Vườn quốc gia Yok Đôn - Lâm tặc qua mặt kiểm lâm

Những cơn mưa Tây Nguyên bất chợt và tầm tã vẫn không đủ sức làm dịu đi sức nóng của tình trạng khai thác gỗ lậu trong Vườn quốc gia Yok Đôn. Thêm một chuyến lội rừng, chúng tôi giật mình hiểu ra, chủ rừng đang theo sau, vuốt đuôi lâm tặc.
Vườn quốc gia Yok Đôn - Lâm tặc qua mặt kiểm lâm

Những cơn mưa Tây Nguyên bất chợt và tầm tã vẫn không đủ sức làm dịu đi sức nóng của tình trạng khai thác gỗ lậu trong Vườn quốc gia Yok Đôn. Thêm một chuyến lội rừng, chúng tôi giật mình hiểu ra, chủ rừng đang theo sau, vuốt đuôi lâm tặc.

  • Rút ruột rừng cấm

Theo tuyến đường tuần tra bảo vệ rừng, ngang qua Trạm kiểm lâm số 6 và Trạm kiểm lâm Đrang Phốk (Vườn quốc gia Yok Đôn), chúng tôi tìm đến các tiểu khu 441 và 434. đây được xem là một trong những điểm nóng về nạn khai thác trái phép gỗ quý hiếm. Con đường tuần tra mùa mưa nên nhiều đoạn tràn băng ngang suối nước ngập khá sâu, một số đoạn lầy lội.

Rừng Yok Đôn giữa mùa mưa cỏ, le bụi mọc um tùm, cao ngang lưng người. Nhìn bao quát, rừng có vẻ yên ả. Thế nhưng, đi sâu vào những cánh rừng có nhiều gỗ quý, mới thấy tài nguyên rừng ở đây đang ngày đêm bị tàn phá trắng trợn. Những con đường mòn được lâm tặc mở chằng chịt để khai thác và vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Ngoài đường lớn cho ô tô, xe cày đi, còn có những con đường mòn nhỏ dành cho xe máy, xe đạp thồ.

Hiện trường những cây giáng hương bị lâm tặc “khai thác” đầu tháng 10 tại tiểu khu 441 và 434.

Hiện trường những cây giáng hương bị lâm tặc “khai thác” đầu tháng 10 tại tiểu khu 441 và 434.

Chỉ cần lần theo những con đường mòn này, chúng tôi tìm thấy rất nhiều vị trí những cây gỗ giáng hương (nhóm 2A) đã bị lâm tặc triệt hạ, bổ xẻ vận chuyển ra khỏi rừng, dấu vết cũ có, mới có. Có những cây giáng hương mới hạ khoảng một tuần trước, cành lá vẫn còn tươi nguyên. Chỉ trong khoảng gần 2 giờ lội rừng ở các tiểu khu 441 và 434, chúng tôi đến được vị trí hơn chục cây giáng hương có đường kính gốc từ 50cm đến 1m bị lâm tặc khai thác trong thời gian từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 này.

Tại tiểu khu 441, đứng trước gốc hương đường kính 1m mà lâm tặc đã đốn hạ và lấy đi 5 khúc gỗ lớn, anh cán bộ lâm nghiệp đi cùng nhẩm tính: “Với giá 40 triệu đồng/m3, cây hương này (hơn 3m3 gỗ xẻ thành hộp), lâm tặc bán được hơn 100 triệu đồng. Lợi nhuận lớn như thế, nên Vườn quốc gia Yok Đôn đã và đang trở thành điểm đến của nhiều nhóm, đường dây lâm tặc cỡ bự”. Thực tế, từ khoảng cuối năm 2010 đến nay, đã có hàng trăm cây giáng hương, cẩm lai… bị lâm tặc khai thác trái phép với khối lượng gỗ hàng ngàn mét khối được vận chuyển trót lọt ra khỏi rừng.

  • Vườn nhà của ai?

Bằng cách nào, gỗ quý trong Vườn quốc gia Yok Đôn bị đốn hạ, cưa xẻ và sau đó tuồn được ra khỏi rừng một cách dễ dàng như vậy? Ngày 10-10, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Còn, Hạt phó Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn, cho rằng: “Rừng Yok Đôn chịu nhiều áp lực, bị lâm tặc tấn công nhiều phía. Bởi xung quanh vùng đệm của vườn có tới 9.000 hộ với hơn 40.000 khẩu sinh sống. Thậm chí, còn có cả một buôn với 80 hộ định cư ngay trong vùng lõi của vườn”.

Tuy nhiên, từ thực tế những chuyến đi rừng và theo phân tích của chúng tôi, nguyên nhân mất nhiều gỗ quý trong rừng Yok Đôn, trước hết là do lực lượng bảo vệ rừng của vườn (chủ rừng) thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý.

Được biết, với diện tích hơn 115.000ha, Vườn quốc gia Yok Đôn đang có tổng số cán bộ, công nhân viên 225 người, trong đó riêng lực lượng kiểm lâm hơn 100 người, được bố trí tại 1 hạt và 11 trạm kiểm lâm. Ngoài ra, huyện Buôn Đôn còn lập 1 trạm kiểm soát liên ngành đặt trên tỉnh lộ 1-tuyến đường độc đạo từ Vườn quốc gia Yok Đôn ra TP Buôn Ma Thuột. Như vậy có thể thấy, nếu lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Yok Đôn làm hết trách nhiệm, trạm liên ngành của huyện Buôn Đôn làm đúng chức năng, thì lâm tặc khó có thể lộng hành đến thế.

Một ví dụ thực tế về sự thiếu trách nhiệm của lực lượng bảo vệ rừng Yok Đôn, vào ngày 10-10, chúng tôi lội vào các tiểu khu 441 và 434, phát hiện được cả những hộp gỗ hương lâm tặc đang tập kết trên đường vận chuyển, thậm chí còn để ngay trên đường tuần tra. Vậy mà, tại Trạm kiểm lâm Đrang Phốk và Trạm kiểm lâm số 6, không hề có một hộp gỗ lậu tang vật nào mới. Vậy những hộp gỗ trong rừng mà chúng tôi trực tiếp nhìn, sờ thấy, đo đếm, quay phim, chụp ảnh ở tiểu khu 434 và 441 ở đâu ra?

Từ thực tế trên, chúng tôi cho rằng, kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn có thể có dấu hiệu tiếp tay cho lâm tặc; hoặc lâm tặc có “thế lực bảo kê”, nên kiểm lâm vườn bị vô hiệu hóa (!), khiến họ chỉ có chức năng đi theo sau lâm tặc để ghi và đánh số những gốc cây gỗ quý đã bị lâm tặc triệt hạ, bổ xẻ và lấy gỗ ra khỏi rừng.

Dư luận thực sự bức xúc về tình trạng cán bộ, kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn tiếp tay cho lâm tặc, và cũng hơn một lần kiến nghị xem xét tình trạng trù dập những cán bộ, đảng viên dám “đánh” lâm tặc. Nhưng, với thực trạng công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Vườn quốc gia Yok Đôn như hiện nay, chúng tôi khẳng định rằng: Gỗ quý trong Vườn quốc gia Yok Đôn, không chỉ mất như thế, mà còn mất nhiều hơn nữa. Vườn quốc gia đang trở thành “vườn nhà” của những ai(?). Câu trả lời xin nhường cho cơ quan chức năng, mà trực tiếp là Bộ NN-PTNT.

Cách đây mấy tháng, trước thực trạng nạn khai thác gỗ quý trong Vườn quốc gia Yok Đôn nóng một cách bất thường, Bộ NN-PTNT, cùng với UBND tỉnh Đắc Lắc và UBND huyện Buôn Đôn đã có những buổi “họp bàn - bắt bệnh” cho cái vườn rộng nhất nước này, nhưng đến nay, vẫn chưa đưa ra phương thuốc đặc trị nào.

Chúng tôi cho rằng, để giữ được tài nguyên quý hiếm trong Vườn quốc gia Yok Đôn, phải bắt đầu từ công tác cán bộ, và trước hết phải kiện toàn cho được ban giám đốc có năng lực, phẩm chất và tinh thần đoàn kết cao; phải thanh lọc đưa ra khỏi vườn những cán bộ tha hóa, biến chất, và thay vào đó là đội ngũ có trách nhiệm, nhiệt huyết với rừng. 

BÌNH ĐỊNH

Tin cùng chuyên mục