Vững biên cương từ hậu phương

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng để giữ nước trong thời bình, người lính vẫn phải đổ mồ hôi trên thao trường nắng rát, luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu; đồng thời vừa tham gia xây dựng hậu phương. Việc làm ấy nhằm củng cố lòng dân - hậu phương vững chắc của người lính Cụ Hồ.

Nối kết đồng bào với lực lượng vũ trang

Tháng tư này, gia đình của chiến sĩ Nguyễn Giang Phong Hào (Trung đoàn 4, Sư đoàn 5, Quân khu 7) vào ở căn nhà mới tròn nửa năm. Ở đơn vị, chiến sĩ trẻ Phong Hào đã an tâm công tác hơn, vì không còn bận tâm về nơi ở của cha mình mỗi khi trời mưa gió.

Căn nhà mới dành cho gia đình chiến sĩ trẻ Phong Hào nằm ở xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, thuộc chương trình “Căn nhà hậu phương”, dành cho gia đình chiến sĩ gặp khó khăn, do Ban Chỉ huy Quân sự huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai) thực hiện.

Thượng tá Nguyễn Tống Quế, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Định Quán, cho biết, chương trình “Căn nhà hậu phương” được đơn vị thực hiện từ năm 2020 và đến nay đã xây dựng được 12 căn nhà tại nhiều xã trên địa bàn huyện.

Trung tá Đỗ Huy Hạnh, Trưởng Phòng Dân vận, Cục Chính trị Quân khu 7, thông tin, chương trình “Căn nhà hậu phương” đang được thực hiện mở rộng trên toàn địa bàn của Quân khu 7. Đến nay, đã có hàng trăm công trình văn hóa, hàng ngàn căn nhà nghĩa tình quân dân đã được xây dựng ở TPHCM, Đồng Nai, Tây Ninh...

Riêng năm 2021, Quân khu 7 cùng các địa phương đã xây dựng 34 công trình văn hóa và 300 căn nhà nghĩa tình quân dân. Đặc biệt, những công trình văn hóa, nhà ở dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và các tôn giáo đã thực sự trở thành sợi dây nối kết đồng bào với lực lượng vũ trang.

Vững biên cương từ hậu phương ảnh 1 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước kiểm tra chất lượng dụng cụ thể dục thể thao trước khi bàn giao cho người dân sử dụng. Ảnh: THẾ ANH

Tương tự, những người lính mang quân hàm xanh (bộ đội biên phòng) nhiều năm qua vẫn duy trì các chương trình học bổng dành cho con em bộ đội biên phòng và học sinh vùng biên giới. Đó là các chương trình “Nâng bước em đến trường”, “Vòng tay đồng đội”, “Tiếp sức cho học sinh nghèo vùng biên đến trường”... được triển khai trong toàn lực lượng, đến từng địa phương, đồn chốt. Các chương trình này không những giúp người lính biên phòng vững tay súng nơi biên giới, mà còn xây dựng thế hệ “lính quân hàm xanh” cho mai sau.

Thiếu tướng Lê Thái Ngọc, Phó Ban Thường trực Ban liên lạc truyền thống Bộ đội Biên phòng, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, nhận xét, các chương trình trao học bổng là việc làm mang tính chiến lược của bộ đội biên phòng. Bởi hoạt động này vừa chăm lo cho hậu phương của người lính hôm nay, vừa góp phần vun trồng cho những thế hệ kế cận. Chỉ riêng Ban liên lạc truyền thống Bộ đội Biên phòng đã trao học bổng cho gần 1.500 sinh viên, với số tiền trên 2,5 tỷ đồng. Nhiều sinh viên nhận học bổng nay đã trưởng thành, là những chiến sĩ, sĩ quan trong lực lượng biên phòng, ngày đêm cần súng bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Hậu phương vững chắc của người lính

Thiếu tướng Hoàng Đình Chung, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7, chia sẻ, để giữ nước trong thời bình, “thành cao hào sâu”, vũ khí hiện đại là quan trọng nhưng chưa đủ, mà còn cần phải làm tốt công tác hậu phương quân đội, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.

“Trong chiến tranh hay thời bình, mỗi bước chân của người lính và cả khi đã ngã xuống đều có người dân bên cạnh. Lòng dân là hậu phương lớn, vững chắc của người lính Cụ Hồ”, Thiếu tướng Hoàng Đình Chung nhấn mạnh.

Vì thế, những năm qua, lực lượng vũ trang trên địa bàn quân khu đã nỗ lực xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, bằng những sáng kiến, việc làm thiết thực, được người dân đồng lòng ủng hộ. Đặc biệt, trong giai đoạn cả nước căng mình phòng chống dịch Covid-19, đã có hàng loạt sáng kiến giúp dân do bộ đội thực hiện, như “Nhà trọ 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”, “Phiên chợ 0 đồng”, “Hũ gạo tình thương”, “Bữa cơm tình nghĩa”, “Tủ cơm, cháo miễn phí”...

Những sáng kiến luôn có sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp. Chỉ trong thời gian ngắn, các doanh nghiệp, cá nhân đã đóng góp trên 800 tỷ đồng để bộ đội chống dịch. Từ nguồn lực này, lực lượng vũ trang quân khu đã tổ chức hàng trăm phiên chợ 0 đồng và trao hàng chục ngàn phần quà nghĩa tình, túi an sinh, túi y tế đến người dân.

Tháng tư này, trong niềm vui kỷ niệm ngày đất nước thống nhất, vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa về với gia đình, đồng đội. Nỗi nhớ của nhiều gia đình có người thân hy sinh vẫn còn đó. Do đó, với từng sự kiện tìm thấy hài cốt liệt sĩ đã mang đến niềm vui vỡ òa không chỉ cho thân nhân, gia đình mà còn đối với lực lượng vũ trang.

Mới đây, tại ấp Bầu Bông, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, một hộ dân ở địa phương trong lúc đào ao nuôi tôm đã phát hiện 2 hài cốt liệt sĩ. Nhận được thông tin, cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nhơn Trạch đã có mặt để tiếp tục tìm kiếm và đưa 28  liệt sĩ về với gia đình, đồng đội.

Theo số liệu từ Bộ Tư lệnh Quân khu 7, trong 8 năm gần đây, lực lượng vũ trang quân khu đã quy tập được 1.217 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 399 hài cốt liệt sĩ có tên.

Thiếu tướng Hoàng Đình Chung nhận xét, chương trình tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ chính trị thiêng liêng, bức thiết, quan trọng hàng đầu trong chính sách “đền ơn đáp nghĩa”.

Trong chiến tranh, bà con cùng bộ đội chiến đấu. Trong thời bình, người dân ở các địa phương trên chiến trường xưa vẫn tiếp tục đồng hành cùng bộ đội đi tìm kiếm, quy tập để đưa những liệt sĩ trở về gia đình.

Tin cùng chuyên mục