Vững chắc “thế trận lòng dân”

“Thế trận lòng dân” là thành trì kiên cố suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Trước tình hình mới, “lòng dân” càng có vị trí đặc biệt trong chiến lược an ninh quốc phòng. Lực lượng quân đội chính là xúc tác, gắn kết nhân dân với bức tranh quốc phòng toàn dân. 
Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với đại tá Nguyễn Duy Thắng, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) TPHCM, xung quanh vấn đề trên.
- PHÓNG VIÊN: Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, toàn diện, gắn với thế trận an ninh nhân dân là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước. Qua thực tế hoạt động của BĐBP, đồng chí có thể phân tích rõ hơn vấn đề trên?
- Đại tá NGUYỄN DUY THẮNG: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng thế trận lòng dân, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân”. Vừa qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nhắc nhở: “Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng sinh ra từ nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu”. Quan điểm xây dựng “Thế trận lòng dân” là nhất quán, xuyên suốt sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là nhiệm vụ trọng yếu mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân quán triệt sâu sắc, nghiêm túc thực hiện. 
Nhân dân là xương sống trên mọi mặt trận. Thế trận lòng dân là thành trì kiên cố trong sự nghiệp bảo vệ đất nước; được hình thành trên cơ sở lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí quyết tâm chiến đấu bảo vệ đất nước của nhân dân. Thế trận lòng dân chính là niềm tin nhân dân gửi gắm vào Đảng, Nhà nước, là tình cảm gắn bó với quân đội nhân dân. Với BĐBP, đồng bào là chỗ dựa, che chở, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần; trực tiếp đóng góp nguồn lực, tham gia bảo vệ biên giới. Khi có kẻ thù, nhân dân sẽ trở thành chiến sĩ.
Vững chắc “thế trận lòng dân” ảnh 1 Bộ đội Biên phòng TPHCM trao học bổng cho học sinh nghèo huyện Cần Giờ. Ảnh: VIỆT NGA                                               
- Lực lượng BĐBP TPHCM đã và đang thực hiện nhiệm vụ trên như thế nào? 
- Lực lượng quân đội nói chung, BĐBP nói riêng, cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng thế trận lòng dân bằng những việc làm thiết thực nhất. Ngoài sẵn sàng chiến đấu, các đơn vị tham gia nhiều hoạt động phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Tiêu biểu là tổ chức dạy học, khám chữa bệnh, xóa đói giảm nghèo; nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. BĐBP là lực lượng nòng cốt trong tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ; phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Không chỉ vậy, BĐBP nỗ lực hỗ trợ ngư dân, tuyên truyền để ngư dân đánh bắt đúng ngư trường quy định, gắn với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo.  
Bên cạnh đó, xây dựng, củng cố cơ sở chính trị là đầu việc quan trọng nhất. Các đơn vị quân đội - đặc biệt là biên phòng - gần dân, sát dân, thường xuyên nắm chắc tình hình hệ thống chính trị ở cơ sở; kịp thời phát hiện, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương có kế hoạch củng cố tổ chức chính quyền, đoàn thể. Đặc biệt, các đơn vị hoạt động ở biên giới, địa bàn phức tạp luôn chú trọng bồi dưỡng, tạo mối thân tình với những người có uy tín, tầm ảnh hưởng trong quần chúng nhân dân. Quân đội cần dựa vào lực lượng chính trị nòng cốt, người có uy tín trong mọi tổ chức đoàn thể, tôn giáo và những quần chúng tốt, lấy đó làm chỗ dựa vận động nhân dân. Từ đó, quân đội xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, chống lại âm mưu chống phá của thế lực thù địch, âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Ở TPHCM, BĐBP tham mưu cho UBND TP thành lập ban chỉ đạo  và triển khai thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trong tình hình mới (Chỉ thị số 01/CT-TTg); phối hợp các cơ quan chức năng thực hiện đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo”. Đây là cơ sở đẩy mạnh vận động người dân ý thức, nâng cao cảnh giác, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền. 
Có thể nói, những việc làm trên đã tạo nên tình quân - dân son sắt. 
- Đồng chí đánh giá như thế nào về những giải pháp xây dựng “thế trận lòng dân” mà quân đội ta, trong đó có BĐBP, đã và đang thực hiện?
Kết quả ý nghĩa nhất là nhận thức của đồng bào về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới ngày càng sâu sắc. Trong năm, nhân dân TPHCM cung cấp nhiều thông tin về hoạt động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo, tình hình tội phạm, an ninh trật tự. Nhờ vậy, BĐBP phát hiện và xử lý 163 đối tượng sai phạm. Dấy lên từ những cuộc vận động, tuyên truyền về Chỉ thị số 01/CT-TTg là sự ra đời của 13 tổ tự quản an ninh trật tự, 22 tổ tàu thuyền tự quản, 20 bến đò tự quản. Không chỉ ở TP, những mô hình trên ngày một lan tỏa và phát huy thế mạnh khắp nơi. 
Tình quân - dân ngày thêm gắn bó là yếu tố góp phần củng cố lòng tin trong nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, cấp ủy và chính quyền địa phương. 
-Trong thời gian tới, lực lượng quân đội nói chung, BĐBP nói riêng, cần đưa thêm giải pháp và triển khai như thế nào để tiếp tục vun đắp thế trận lòng dân?
- Tiếp tục phát huy kết quả có được, BĐBP không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”; làm cho phẩm chất bộ đội Cụ Hồ lan tỏa sâu rộng hơn trong điều kiện mới. Các hoạt động giúp đỡ nhân dân cần chú trọng cả chất lẫn lượng; tổ chức đúng thời điểm, hợp bối cảnh. BĐBP cùng chính quyền địa phương nâng cao hơn nữa hiệu quả phong trào bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trong tình hình mới, chung sức xây dựng nông thôn mới…
Quan trọng hơn, toàn quân, toàn dân tích cực đấu tranh chống lại luận điệu sai trái từ các thế lực chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ quân đội với nhân dân. Như lời Chủ tịch nước nhắc nhở: xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, toàn diện gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, phù hợp với thực tiễn và đặc điểm từng địa bàn, khu vực, nhất là địa bàn chiến lược và vùng biên giới, biển, đảo.

Tin cùng chuyên mục