Vùng trũng

...Những khái niệm bay bổng nhất đều dành cho bất động sản (BĐS): đầu kéo của nền kinh tế, trụ cột của nền kinh tế, BĐS đóng băng làm tê liệt thị trường tài chính - tiền tệ gây khủng hoảng nền kinh tế… chúng xuất hiện tại bất cứ hội thảo, hội nghị liên quan; tất cả các vị lãnh đạo từ địa phương đến trung ương, các bộ ngành đều nhận định như thế. BĐS tồn kho được coi nghiêm trọng, làm “nóng” Quốc hội tại cuộc họp vừa rồi; kỳ họp HĐNDTP cũng nhắc đến rất sốt ruột!
 
Nói vậy nhưng không phải vậy. Gác cổng cho thị trường BĐS, nhiều năm qua Bộ Xây dựng miệt mài trình hết chính sách này đến giải pháp khác tháo gỡ thị trường đóng băng. Chẳng hạn, trình đề án thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở; trình dự thảo nghị định mua lại nhà thương mại làm nhà tái định cư. Mới đây bộ này gửi văn bản Bộ Tài chính kiến nghị bổ sung nội dung ưu đãi trong Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nhà ở: giảm 50% thuế VAT đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội; giảm 50% thuế VAT đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở đối với những căn hộ dưới 70m2 sàn sử dụng và giá bán dưới 15 triệu đồng/m² sàn sử dụng…

Cách nay chưa đầy tháng, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà, đã tiết lộ: “Tôi đã ký văn bản trình bộ trưởng cho phép chẻ nhỏ căn hộ, gồm dự án đã xây xong, đang xây và sắp xây. Đây là thẩm quyền của bộ, thủ tục rất đơn giản, không phải phê duyệt lôi thôi”. Cứ thế, lâu lâu một lãnh đạo của bộ công bố “chúng tôi vừa trình…”, như làm quà cho những ai quan tâm, rồi cuối cùng lại hụt hẫng vì chẳng thấy đâu! Bản thân mình quyết lại không ký, còn trình ở đẩu ở đâu!

Chưa hết, Hiệp hội BĐS TPHCM vốn năng động, bươn chải thuộc hàng đầu của các hiệp hội, từ khi thị trường đóng băng đến nay, tự tổ chức hội họp, tổ chức giúp cho các đơn vị khác; sẵn sàng “kêu” nếu có bất cứ chính sách nào gây ách tắc thị trường. Có những diễn giả “nhẵn mặt” đến nỗi, mới chuẩn bị phát biểu nhưng người nghe đã biết nói nội dung gì. Kiến nghị của hiệp hội gửi cho thành phố, bộ, Chính phủ liên tục; có những điều tuy không đọc nhưng biết chắc chắn đã nêu tới, “thường trực” trên mọi văn bản như Nghị định 69! Nhiệt tình là thế, “kêu” đến vậy nhưng kết quả cho tới giờ hiệp hội này cũng chỉ là “bà đỡ” tinh thần, bởi chưa có văn bản nào phản hồi để sửa đổi…
 
Bệnh của BĐS là gì, gần như chưa giải mã được, thể hiện qua hàng tồn kho. Con số có độ vênh lớn giữa cơ quan chức năng và các công ty nghiên cứu thị trường. Số liệu của Sở Xây dựng TPHCM, căn hộ tồn kho khoảng 20.000 căn; Dragon Capital nói 35.000 căn hộ; CBRE ước 18.000 căn; báo cáo của Hiệp hội Bất động sản cuối quý 2-2012 là 47.000 căn hộ; mới đây Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng công bố 10.108 căn. Số hàng tồn kho nhảy múa dẫn đến nhìn nhận khác nhau, nếu hàng tồn kho cao, tiền của đóng băng lớn, dẫn đến nguy hại nền kinh tế; khi công bố hàng tồn kho thấp, sẽ không đáng quan ngại. Có phải vì dự báo hàng tồn kho thấp, cho nên đến nay không có văn bản nào mở đường dẫn lối, giải quyết hàng tồn kho, xóa bỏ nợ xấu, bơm vốn cho dự án bị ngừng thi công, hoàn tất dự án dở dang?

Vì sao tháo gỡ khó khăn của thị trường BĐS lại chậm chạp đến như vậy? Một lĩnh vực gọi là “rừng luật” nhưng cần văn bản “cởi trói” lại không có, phải chăng đang chờ đợi một yếu tố nào đó, hoặc chưa phải lúc? BĐS lại tiếp tục sa vào “vùng trũng” của nền kinh tế!

LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục