Hệ thống hạ tầng giao thông đô thị có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế vùng. Tuy nhiên, theo nhận định của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại hội nghị Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam diễn ra tại TPHCM vào sáng 12-8, thì việc kết nối giao thông vùng hiện nay chưa chặt chẽ, còn ách tắc, đặc biệt tại các cửa ngõ. Đây là một trong những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế vùng.
Cùng với hạn chế trên, theo nhận định của các đại biểu, việc thực hiện liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thời gian qua cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc khác. Trong đó, vẫn chưa có cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành với các địa phương về cơ chế, chính sách cho vùng. Các tỉnh, thành vẫn chưa tìm được cơ chế, giải pháp phù hợp chung với sự ràng buộc trách nhiệm rõ ràng trong phân công, phân nhiệm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội các tỉnh, thành trong vùng chưa được đầu tư đồng bộ…
Dẫn chứng việc phối hợp giải quyết các vấn đề chung giữa các địa phương trong vùng vẫn chưa hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng nêu: TPHCM và Bình Dương cùng xử lý việc ô nhiễm kênh Ba Bò nhưng nhiều năm qua việc xử lý vẫn chưa xong. Đó là vì cơ chế phối hợp vùng còn khá rời rạc, chưa có tầm nhìn của vùng. Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Dĩnh cho biết, tình trạng ô nhiễm dòng sông Đồng Nai rất đáng lo ngại, do chưa đưa ra những quy định rõ về phát triển công nghiệp phải là công nghiệp sạch. Liên quan đến kết nối thị trường, theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, việc kết nối giữa các địa phương trong vùng vẫn loay hoay, không biết trồng cây gì, nuôi con gì, tiêu thụ ở đâu?
Để giải quyết những hạn chế trên, các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tính đến việc cùng kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành trong phân cấp quản lý nhà nước giữa Trung ương và các địa phương liên quan đến những vấn đề về chuyển giao ngân sách, vay nợ chính quyền địa phương, quy hoạch sử dụng đất toàn vùng, liên kết giao thông đường bộ, đường thủy vùng. Cụ thể, các địa phương sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ việc chuyển giao ngân sách giữa Trung ương và các địa phương bằng xác định mức bổ sung cho các địa phương từ tổng nguồn ngân sách phải cân bằng, không làm mất quyền chủ động của địa phương, thu hẹp sự chênh lệch năng lực tài khóa (nguồn thu) và nhu cầu chi.
Các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng kiến nghị Chính phủ quy định các giới hạn vay nợ của chính quyền địa phương trên cơ sở gắn với khả năng trả nợ của địa phương. Cho phép các tỉnh, thành trong vùng xây dựng cơ chế tài chính - ngân sách, tạo nguồn thu để xây dựng, phát triển vùng đô thị TPHCM thành trung tâm tài chính của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, các địa phương vùng dự kiến sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép hình thành Quỹ đầu tư cho vùng để tập trung đầu tư cho các dự án cấp vùng. Ngoài những kiến nghị về ngân sách, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng dự kiến đề nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các tỉnh, thành trong vùng xây dựng quy hoạch sử dụng đất toàn vùng. Đối với các khu - cụm công nghiệp cần có định chế kiểm soát toàn vùng về vận hành hệ thống xử lý nước thải tương ứng với điều kiện sản xuất thực tế, không để thải nước thải ô nhiễm vào vùng tiếp nhận.
Liên quan đến hạ tầng giao thông vùng, đại diện UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng cần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung kết nối tuyến đường sắt đô thị (metro) từ TPHCM đến không chỉ Long Thành mà kéo dài đến Vũng Tàu để tạo liên kết giao thông vùng. Các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng muốn Chính phủ xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí các địa phương vùng biên thực hiện đầu tư hạ tầng giao thông, thương mại và dịch vụ tại các khu kinh tế cửa khẩu nhằm hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua Campuchia và các nước Đông Nam Á (quá cảnh qua Campuchia); xúc tiến mở các tuyến đường bộ từ các cửa khẩu Tây Ninh, Bình Phước quá cảnh Campuchia để vận chuyển hàng hóa sang Thái Lan; sớm đầu tư dự án quốc lộ 14C nối dài, đường tuần tra biên giới và quốc lộ 22B.
|
VÂN ANH