Vững vàng nơi đầu sóng

“Mắt thần” cực Tây Nam
Vững vàng nơi đầu sóng

Biển đảo Tây Nam - diện mạo và tư thế

LTS: Vừa qua, được sự hỗ trợ của Bộ Tư lệnh, Chính ủy Hải quân Vùng 5, Đoàn công tác của Báo SGGP đã có dịp đến thăm, tặng quà tại các đảo chốt tiền tiêu, triển khai bước đầu chương trình “Chăm lo hậu phương - vững lòng biển đảo”. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những khó khăn gian khổ và sức chịu đựng, nỗ lực vượt khó của cán bộ chiến sĩ Hải quân vùng 5 đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo Tây Nam thiêng liêng của Tổ quốc.

Vùng biển Tây Nam nước ta tính từ mũi Cà Mau đến Hà Tiên (Kiên Giang) dài gần 300km, diện tích hơn 300.000km², giáp giới với vùng biển các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia. Có 150 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó, Phú Quốc là đảo lớn nhất, vùng biển này chiếm vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội của đất nước.

Một góc biển đảo Tây Nam. Ảnh: THÁI BẰNG

Một góc biển đảo Tây Nam. Ảnh: THÁI BẰNG

“Mắt thần” cực Tây Nam

Đúng 22 giờ 30 phút một ngày tháng 9, tàu HQ 637 rúc 3 hồi còi tạm biệt cảng An Thới (Phú Quốc) lên đường trực chỉ đảo Thổ Chu. Biển đêm, sóng vỗ bì bộp dưới thân tàu, cả đoàn thao thức không sao ngủ được. Trong số cán bộ, phóng viên lẫn các chiến sĩ hải quân đi trên tàu hôm ấy, có người đã từng đến Trường Sa nhưng biển đảo Tây Nam Tổ quốc thì chưa một lần đặt chân đến. Sợ mọi người say sóng, Thượng úy Trần Mạnh Tiến, Chính trị viên tàu HQ 637 đi từng phòng động viên anh em. Thượng úy Tiến cho biết: “Nhận nhiệm vụ từ Lữ đoàn, tàu HQ 637 có nhiệm vụ đưa đoàn đến 5 đảo: Thổ Chu, Nam Du, Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn Đốc an toàn”.

Vững vàng nơi đầu sóng ảnh 2

Trong 5 đảo chốt tiền tiêu kể trên, quần đảo Thổ Chu có tổng diện tích gần 14km2 với 8 hòn đảo, trong đó Thổ Chu là đảo lớn nhất, diện tích hơn 10km2. Tính từ đảo lớn Thổ Chu, nơi đặt trung tâm hành chính xã đảo Thổ Châu tới vị trí Tây Nam đảo Phú Quốc là 55 hải lý và Tây Bắc Mũi Cà Mau 85 hải lý. Thổ Chu nằm gần đường hải biên quốc tế Bangkok (Thái Lan), Komponsom (Campuchia). Hòn Nhạn của quần đảo Thổ Chu được chọn làm điểm chuẩn A1 của đường cơ sở để xác định lãnh hải Việt Nam. Nếu như đảo An Bang (Trường Sa) là điểm cực Nam, thì Thổ Chu là điểm cực Tây Nam của Tổ quốc. Có lẽ người dân Việt Nam không bao giờ quên được sự kiện bi thương: Ngày 10-5-1975, lực lượng Khmer Đỏ đã xâm chiếm và bắt toàn bộ cư dân trên đảo đưa đi sát hại. Từ ngày 23 đến 25-5-1975, bộ đội Việt Nam tấn công giải phóng Thổ Chu và các đảo lân cận. Đến đầu năm 1990, tỉnh Kiên Giang tổ chức di dân ra đảo Thổ Chu lập nghiệp. Ngày 24-4-1994, tái lập xã Thổ Châu, thuộc huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Thượng tá Phạm Văn Huy, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng đảo Thổ Chu, cho biết: “Nhận thức được tầm quan trọng và vị trí chiến lược của Thổ Chu, cán bộ, chiến sĩ trên đảo ngày đêm rèn luyện, khắc phục khó khăn gian khổ, sẵn sàng chiến đấu”. Quả thật, khi lên đến trạm rada 610, nhìn thấy cán bộ, chiến sĩ đang hăng hái huấn luyện ngoài thao trường, chúng tôi hỏi về nhiệm vụ và được Thượng úy Nguyễn Hoàng Quang, Trưởng trạm radar 610 cho biết: “Chức năng, nhiệm vụ của các chiến sĩ trực là quan sát các mục tiêu từ tầm thấp đến tầm cao trên biển để quan sát tàu, thuyền các nước đi trên đường hàng hải quốc tế, đồng thời phát hiện kẻ lạ, kịp thời báo cáo về trên có biện pháp xử lý nhanh. Từ khi thành lập đến nay, Trạm radar 610 được công nhận là đơn vị quyết thắng 12 năm liền. Đất liền hãy tin tưởng chúng tôi luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu cao, hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho”. Cùng quyết tâm trên, Trung úy Võ Văn Đông, Đại đội trưởng Đại đội 24, Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 5, tâm sự: “Anh em cán bộ chiến sĩ trong đơn vị thường xuyên quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ thị sẵn sàng chiến đấu bảo đảm an toàn trong khu vực biển đảo Tây Nam cũng như toàn đảo Thổ Chu, giữ yên trật tự an toàn xã hội, đảm bảo cho cán bộ chiến sĩ và tất cả nhân dân trên đảo an tâm”.

Quyết tâm bám biển, bám đảo

“Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, câu nói ấy đã ăn sâu vào tâm khảm của các cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Với họ, sự bình yên, phát triển của biển đảo chính là động cơ thôi thúc mỗi người nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng vượt khó, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chống lại mọi âm mưu, thủ đoạn, hành động xâm hại đến sự ổn định và an ninh vùng lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Thiếu tướng Ngô Văn Phát, Chuẩn Đô đốc, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh vùng 5 Hải quân, cho biết: “Vùng 5 Hải quân quản lý vùng biển từ cửa sông Gành Hào (Bạc Liêu), đến Hà Tiên (Kiên Giang). Đảng ủy, Bộ Tư lệnh vùng luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biển đảo, góp phần nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, chính quyền và đặc biệt là bà con nhân dân, hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biển đảo. Với trách nhiệm, chúng tôi sẽ đem hết sức mình, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển đảo được phân công, tạo môi trường hòa bình, ổn định để bà con an tâm làm ăn phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biển”.

Đại tá Đoàn Xuân Tuyển, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh vùng 5 Hải quân nói, các cán bộ, chiến sĩ hải quân luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển, bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải giữ gìn lấy nó”, nên dù trong hoàn cảnh nào, anh em cũng sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ vùng trời biển đảo quê hương. Với tinh thần đó, thời gian qua, Bộ Tư lệnh vùng 5 Hải quân đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, làm nòng cốt trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa Tây Nam, giữ vững vùng biển hòa bình, ổn định, xây dựng vùng chính quy và hiện đại. Cụ thể, đã chấp hành nghiêm quy chế giáo dục chính trị và kế hoạch giáo dục chính trị. Qua đó, có 100% cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp có bản lĩnh chính trị vững vàng. Đại tá Đoàn Văn Chiều, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 5, cho biết: “Các chiến sĩ luôn luôn có ý chí quyết tâm chiến đấu cao, sẵn sàng nhận sự điều động dù bất cứ nơi đâu và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”.

Có thể nhận thấy tinh thần vững vàng ấy từ Trạm radar 625 thuộc Tiểu đoàn 551 trên đảo Hòn Đốc (quần đảo Hải tặc, dân gian gọi là Hòn Tre). Từ đài quan sát, ta có thể dễ dàng thấy hải phận của Campuchia. Theo sử sách, đây là vùng giáp ranh và đi thẳng đến vịnh Thái Lan, nên trước đây thường xuyên có bọn hải tặc hoành hành. Tại hòn Đốc, chính quyền chế độ Việt Nam Cộng hòa đã cho xây dựng một cột mốc để cảnh báo cho ngư dân đánh bắt cá khi qua lại khu vực này. Như vậy, chúng ta có thể thấy ngay từ những thể kỷ trước, cụm quần đảo nơi đây, trong đó có Hòn Đốc là chứng tích lịch sử về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Đại úy Vũ Hồng Thám, Trạm trưởng Trạm Radar 625, phát biểu: “Mặc dù điều kiện sinh hoạt nơi đây còn nhiều khó khăn, nhưng các chiến sĩ Trạm radar 625 vùng 5 Hải quân vẫn ngày đêm bám biển để giữ vững vùng trời, vùng biển của Tổ quốc”. Việc giữ lấy từng tấc đất mà ông cha để lại là trách nhiệm không của riêng ai. Và chúng ta càng hiểu trách nhiệm nặng nề trên vai của cán bộ chiến sĩ ở đảo xa ngày đêm bám biển để giữ vững vùng trời, vùng biển; càng hiểu được sự quý giá từng tấc đất chủ quyền quốc gia.

“Hiệp đồng binh chủng” giữ yên biển đảo

Theo Chuẩn Đô đốc Doãn Văn Sở, Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, những năm qua, Vùng 5 đã chủ động phối hợp với các lực lượng, các địa phương thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước tại vùng biển, đảo Tây Nam, góp phần quan trọng vào việc tổ chức phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên biển, kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh... Tuy nhiên, vùng biển Tây Nam còn tồn tại vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia, vùng chồng lấn Việt Nam - Thái Lan - Malaysia, Việt Nam - Malaysia chưa được phân định rõ ràng về chủ quyền và quyền chủ quyền, nên khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ. Trong khi đó, các hoạt động trên vùng biển này đang có những diễn biến phức tạp, nhất là các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, đánh bắt hải sản trái phép... Vì vậy, công tác phối hợp quản lý vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu mới.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Vùng 5 Hải quân, Vùng Cảnh sát biển 4 (CSB4), Hải đoàn 28 Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy (BCH) Quân sự, BCH Bộ đội Biên phòng, lãnh đạo các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau thường xuyên tiến hành thu thập và trao đổi những thông tin có liên quan, phối hợp cùng xác minh các nguồn tin thu được để làm rõ và kết luận trước khi báo cáo lên cơ quan chức năng cấp trên theo ngành dọc; đồng thời, thống nhất giải quyết một số vụ việc xảy ra. Bộ Tư lệnh Vùng 5 duy trì liên tục 24/24 giờ mạng đài canh dân sự, sóng ngắn ở 2 tần số theo quy định và phối hợp chặt chẽ với đài canh của BCH Bộ đội Biên phòng, BCH Quân sự, đài canh Duyên hải để chủ động nối thông thông tin liên lạc cho các phương tiện, nhất là các tàu bị nạn trên biển. Các tàu của Vùng 5 Hải quân cùng các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển cũng thường xuyên duy trì canh trực 24/24 giờ sóng cực ngắn trên kênh 16 UHF để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn trên biển. Việc thu thập, đánh giá, kết luận và tổng hợp các bản tin gửi cho các lực lượng phối hợp hoạt động trên địa bàn có liên quan được thực hiện hàng tuần, hằng tháng.

Vùng biển đảo Tây Nam nước ta có đường hàng hải quốc tế đi qua, lưu lượng tàu thuyền qua lại với mật độ lớn; nhiều hoạt động giao thông và thương mại, du lịch, thăm dò khai thác dầu khí trong khu vực diễn ra sôi động... Những hoạt động đó tác động rất lớn đến công tác quản lý nhà nước trên biển, đảo của các lực lượng và cơ quan chức năng. Chính vì điều này, Chuẩn đô đốc, Chính ủy Hải quân vùng 5 Ngô Văn Phát, cho biết: Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng đặc biệt coi trọng các hoạt động phối hợp giữa các lực lượng để bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh quốc gia và trật tự, an toàn trên biển. Thông qua đó, các lực lượng chủ động kiểm tra, kiểm soát, theo dõi, quản lý chặt chẽ tình hình vùng biển, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi xâm phạm chủ quyền biển, đảo và các hoạt động vận chuyển trái phép, buôn lậu, vi phạm pháp luật trên biển, ổn định tình hình an ninh và trật tự, an toàn xã hội; đồng thời, củng cố xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển…

TRẦN MINH TRƯỜNG

Vững vàng nơi đầu sóng ảnh 3

Tin cùng chuyên mục