Mỗi năm TPHCM và quận Thủ Đức phải đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây mới, nâng cấp hệ thống bờ bao cho vùng trũng Thủ Đức. Thế nhưng, mức đỉnh triều ngày càng cao đã khiến toàn bộ hệ thống bờ bao bằng đất hoặc tường gạch hiện nay không còn đứng vững.
Bó tay khi triều lên đến 1,68m
Rạch Gò Dưa từ sông Sài Gòn chia thành từng nhánh nhỏ len sâu vào các phường Hiệp Bình Chánh, Linh Đông, Tam Phú. Rạch Đĩa cũng từ sông Sài Gòn chảy giữa phường Hiệp Bình Chánh và Hiệp Bình Phước. Từ lâu, để ngăn triều dâng tràn vào ruộng vườn, người dân các vùng trũng Thủ Đức đã đào đắp hệ thống bờ bao bằng đất. Do hậu quả của đô thị hóa khiến kênh rạch bị lấn hẹp dần dòng chảy, và biến đổi khí hậu, nước biển dâng, mực nước trên các con rạch ngày một cao mỗi khi triều cường. Những bờ bao bằng đất không còn trụ vững trước triều cường. Chừng hơn 10 năm trở lại đây, vùng trũng Thủ Đức đưa ra sáng kiến dùng gạch xây tường ngăn nước thay cho bờ bao. Bờ bao bằng tường gạch trên móng bằng cừ tràm đã phát huy hiệu quả. Nay hầu hết bờ rạch ở phường Linh Đông, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước đã được xây tường gạch chống ngập.
Theo ghi nhận của người dân địa phương, từ khi có bờ bao bằng tường gạch, tình trạng vỡ bờ bao mỗi khi triều cường giảm đáng kể. Tình trạng cứ triều cường là vỡ bờ bao dần chấm dứt. Người dân ở vùng trũng Thủ Đức đã an tâm trồng trọt, đào ao nuôi cá. Nhưng 2 - 3 năm trở lại đây, vùng trũng Thủ Đức lại đối mặt với nguy cơ vỡ bờ bao khi triều cường ngày một cao. Năm 2011 đỉnh triều cường trên sông Sài Gòn là 1,58m, sang năm 2012 lên 1,62m và đến năm 2013 lên đến 1,68m. Dự báo đỉnh triều 1,68m vẫn chưa phải là đỉnh điểm của triều cường, sẽ còn tăng cao hơn nữa trong những năm tới. Nước triều quá cao đã tạo ra áp lực rất lớn đối với hệ thống bờ bao. Bờ bao không chỉ đảm nhận chức năng ngăn ngập nước mà trở thành đập chắn nước. Do vậy bờ bao xây bằng gạch không còn đứng vững trước mức triều mới. Hồi tháng 12-2013, nước triều dâng cao, tạo áp lực lớn, đã cuốn trôi đoạn bờ bao bằng gạch tại khu phố 8 phường Hiệp Bình Chánh, nhà cửa, vườn cây của hàng trăm gia đình bị chìm sâu trong nước.
Ông Nguyễn Văn Ngà đã nhiều năm phụ trách công tác thủy lợi ở phường Hiệp Bình Chánh cho biết, không riêng Hiệp Bình Chánh mà nhiều phường thuộc vùng trũng Thủ Đức có chung đặc điểm nền đất rất yếu, nên bờ bao sụt lún nhanh. Bờ bao bằng tường gạch đã khắc phục được tình trạng lở, lún, nhưng quá mỏng nên chỉ ngăn được nước trong điều kiện triều thấp. Trong điều kiện mực nước cao như hiện nay, tường gạch không còn chịu đựng nổi.
Cần phương án tổng thể
Không riêng vùng trũng Thủ Đức, mà cả TPHCM đang phải đối mặt tình trạng ngập do triều cường. Trong điều kiện nước biển dâng cao, triều cường đang trở thành vấn nạn, gây vỡ bờ bao, ngập đường sá, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Thế nhưng, với cách be bờ ngăn nước như hiện nay, tiền tỷ đã đầu tư nhưng ngập vẫn ngập. Thực tế cho thấy để chống ngập cho vùng trũng, đòi hỏi phải có một giải pháp tổng thể, đồng bộ. Ngoài việc đã thay thế một đoạn bờ bao tường gạch bằng bờ bao bằng cừ vách nhựa uPVC, TP có phương án xây dựng cống ngăn triều tại các cửa rạch và hồ điều tiết. Quy mô của các dự án này đều vượt khả năng của cấp quận nên người dân cũng như chính quyền cơ sở phải chờ sự đầu tư của TP và trung ương.
Trong khi các dự án lớn đang phải chờ cấp trên, thì việc thay thế tường gạch ngăn triều bằng cừ vách nhựa uPVC là phương án tối ưu được đánh giá cao. Không chỉ tạo mỹ quan đô thị, trong những đợt triều cường cuối năm 2013 những đoạn bờ bao bằng cừ vách nhựa uPVC đã phát huy tác dụng ngăn nước tốt. Ông Lưu Trọng Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Tam Phú, cho biết: “Phường Tam Phú là địa phương được xây dựng thí điểm bờ bao bằng cừ vách nhựa uPVC, đã cho thấy hiệu quả ngăn nước tốt, không bị rò nước và ít bị lún. Người dân cũng như chính quyền địa phương rất mong sớm thay thế toàn bộ bờ bao tường gạch bằng bờ bao bằng cừ vách nhựa uPVC để khỏi lo vỡ bờ khi triều cường”.
TRẦN YÊN