Vùng đệm U Minh Thượng khởi sắc

Hơn 20 năm gắn bó, người dân vùng đệm ở Vườn quốc gia U Minh Thượng (huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) đã biến đất phèn hoang hóa thành đất canh tác hoa màu cho thu nhập quanh năm. Hàng ngàn hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình.
Cây chuối vùng đệm U Minh Thượng giúp nông dân tăng thu nhập
Cây chuối vùng đệm U Minh Thượng giúp nông dân tăng thu nhập

Chở che vùng lõi, nuôi sống người dân

Với diện tích gần 20.000ha, vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng như vòng tay ôm trọn lõi rừng tràm rộng hơn 8.000ha bên trong. Lõi rừng U Minh Thượng là một phần quan trọng của khu dự trữ sinh quyển thế giới của tỉnh Kiên Giang với sinh cảnh ngập nước, là môi trường sinh sống đối với nhiều loài thủy sản đặc hữu. Tuy nhiên, do đặc điểm đất úng phèn, nên phần lớn diện tích vùng đệm thời kỳ đầu phải bỏ hoang; người dân phải vào rừng bắt cá, lấy mật ong để đổi gạo sống qua ngày. 

Ông Bùi Ngọc Sương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, kể: “Nhìn thấy cảnh khó khăn của người dân và xác định tiềm năng vùng đệm hàng chục ngàn ha chưa được khai thác, nên Tỉnh ủy, UBND tỉnh lúc đó đã quyết định đầu tư khai hoang, phục hóa vùng đất phèn từ những năm 1990. Ngoài việc đào hàng chục con kênh dẫn nước, rửa phèn, tỉnh Kiên Giang cấp đất cho hơn 3.400 hộ dân (mỗi hộ 4ha đất), kèm hỗ trợ vốn để người dân phát triển sản xuất. Khoảng 10 năm đầu, mọi thứ tưởng chừng phá sản bởi nhiều hộ bỏ đi nơi khác do làm ăn không hiệu quả. Nhưng thời gian sau này bắt đầu chuyển biến dần theo hướng đi lên, đời sống người dân vùng đệm đã khá hơn rất nhiều; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo từ chỗ hơn 60% giảm xuống chỉ còn 5-6%”. 

Một trong những người gắn bó cả đời với vùng đệm là ông Nguyễn Thanh Phương (62 tuổi, ngụ xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng). Ông Phương tâm sự: “Cả chục năm như một cái chớp mắt, nhưng quá trình đi lên từ đất úng phèn thì là một quãng đời gian khó”. Theo ông Phương, lúc đầu người dân trồng khóm, mía. Được vài vụ có giá, có lời chút đỉnh thì cây khóm bí đầu ra, cây mía bán không đủ trả tiền thuê nhân công. Trồng tràm cũng vậy, bán được vài lứa rồi chặt bỏ vì không tiêu thụ được. Cái nghèo đeo bám dai như đỉa, nhiều khi nản chí muốn bỏ xứ đi làm mướn cho xong. “Nhưng cái tình với bà con chòm xóm, với mảnh đất quê hương nhắc mình ráng ở lại, ráng tìm cách bắt đồng đất quê mình phải nuôi sống mình, còn con cháu mình sau này nữa”, ông Phương nhớ lại. Dần dần rồi vùng đệm phát triển, người dân yên tâm gắn bó, bảo vệ vùng lõi, bảo vệ rừng; nhất là bảo tồn các loài thủy sản như cá lóc đồng, cá sặc rằn, cá thát lác rừng U Minh Thượng đều là đặc sản có tiếng. 

Chuyển đổi sản xuất đúng hướng

Những ngày cuối năm 2021, đường về vùng đệm U Minh Thượng rực rỡ hoa vàng khoe sắc. Đây cũng là thời điểm thu hoạch dưa hấu, dưa hoàng kim, gừng, chuối… xuất bán đi khắp mọi miền đất nước. Năm nay, gia đình ông Nguyễn Thanh Phương bán chuối, lúa, hoa màu từ 4ha đất, lời hơn 200 triệu đồng; vậy là cả nhà sẽ có một cái tết sung túc. Ông Nguyễn Quốc Khởi, Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng, khẳng định, nông dân ngày nay không còn làm nông nghiệp đơn thuần mà là làm kinh tế nông nghiệp; sản xuất bám nhu cầu thị trường. Thuận lợi là các vùng nông thôn đã có đường giao thông liên ấp, liên xã, liên huyện; có điện, nước và quan trọng là có mạng internet để nắm thông tin. 

Ông Trần Văn Lợi (ngụ xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng) cho biết, nông dân không còn kiểu thấy ai làm cái gì được là làm theo, mà hầu hết sản xuất theo đơn đặt hàng của thương lái. Đơn cử như trồng lúa loại thường (giống IR 50404) sẽ lời ít do giá thấp, chưa kể khó tiêu thụ. Thay vào đó, xu hướng thị trường đang chuyển sang tiêu thụ lúa hữu cơ, gạo sạch. Ngoài ra, trên một mảnh đất phải luân canh nhiều loại cây khác nhau để tạo thu nhập quanh năm. Mô hình cơ bản là dưới ruộng trồng lúa sạch, trên bờ trồng chuối, hoa màu, đào thêm mương để nuôi cá lóc, cá chép, cá sặc rằn.

Theo Phòng NN-PTNT huyện U Minh Thượng, khoảng 5 năm trở lại đây, chuối trở thành cây trồng chủ lực của vùng đệm U Minh Thượng. Mỗi hộ dân vùng đệm với diện tích 4ha, trừ thu nhập từ trồng lúa, nuôi cá thì mỗi tháng tiền bán chuối được thêm 6-7 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Nên (ngụ tỉnh An Giang), thương lái thu mua chuối, cho biết, sản phẩm chuối dễ tiêu thụ. Ngoài việc đưa ra chợ bán lẻ thì phần lớn lượng chuối được tiêu thụ trong các xưởng làm bánh kẹo, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu; chưa kể chuối trồng VietGAP xuất khẩu khá tốt. Không chỉ bán trái, mà bắp chuối (hoa chuối) còn được thương lái mua giá 7.000 đồng/bắp; lá chuối cũng bán được 12.000 đồng/kg.

“Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, gắn với thị trường, đa dạng cây trồng, vật nuôi, tận dụng tối đa diện tích đất canh tác… đã giúp cư dân vùng đệm U Minh Thượng phát triển bền vững. Hiện tại, ở 2 xã Minh Thuận và An Minh Bắc (thuộc vùng đệm) đã có khoảng 85% hộ dân có thu nhập từ mức khá trở lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5% mỗi năm. Vùng đệm U Minh Thượng giờ đã khởi sắc”, Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng Nguyễn Quốc Khởi cho biết.

Tin cùng chuyên mục