ nghêu là có trách nhiệm cùng HTX giữ gìn và phát triển bãi nghêu. Đây là quyền lợi của từng xã viên, đồng thời là nguồn kinh tế lớn mà trời ban cho người dân Thừa Đức. Tuy nhiên, do xã viên bất bình với HTX nên ào ạt cầm cố sổ nghêu, từ đó lơ là trong việc bảo vệ bãi nghêu, dẫn tới những thiệt hại lớn. Điều khó hiểu là thời gian qua chẳng những HTX không đứng ra ngăn chặn “làn sóng” cầm cố sổ nghêu, ngược lại còn thờ ơ để các chủ cầm cố tự tới HTX nhận tiền lãi (nhận thay xã viên) một cách sai quy định. Ông Lê Ngọc Phú, vừa được bầu làm Chủ nhiệm HTX Thủy sản Đồng Tâm, nhìn nhận: “Ban chủ nhiệm cũ của HTX đã bị thay đổi hết. Cuối tháng 9-2014 vừa tổ chức đại hội bầu lại ban chủ nhiệm mới. Ban chủ nhiệm có nghe chuyện này và thống nhất cầm cố sổ nghêu là không hợp lệ, bởi việc này sẽ khiến xã viên giảm trách nhiệm với HTX, với bãi nghêu. Vài ngày tới HTX sẽ họp bàn và chấn chỉnh ngay vấn đề bức xúc này”.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Cao Văn Viết, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre, cho biết: “Lâu nay không nghe địa phương báo cáo việc này, nhưng quan điểm của sở là không đồng tình chuyện xã viên ùn ùn cầm cố sổ nghêu. Cần thấy rằng, HTX muốn phát triển thì xã viên phải đồng lòng và cùng chung tay. Ở đó sổ nghêu sẽ thể hiện sự chia lãi nhiều hay ít, tùy vào lợi nhuận của HTX. Mà muốn lợi nhuận nhiều thì mọi người phải giữ gìn và phát triển bãi nghêu. Chính vì thế, không thể chấp nhận xã viên cầm sổ nghêu rồi vơi đi trách nhiệm với bãi nghêu được. Lãnh đạo sở sẽ trao đổi ngay với Huyện ủy, UBND huyện Bình Đại chấn chỉnh việc này; đồng thời tìm cách vực dậy HTX Thủy sản Đồng Tâm mạnh lên để bà con tin tưởng, toàn tâm toàn ý với HTX…”.
HUỲNH PHƯỚC LỢI